Cần Thơ: Khánh thành Phòng Truyền thống Dân y khu Tây Nam Bộ

Địa phương
03:59 PM 21/04/2023

Ngày 21/4, tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, trong không khí thắm tình đồng chí, Sở Y tế TP. Cần Thơ tổ chức Lễ Khánh thành Phòng Truyền thống Dân y khu Tây Nam Bộ (thời kỳ kháng chiến cứu nước 1954 - 1975).

Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Quốc Cường - Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ, phát biểu tại Lễ khánh thành

Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Quốc Cường - Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ, phát biểu tại Lễ khánh thành

Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Quốc Cường - Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ, xúc động chia sẻ: Phòng Truyền thống Dân y khu Tây Nam Bộ nhằm trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tư liệu, số liệu hoạt động của Dân y khu Tây Nam Bộ thời kỳ kháng chiến cứu nước giai đoạn 1954 - 1975. Phòng truyền thống tái hiện một phần bức tranh công tác, học tập, sinh hoạt, lao động và chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt của những người chiến sĩ áo trắng trên mặt trận y tế.

Phòng Truyền thống hy vọng sẽ góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ hiện tại và mai sau trong ngành y tế, đặc biệt là học sinh, sinh viên Y, Dược từ các trường đào tạo tại khu vực Tây Nam bộ, để các bạn trẻ hiểu hơn về thành quả hôm nay là kết tinh từ những hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước. Những người kế thừa phải làm tốt nhiệm vụ của mình là phấn đấu học tập, rèn luyện và làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân...

Nghi thức cắt băng khánh thành

Nghi thức cắt băng khánh thành

BS CKII Lê Thành Lập, nguyên Giám đốc Sở Y Tế TP. Cần Thơ, Trưởng Ban Liên lạc Dân y Tây Nam Bộ, đã ôn lại lịch sử hình thành và vai trò to lớn của Dân y Tây Nam Bộ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Tháng 6/1963, Thường vụ Khu ủy khu Tây Nam Bộ quyết định thành lập Ban Quân Dân y khu. Cuối năm 1964, Quân Dân y tách thành 2 hệ thống là Quân y trực thuộc cục Hậu Cần Quân Khu và Dân y trực thuộc Thường vụ Khu ủy.

Kết thúc cuộc kháng chiến, Dân y khu Tây Nam Bộ có trên 150 bác sĩ và dược sĩ đại học, 1.200 y sĩ và dược sĩ trung học. Đây là đội ngũ cán bộ cốt cán do Dân y khu đào tạo, khá vững về chuyên môn, trong sáng về y đức. Nguồn nhân lực này đã giúp y tế các tỉnh Tây Nam bộ đủ sức tiếp quản hệ thống y tế chế độ cũ, quản lý điều hành xây dựng và phát triển mạng lưới y tế nhanh chóng trong những năm đầu sau giải phóng.

Khi giải phóng, lực lượng Dân y khu ra tiếp quản các cơ sở y tế ở Cần Thơ. Khi hình thành tỉnh Hậu Giang, Dân y khu cũng giải thể. Y tế Hậu Giang (sau này là Cần Thơ) thừa hưởng thuốc men, trang thiết bị và nhân lực của Dân y khu, nên có điều kiện phát triển mạnh. 

Những năm cuối thế kỷ XX, Cần Thơ đạt 4 thành quả nổi bật: Nhờ sớm có Trường Trung học Y tế nên Cần Thơ đã đào tạo cán bộ, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở khá nhanh và mạnh; và đạt thành quả: 100% xã có bác sỹ, 100% xã có nữ hộ sinh trung học hoặc y sĩ, 100% ấp có cán bộ y tế. Cần Thơ sau đó đã được Bộ Y tế khen ngợi và cấp bằng chứng nhận duy nhất trong cả nước.

Thành quả tiếp theo là thành lập Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đào tạo nhân lực ngành Y cho toàn vùng và nhiều tỉnh khu vực Nam bộ. Thành lập BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ trên địa bàn thành phố, và các bệnh viện chất lượng cao, là tuyến điều trị cuối của toàn vùng. Cuối cùng, Xí nghiệp Dược 2/9 của Dân y khu được giao cho Cần Thơ và đổi tên thành Xí nghiệp Dược Hậu Giang. Những năm cuối thế kỷ, Xí nghiệp Dược hoạt động xuất sắc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Giám đốc xí nghiệp Phạm Thị Việt Nga cũng nhận danh hiệu Anh hùng lao động.

Anh hùng lao động Phạm Thị Việt Nga tặng Phòng truyền thống bức tranh cơ sở Dân y khu Tây Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến cứu nước.

Anh hùng lao động Phạm Thị Việt Nga tặng Phòng truyền thống bức tranh cơ sở Dân y khu Tây Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến cứu nước.

Bốn thành quả trên là sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, nhân dân và cán bộ y tế Cần Thơ, cùng sự đóng góp nguồn lực của Dân y Tây Nam Bộ. Cuối thế kỷ 20, mạng lưới y tế cơ sở Cần Thơ, Xí nghiệp dược Hậu Giang được Bộ Y tế tôn vinh toàn quốc và là lá cờ đầu trong ngành y tế cả nước.

Đến nay, Cần Thơ đã trở thành trung tâm y tế của vùng ĐBSCL, thành quả đó có sự đóng góp nguồn lực ban đầu hết sức quý giá của Dân y khu Tây Nam Bộ.

BS CKII Lê Thành Lập, nguyên Giám đốc Sở Y Tế TP. Cần Thơ, Trưởng Ban Liên lạc Dân y Tây Nam Bộ (áo veston đen), hướng dẫn các đại biểu tham quan Phòng truyền thống

BS CKII Lê Thành Lập, nguyên Giám đốc Sở Y Tế TP. Cần Thơ, Trưởng Ban Liên lạc Dân y Tây Nam Bộ (áo veston đen), hướng dẫn các đại biểu tham quan Phòng Truyền thống

Nhằm phát huy hiệu quả của Phòng Truyền thống, Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ đề nghị Công đoàn ngành Y tế TP. Cần Thơ phối hợp với Đoàn Thanh niên, nghiên cứu phát động "Hội thi tìm hiểu lịch sử hình thành, nội dung của Phòng Truyền thống" trong đoàn viên, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế thành phố. 

Các trường đào tạo khối, ngành sức khỏe, các bệnh viện trên trên địa bàn, các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tạo điều kiện cho sinh viên, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế tham quan học tập. Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ lên kế hoạch bảo quản các tư liệu, tránh bị hư hỏng; đồng thời ghi nhận thông tin của khách tham quan để nghiên cứu, bổ sung vào bài thuyết minh.

Đan Phượng
Ý kiến của bạn
VDCA đề xuất mức thuế 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số VDCA đề xuất mức thuế 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số

Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính. Trong đó, VDCA đề xuất mức thuế suất 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số, giải trí số.