Cần Thơ: Nâng cao hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Địa phương
10:55 AM 21/04/2023

Ngày 20/4/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị Tổng kết công tác phổ cấp giáo dục (PCGD), xoá mù chữ, hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) năm 2022, và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Năm 2023, để giữ vững các thành quả trong công tác PCGD, xóa mù chữ, phấn đấu Cần Thơ có 76% thanh, thiếu niên từ 18-21 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), trung cấp chuyên nghiệp; hoạt động của TTHTCĐ ngày càng đi vào chiều sâu… toàn ngành GD-ĐT đã và sẽ tập trung mọi nguồn lực cho công tác PCGD, xóa mù chữ.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cụ thể hóa các nhiệm vụ có liên quan công tác PCGD, xóa mù chữ vào các nghị quyết, chương trình công tác hàng năm; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện công tác PCGD, xóa mù chữ...

Các đơn vị xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác rà soát, cập nhật các số liệu. Thực hiện các biểu mẫu thống kê tổng hợp, hoàn thành các loại hồ sơ chuyên môn về PCGD. Tiếp tục huy động HS bỏ học ra học các lớp phổ cập. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với kết quả thực hiện công tác PCGD.

Ngành Giáo dục cũng sẽ huy động các nguồn lực để tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông để nâng cao chất lượng giảng dạy trong các nhà trường. Tích cực chống lưu ban, bỏ học, đặc biệt là cấp THCS và THPT để không ngừng nâng cao các chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiến tới đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; đồng thời tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng trường THCS ở các xã, phường chưa có trường. 

Mở rộng mạng lưới trường lớp cấp THPT, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trung tâm giáo dục thường xuyên, hoàn thiện các TTGDCĐ; đồng thời sẽ điều phối, phân công đủ cán bộ quản lý, GV phụ trách công tác PCGD tại các cơ sở giáo dục, xã, phường, thị trấn.

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ, phát biểu tại hội nghị

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ, phát biểu tại hội nghị

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ, Phó Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập - xóa mù chữ - phổ cập giáo dục, nhấn mạnh: Các TTHTCĐ phải xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm làm cơ sở xem xét, đánh giá kết quả hoạt động cuối năm. Kế hoạch phải cụ thể nội dung công việc, thời gian thực hiện, công tác phối hợp, nguồn lực thực hiện,... Phòng GD-ĐT quận, huyện tăng cường tham mưu UBND cử giáo viên tiểu học hoặc THCS sang làm việc tại trung tâm học tập cộng đồng (đảm bảo tối thiểu mỗi trung tâm học tập cộng đồng có 1 GV sang làm việc).

Theo số liệu của sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, năm 2022, TP. Cần Thơ tiếp tục đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) và xóa mù chữ mức độ 2.

Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập - Xóa mù chữ - Phổ cập giáo dục quận, huyện và thành phố tiếp tục được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả. Mạng lưới trường lớp được nâng cấp, xây mới đã đáp ứng nhu cầu học tập, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên, góp phần nâng cao tỷ lệ biết chữ trong nhân dân.

Thầy Huỳnh Thanh Lộc - Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, báo cáo công tác PCGD), xóa mù chữ), hoạt động của TT/HTCĐ năm 2022

Thầy Huỳnh Thanh Lộc - Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ, báo cáo công tác PCGD, xóa mù chữ, hoạt động của TTHTCĐ năm 2022

Cuộc vận động xã hội hóa giáo dục ngày càng hiệu quả, các lực lượng xã hội tích cực tham gia hoạt động huy động trẻ ra học các lớp chính quy, tặng học bổng cho những HS có hoàn cảnh khó khăn, vận động HS bỏ học vào các lớp phổ cập.

Đặc biệt, năm 2022, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập 2021 - 2030". Nghị quyết này giúp tháo gỡ khó khăn trong công tác thực hiện PCGD, xóa mù chữ của thành phố.

Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường thị trấn cơ bản đáp ứng nhu cầu "cần gì học nấy", góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Năm 2022, các trung tâm phối hợp vói các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều chuyên đề phục vụ nhu cầu của người dân như: Phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục sức khỏe, văn hóa xã, phát triển kinh tế, giáo dục kỹ năng sống,… Đã tổ chức cho 365.649 lượt người tham dự. Kết quả năm 2022, 67 trung tâm được xếp loại Tốt, 14 trung tâm xếp loại Khá, còn 2 trung tâm xếp loại Trung bình.

Ông Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Cần Thơ, đề nghị giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của TTHTCĐ

Ông Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Cần Thơ, đề nghị giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của TTHTCĐ

Tuy nhiên, việc phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THCS vào học các trường trung cấp, trung cấp nghề của TP. Cần Thơ còn hạn chế. Giáo viên phụ trách vừa thực hiện công tác PCGD, xóa mù chữ vừa giảng dạy nên không có thời gian thực hiện công tác phổ cập giáo dụcđúng tiến độ.

Một số TTHTCĐ hoạt động chưa hiệu quả, nội dung và hình thức tổ chức cho người lao động học tập chưa phong phú, đa dạng nhằm thu hút người học; công tác đánh giá hoạt động trung tâm nhiều mặt chưa sát với thực tế hoạt động của địa phương; kinh phí hoạt động của các trung tâm cũng như việc phối hợp giữa ban, ngành, đoàn thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ của TTHTCĐ còn hạn chế.

Đan Phượng
Ý kiến của bạn