Cần Thơ: Kiểm soát được dịch bệnh là thành công lớn nhất của chính quyền và người dân
Bằng việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo từng quận huyện theo Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 01/8/2021 của Chủ tịch UBND thành phố và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn thành phố từ 00h00 phút ngày 25/8/2021 đến 00h00 phút ngày 08/9/2021, đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Cần Thơ cơ bản được kiểm soát. Chia sẻ thành công này, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng đó là thành tích của cả bộ máy chính quyền và người dân.
Phóng viên: Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và mọi mặt đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Tại TP. Cần Thơ, có vẻ như mọi việc luôn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền. Xin ông cho biết, cách làm nào chính quyền đạt được thành công này?
Ông Trần Việt Trường: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy, với yêu cầu ưu tiên tập trung các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kiên quyết bảo vệ cho bằng được sức khỏe, tính mạng của nhân dân, UBND thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát với một số kết quả đạt được rất đáng khích lệ; trong đó công tác xét nghiệm, điều trị, cách ly, phong tỏa được triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách hỗ trợ được bảo đảm. Triển khai thực hiện nhiều mô hình hay để bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong việc thực hiện giãn cách xã hội được triển khai thực hiện tốt.
Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trọng tâm vẫn là ngành y tế. Thời gian qua, ngành y tế địa phương đã tăng cường truy vết thần tốc, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2, F3 liên quan đến bệnh nhân COVID-19. Tổ chức xét nghiệm tầm soát cộng đồng trên diện rộng; thành lập Tổ Điều phối, tiếp nhận điều trị bệnh nhân; hướng dẫn tiếp nhận phân loại, điều trị và chuyển tuyến bệnh nhân COVID-19.
Hoàn thành việc tiêm 260.855 liều vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên, công nhân, người lao động trên địa bàn; huy động phương tiện, tài xế của Hội chữ thập đỏ thành phố để hỗ trợ vận chuyển người, vật tư, hóa chất, hàng hóa phục vụ công tác, phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức kiểm tra phương án phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp.
Tiếp tục truyền thông mạnh mẽ biện pháp phòng, chống dịch nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh. Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, không ra ngoài khi không thực sự cần thiết và nghiêm túc thực hiện thông điệp "5K" của Bộ Y tế.
Phóng viên: Ngoài nhiệm vụ chống dịch, việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Xin ông cho biết, trong bối cảnh vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thời gian qua của thành phố như thế nào?
Ông Trần Việt Trường: Thành phố đang thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống Nhân dân. Chúng tôi đã trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy về dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh những tháng cuối năm 2021 trước diễn biến dịch COVID-19; họp trực tuyến với đơn vị tư vấn lập "Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050"; họp Tổ phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch của Ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 theo các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Thành ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ, ngành Trung ương; tăng cường nắm tình hình, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ,...
Lãnh đạo UBND Thành phố dự: Họp trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tháo gỡ khó khăn trong thu hoạch, tiêu thu lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long; Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp; phiên họp trực tuyến của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Hội nghị trực tuyến về triển khai Chương trình hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội nghị của Chính phủ với các địa phương về công tác quy hoạch; Hội nghị trực tuyến Tổng kết 1 năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022; kỳ họp thứ 2 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2021) của HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026...
Phóng viên: Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh, do giãn cách xã hội kéo dài… đến nay thành phố đã "đo lường" được mức độ thiệt hại như thế nào? Biện pháp khắc phục trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Trần Việt Trường: Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19; trong đó du lịch là ngành chịu tác động và thiệt hại nặng nề nhất. Công tác quảng bá, xúc tiến và xây dựng sản phẩm du lịch đã bị tạm hoãn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã tạm dừng nhằm hạn chế tập trung đông người. Công tác tuyển chọn, đào tạo, tập huấn và thi đấu nhằm nâng cao thành tích vận động viên thể thao thành tích cao gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Việc thực hiện phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất" dẫn đến số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã tạm dừng khoảng 95,32% tổng số doanh nghiệp, chỉ còn lại khoảng 4,68% doanh nghiệp hoạt động đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa trong sản xuất công nghiệp. Tình hình buôn bán của hầu hết các doanh nghiệp và hộ cá thể gặp rất nhiều khó khăn, đa phần đều đóng cửa tạm ngưng hoạt động.
Doanh thu các ngành kinh doanh giảm mạnh, chủ yếu ở các nhóm sản phẩm không thiết yếu; giá cả vật tư nông nghiệp đang có xu hướng tăng, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa khó khăn, chi phí vận chuyển tăng, chi phí nguyên liệu tăng,...
Một số nơi, lĩnh vực còn thiếu lao động trong giai đoạn thu hoạch do thực hiện giãn cách xã hội; việc thu hoạch và tiêu thụ các mặt hàng thủy sản có sản lượng lớn gặp khó khăn, tồn đọng tại một số địa phương; giá nông, thủy sản giảm, trong khi chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp, chi phí vận chuyển,... đều tăng, người nông dân đang gặp khó khăn trong giải quyết đầu ra cũng như tổ chức tái sản xuất trong nông nghiệp; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn có quan tâm nhưng chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp của thành phố; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các lao động tự do, người buôn bán tại ở chợ truyền thống, chợ dân sinh, người bán vé số, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng; nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay chỉ tăng nhẹ so với tháng trước; thu hút các dự án còn chậm. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, chưa có chuyển biến mới.
Để khắc phục khó khăn này, trong những tháng cuối năm, thành phố sẽ tập trung ưu tiên phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân. Chúng tôi đã đề ra 19 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm để thực hiện mục tiêu này
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch dành thời gian cho Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị cuộc chia sẻ này.
Hồng Ân – Văn Dương
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.