Cần Thơ: Hội thảo Chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số
Sáng 19/12, tại Khách sạn Vạn Phát, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ tổ chức hội thảo "Chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số" với sự tham dự của Lãnh đạo Cục Chuyển đổi số Quốc gia; HĐND, UBND thành phố Cần Thơ...
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Trần Việt Trường cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, tạo cơ hội chuyển đổi mạnh mẽ chưa từng có cho các quốc gia, các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên khẳng định vai trò, năng lực, trình độ của mình khi tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giúp cho các hoạt động của Chính phủ của các quốc gia hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, chuyển đổi số là sự dịch chuyển toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội từ môi trường thực sang môi trường số trên cơ sở đảm bảo 3 trụ cột: "Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số". Trong đó, Chính phủ số tăng hiệu quả quản lý và tính minh bạch của chính phủ; Kinh tế số đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới; Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.
Tại Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Việt Trường cho biết, đối với thành phố Cần Thơ đã cơ bản hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số như: Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/8/2021 của Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025; Kế hoạch của UBND thành phố Cần Thơ về Chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 3 trụ cột: "Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số", đồng thời cũng xác định 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số của thành phố như: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải logistics, Năng lượng... Cần Thơ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số của thành phố và và của các ngành, các cấp; thành lập Tổ công tác, Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng xác định chuyển đổi số gắn với đô thị thông minh, trên cơ sở đó khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh cũng đã cơ bản hình thành như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/4/2017 của Thành ủy "Về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025", UBND thành phố đã phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định 10 lĩnh vực ưu tiên triển khai thực hiện như: Y tế, Giáo dục, Du lịch, Nông nghiệp,…
Để thực hiện thành công chuyển đổi số gắn với đô thị thông minh thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ mong muốn quy tụ nhiều nguồn lực từ các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt, nguồn nhân lực số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc triển khai và khẳng định tính hiệu quả chuyển đổi số của thành phố. Bên cạnh đó, thông qua Hội thảo "Chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số".
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ mong muốn chia sẻ các vấn đề vướng mắc hiện nay của thành phố về chuyển đổi số đồng thời cũng mong được lắng các sáng kiến, gợi mở và các đề xuất, giải pháp từ các diễn giả, chuyên gia đối với thành phố Cần Thơ giúp Cần Thơ có được thông tin hữu ích để nghiên cứu, tham khảo triển khai các hoạt động chuyển đổi số tại cơ quan, địa phương. Cạnh đó, thông qua buổi tọa đàm về phát triển nguồn nhân lực số, thành phố mong muốn tìm được tiếng nói chung giữa các bên liên quan trong vấn đề đào tạo nhân lực số, sử dụng nhân lực số trong thời gian tới.
Văn Dương - Hồng Ân
Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.