Cần Thơ: Một năm bứt phá với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,64%
Kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Cần Thơ đạt được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, 17/17 chỉ tiêu đều vượt và đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao 12,64%, thu Ngân sách Nhà nước đạt 11.420 tỷ đồng.
Năm 2022, chuẩn bị khép lại, với TP. Cần Thơ là trung tâm kinh tế vùng ĐBSCL, đây là một năm có nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội. Mặc dù, chịu nhiều ảnh hưởng bởi thay đổi trong chính sách kinh tế, thương mại hay thiệt hại từ thiên tai, lũ lụt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng các thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã không ngừng nỗ lực, đồng hành với chính quyền các cấp, phấn đấu hoàn thành tốt nhất những chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao 12,64%
Tình hình kinh tế - xã hội TP Cần Thơ năm 2022 đạt được một số kết quả khá nổi bật trên các lĩnh vực, trong đó, 17/17 chỉ tiêu đều vượt và đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt theo Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời hỗ trợ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể khôi phục sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi, khởi sắc, thúc đẩy tăng trưởng đạt mức tăng cao 12,64% so năm 2021. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,49%; công nghiệp và xây dựng tăng 18,18%; dịch vụ tăng 13,19%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,37%.
Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, các biện pháp sản xuất kinh doanh thích ứng tình hình mới tại các doanh nghiệp đã phát huy được hiệu quả tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 26,84% so năm 2021; trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 28,5%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,55%, cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 6,83%.
Ngoài ra, việc đảm bảo nguồn điện đáp ứng nhu cầu năng lượng và an toàn cho sản xuất, sinh hoạt; sản lượng điện thương phẩm ước thực hiện 2.682,4 triệu kWh, điện năng tiết kiệm 62,39 triệu kWh. Bên cạnh đó, cung ứng hàng hóa thiết yếu ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân; các chợ đã hoạt động trở lại góp phần nâng cao giá trị thương mại và lưu chuyển hàng hóa trở nên sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 115.331 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 2.285,7 triệu USD.
Cạnh đó, du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, qua đó thu hút trên 5,1 triệu lượt khách đến thành phố tham quan và các doanh nghiệp lưu trú phục vụ hơn 2,5 triệu lượt khách với doanh thu đạt 4.117 tỷ đồng. Tiếp đó, trong hoạt động vận tải dần được phục hồi, các công ty vận tải đầu tư nhiều hơn cho hoạt động kinh doanh để khai thác có hiệu quả các tuyến vận tải trong nước, ước năm 2022, doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát thực hiện 3.334,65 tỷ đồng.
Nông nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, tổ chức sản xuất theo chuỗi, gắn với chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực. Năm 2022, toàn thành phố đã xuống giống được 216.384 ha diện tích lúa, sản lượng thu hoạch ước đạt 1.366.593 tấn; diện tích cây hàng năm khác gieo trồng 17.346 ha, sản lượng thu hoạch 205.030 tấn; cây ăn trái có diện tích 24.589 ha, sản lượng 194.507 tấn. Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, theo quy trình VietGAHP… ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố, xây dựng và đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (chonongsancantho.vn; voso.vn; postmart.vn).
Thời gian qua, TP. Cần Thơ đã tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường kết nối thu hút đầu tư. Hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Quy hoạch phát triển thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) thành phố Cần Thơ.
Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 của 4/4 huyện và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 9/9 quận, huyện; tập trung nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, bộ mặt nông thôn của thành phố có nhiều khởi sắc.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường được chú trọng; đầu tư, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục triển khai áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Hoạt động vui chơi giải trí, văn hoá văn nghệ từng bước được mở cửa trở lại gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; quan tâm công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Công tác CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được chú trọng. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, triển khai đa dạng, chủ động, linh hoạt và đạt hiệu quả cao.
Phấn đấu 2023 tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 95 - 98 triệu đồng
Năm 2023 đánh dấu cột mốc 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện và phấn đấu hoàn thành tiến độ mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng thời triển khai thực hiện Chủ đề năm 2023.
Năm 2023, TP Cần Thơ khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của thành phố; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Trong đó, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đẩy nhanh công tác thể chế hóa có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề, Đề án, Chương trình của Thành ủy; đặc biệt là Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Thành phố tập trung kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế và các cân đối lớn của nền kinh tế; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá. Triển khai Chương trình bình ổn thị trường nhằm ổn định cung - cầu, giá cả trên từng địa bàn; phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - giá hiện hành) bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 95 - 98 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển thành phố, đặc biệt là tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và bền vững kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống cảng, dịch vụ logistics.
Đặc biệt, thành phố triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung hàng năm; tham gia các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực địa phương với các đối tác doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện đầu tư phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố. Triển khai thực hiện đề án Chương trình phát triển thương mại điện tử của thành phố.
Song song đó, TP Cần Thơ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lập và trình phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nhiệm vụ được duyệt, làm cơ sở rà soát, triển khai lập và phê duyệt sớm các quy hoạch phân khu chức năng phục vụ mục tiêu thu hút các nguồn lực kinh tế đầu tư vào thành phố. Tổ chức lập và trình phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị và Danh mục công trình kiến trúc có giá trị. Tăng cường công tác quản lý nhà và thị trường bất động sản.
Ngoài ra, trong phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, tăng cường phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị - xã hội; đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Văn Dương - Hồng ÂnVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.