Cần Thơ: Kịp thời cứu sống bệnh nhân người Trung Quốc bị nhồi máu cơ tim cấp
Ngày 15/9, BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, sau 30 phút các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa can thiệp mạch vành cứu sống nam bệnh nhân quốc tịch Trung Quốc bị nhồi máu cơ tim cấp.
Vào tối 13/9, ông W.Z., (SN 1971), đang tạm trú và làm việc tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long lên cơn đau ngực trái ngày càng tăng, được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 4h30 ngày 14/9 với chẩn đoán Nhồi máu cơ tim cấp.
Qua khám và xét nghiệm xác định bệnh nhân W.Z., bị nhồi máu cơ tim cấp và có chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu. Kết quả chụp mạch vành ghi nhận động mạch liên thất trước (LAD) bị thâm nhiễm, hẹp 80% - 90% nhánh chéo 1. Ê-kíp các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp đã tiến hành can thiệp mạch vành cho bệnh nhân bằng cách nong bóng và đặt stent phủ thuốc với thời gian 30 phút do ThS.BS Trần Văn Triệu - Phó khoa Phụ trách khoa Tim mạch can thiệp và BS.CKI Nguyễn Văn Nhiệm thực hiện. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh, mạch, huyết áp ổn định, giảm đau ngực nhiều và tiếp tục điều trị tại Khoa Tim mạch can thiệp.
ThS.BS. Trần Văn Triệu - Phó khoa Phụ trách khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, nhồi máu cơ tim cấp tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các nước phát triển và là bệnh lý cấp cứu với nhiều biến chứng có thể xảy ra nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời.
Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi dòng máu nuôi dưỡng cơ tim đột ngột bị cắt đứt, gây tổn thương tế bào cơ tim và xuất hiện cơn đau ngực. Đây là kết quả của sự tắc nghẽn một hay nhiều động mạch vành. Sự tắc nghẽn phát triển chủ yếu do sự tích tụ các mảng bám lâu ngày trong lòng mạch, chủ yếu từ chất béo, cholesterol và một số chất khác.
Nguyên tắc điều trị chung là tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu vãn tối đa phần cơ tim do thiếu máu nuôi dưỡng nằm xen lẫn với những vùng cơ tim đã chết vì hoại tử do thiếu máu. Trong thời gian qua tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thực hiện can thiệp thành công nhiều trường hợp bệnh mạch vành cấp cứu trong đó có các trường hợp người nước ngoài.
Hình ảnh tổn thương mạch vành trước và sau khi can thiệp.
BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, Cần Thơ là trung tâm ĐBSCL, người nước ngoài sinh sống và làm việc nhiều nên việc liên tiếp thực hiện thành công các ca cấp cứu trên rất ý nghĩa. Nó góp phần giúp người nước ngoài an tâm làm việc và công tác ở địa phương đặc biệt khi tình hình dịch COVID-19 tại khu vực ĐBSCL vẫn còn diển biến phức tạp.
Hiện tại, ngoài nhiệm vụ tổ chức hoạt động khu điều trị hồi sức các trường hợp COVID-19 nặng của khu vực ĐBSCL, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ còn phải đảm bảo điều trị cấp cứu các bệnh lý khác kể cả các trường hợp cấp cứu kỹ thuật cao (mổ tim cấp cứu, can thiệp mạch vành cấp cứu, mạch não…) từ các tuyến chuyển đến. Do vậy, việc đảm bảo an toàn bệnh viện trong phòng chống dịch COVID-19 luôn được tập trung cao độ - BS.CKII Phạm Thanh Phong cho biết thêm.
Văn Dương - Hồng ÂnThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.