Cần Thơ: Hội thảo Cập nhật một số tiến bộ về chăm sóc tiền sản và chu sinh
Chăm sóc tiền sản và chu sinh có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Từ đó, chúng ta sẽ có các phương pháp để can thiệp và điều trị sớm các bất thường cho các con.
Với tầm quan trọng và ý nghĩa đó, ngày 2/6/2023, tại Cần Thơ, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu tổ chức Hội thảo "Cập nhật những tiến bộ về chăm sóc tiền sản và chu sinh". Hội thảo có sự tham dự và chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất của các bác sĩ chuyên ngành Sản – Nhi, đến từ các bệnh viện lớn như: Từ Dũ, Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, Nhi đồng Cần Thơ, Phụ sản Cần Thơ, Đa khoa Trung ương Cần Thơ…
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Duy Linh - Giám đốc chuyên môn Tập đoàn y tế Phương Châu, những năm qua công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh được xã hội quan tâm. Thông qua mô hình hoạt động của những trung tâm tiền sản, người dân dần nhận thức được tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Song song đó, kỹ thuật y học bào thai cũng đã trải qua nhiều bước phát triển không ngừng.
Hướng đến thông điệp "kiến thức là sẻ chia", các đề tài được giới thiệu tại hội thảo được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên môn trong chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Từ đó đáp ứng công tác sàng lọc cơ bản và mở rộng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chia sẻ về công tác sàng lọc trước sinh, Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Nhật Thăng (Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh) đề cập đến các con đường lây và hậu quả mà virus Cytomegalo (loại virus thuộc nhóm Herpes) gây ra cho em bé. Theo đó, em bé có mẹ bị nhiễm virus Cytomegalo có thể bị mất thính lực bẩm sinh, di chứng thần kinh nặng… Thế nhưng người mẹ mang mầm bệnh lại hầu như không có triệu chứng gì, điều này khiến thai phụ dễ coi thường, bỏ qua các xét nghiệm tầm soát.
Do đó, các bác sĩ Sản khoa cần tuân thủ nghiêm quy trình chỉ định xét nghiệm theo tuổi thai. Thai phụ cần được làm xét nghiệm test nhanh dịch tiết (cổ tử cung, nước bọt, nước tiểu…) hoặc chính xác hơn là test huyết thanh. Bác sĩ Nhật Thăng khuyến cáo: Việc kiểm tra người mẹ có miễn dịch không đồng nghĩa với việc ngăn được lây nhiễm cho thai nhi. Nghiên cứu cho thấy hơn 75% thai nhi bị nhiễm virus từ mẹ là do tái hoạt hoặc tái nhiễm.
Trao đổi về tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh, Bác sĩ Chuyên khoa II Trịnh Nhựt Thư Hương (Trưởng Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ) đề cập đến các trường hợp thai bị giới hạn tăng trưởng. Trong trường hợp này, thai nhi sẽ phải đối diện với tình trạng suy dinh dưỡng, nhẹ cân; người mẹ có thể bị tiền sản giật, sinh non… Bệnh cảnh này có thể được phát hiện và tầm soát thông qua siêu âm dopper.
Bác sĩ Thư Hương cho rằng, trong các trường hợp thai bị giới hạn tăng trưởng, bác sĩ cần có sự tư vấn chi tiết cho người mẹ những tình huống có thể gặp phải ở cả mẹ và bé, thời điểm phù hợp nhất để chấm dứt thai kỳ. Tuy vậy, cũng cần tôn trọng quyết định của thai phụ và gia đình, không áp đặt xử lý chuyên môn một cách cứng nhắc.
Một trong những bệnh lý mà thai nhi và trẻ chu sinh dễ mắc phải là tim bẩm sinh. Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Gio An (Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh) nêu con số 40.000 trẻ mắc/năm, trong đó có 1/4 trẻ bị nặng cần can thiệp lập tức sau sinh để tăng tỷ lệ sống sót, 48% trẻ bị tim bẩm sinh có thể tử vong trong năm đầu. Để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, Bác sĩ Gio An khuyến cáo đồng nghiệp cần đặc biệt lưu ý ở những sản phụ bản thân hoặc tiền sử gia đình có bệnh tim, thai chậm hoặc ngừng phát triển, phù nhau thai… để có những chỉ định tầm soát chuyên sâu.
Bên cạnh đó, cần có tư vấn tâm lý để gia đình sản phụ hiểu rõ tình huống mình đang đối diện. Với những ca bé cần can thiệp tim ngay sau khi sinh thì phải có phương án di chuyển sản phụ đến những bệnh viện tuyến trung ương, đủ máy móc thiết bị và bác sĩ chuyên khoa Tim mạch chờ sinh, tránh những trường hợp đáng tiếc do không can thiệp kịp.
Tại hội thảo, các chuyên gia còn chia sẻ các chuyên đề về công tác sàng lọc; xử lý sau kết quả NIPT; nhiễm trùng bào thai; góc nhìn miễn dịch trong giai đoạn đầu thai kỳ; khuyến cáo FIGO 2023 về sử dụng Progesterone trong sẩy thai liên tiếp; tư vấn thai nhi có dị tật ngoại khoa và tiếp cận sau sinh…
Được biết, thời gian qua Trung tâm Tiền sản Bệnh viện Quốc tế Phương Châu là nơi chuyên biệt cho các hoạt động khám, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh. Trung tâm đã góp phần vào thành công của hơn 33.000 em bé chào đời hoàn toàn khỏe mạnh.
Đan PhượngThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.