Cần Thơ: Ngân hàng An Bình tự đưa mình vào "thế khó"?

Địa phương
09:33 AM 30/06/2021

Sau 8 năm vụ kiện của Ngân hàng TMCP An Bình (nguyên đơn) đối với khách hàng của mình là vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Vũ, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (bị đơn) vẫn chưa "ngã ngũ", thì ngày 17/6/2021, TAND quận Ninh Kiều đã tiếp nhận và thụ lý vụ án “kiện ngược” theo “Đơn phản tố” đề ngày 9/6/2021 của ông Nguyễn Hoàng Vũ với thủ tục đầu tiên là “Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phản tố sơ thẩm”.

Theo "Đơn phản tố" của ông Nguyễn Hoàng Vũ, vụ kiện đang được TAND quận Ninh Kiều giải quyết, các tài sản thế chấp đang được tòa án phong tỏa, kê biên, định giá... thì Ngân hàng TMCP An Bình (Ngân hàng ABBank) đã tổ chức đấu giá, chuyển nhượng các tài sản thế chấp. Việc khởi kiện khách hàng của mình trước khi đáo hạn (theo Hợp đồng tín dụng số 140/12/TD/III ngày 31/8/2012 với số tiền vay 8.380.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 15%/năm) khiến vợ chồng ông Vũ rất bất ngờ. Cùng với đó, TAND quận Ninh Kiều đang phong tỏa, kê biên và định giá các tài sản thế chấp… cũng bị ảnh hưởng trong quá trình giải quyết vụ kiện năm 2013 của Ngân hàng TMCP An Bình bởi việc phát sinh này.

Tòa án Quận Ninh Kiều đã thụ lý đơn phản tố sơ thẩm của ông Nguyễn Hoàng Vũ.

Tòa án Quận Ninh Kiều đã thụ lý "Đơn phản tố sơ thẩm" của ông Nguyễn Hoàng Vũ.

Liên quan tới vụ án kể trên, vào tháng 3/2020, TAND quận Ninh Kiều đã tiến hành định giá, kê biên, đo đạc với sự tham gia của đại diện Văn phòng đăng ký đất đai quận Cái Răng, đại diện UBND phường Ba Láng. Vợ chồng ông Vũ đang chờ đợi kết quả giải quyết của Tòa án thì việc Ngân hàng TMCP An Bình đơn phương tổ chức đấu giá, chuyển nhượng tài sản thế chấp của vợ chồng ông cho người khác... càng làm cho vụ án "tranh chấp tín dụng" năm 2013 thêm phức tạp.

Theo ý kiến của các luật sư theo dõi vụ việc, Luật Đất đai năm 2003 và 2013 có quy định bảo lưu quyền sử dụng đất của công dân khi họ cầm cố, thế chấp tài sản tại các tổ chức tín dụng để bảo đảm các khoản vay khi họ có nhu cầu vay vốn. Các quy định của Luật Dân sự 2005 và 2015 cũng khẳng định việc thế chấp chỉ để bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ dân sự, không phải là chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng từ bên thế chấp cho bên nhận thế chấp.

Về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH tại Điều 7 về Quyền thu giữ tài sản bảo đảm, khoản 2 nêu: "Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện", trong đó có mục b) nêu rõ: "Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu". 

Tuy nhiên, theo ông Vũ, vợ chồng ông không có thỏa thuận nào với ngân hàng về quyền thu giữ tài sản thế chấp và trong Điều 6 của Hợp đồng tín dụng 140/12/TC/III ngày 31/8/2012 cũng không đề cập đến việc thu giữ tài sản thế chấp. Trong quá trình giải quyết vướng mắc, nhiều lần đôi bên (Ngân hàng TMCP An Bình và vợ chồng ông Vũ) cũng chưa bao giờ bàn đến việc thu giữ, hay chiếm giữ tài sản thế chấp với bên cho vay.

Thêm nữa, để xử lý nợ xấu, Ngân hàng TMCP An Bình cũng phải cẩn trọng khi áp dụng các quy định, hướng dẫn của Nghị quyết về "Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng". Bởi, ngoài mục d, khoản 2, Điều 7 của Nghị quyết 42 nêu rõ: "Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật". 

Không những vậy, tiến trình thực hiện xử lý nợ xấu còn phải đáp ứng thỏa mãn các quy định liên quan như: "Thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ theo quy định" gồm 4 mục nằm trong khoản 3 của Điều 7 của Nghị quyết 42.

Thực tế, trong tiến trình thụ lý, giải quyết vụ kiện còn dở dang từ năm 2013 của ABBANK đối với ông Nguyễn Hoàng Vũ thì các tài sản thế chấp (tài sản bảo đảm - PV) và các văn bản, giấy tờ liên quan đã được ABBANK cung cấp hồ sơ chi tiết cho TAND quận Ninh Kiều. Nhưng việc "thu giữ tài sản bảo đảm" năm 2019 và tổ chức bán đấu giá 24/04/2020 của Ngân hàng TMCP An Bình và Công ty đấu giá hợp danh Nguyên Tâm thực hiện thì TAND quận Ninh Kiều – người cầm trịch xử lý – lại không được biết. 

Vì vậy mới có chuyện ngày 26/11/2020, TAND quận Ninh Kiều phát hành "Giấy yêu cầu xác minh" gửi Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Cái Răng, nêu: "Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ đối với phần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía đại diện ủy quyền của ông Nguyễn Hoàng Vũ xác định 14 tài sản mà ông Nguyễn Hoàng Vũ và bà Nguyễn Thị Cẩm Tú thế chấp tại ngân hàng đã được ngân hàng tự ý bán mà không thông qua các bị đơn, đồng thời được biết cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác". 

"Vì vậy, để có cơ sở xem xét yêu cầu của đương sự, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều đề nghị Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ tiến hành xác minh với nội dung sau: 

1. Hiện nay, 14 thửa đất nói trên do ông Nguyễn Hoàng Vũ, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú đứng tên trên giấy chứng nhận đã thực hiện việc đăng ký chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức hay không? Nếu có đề nghị cung cấp bản sao hồ sơ đăng ký chuyển nhượng,sang tên Tòa án? 

2. Trong trường hợp, hiện nay 14 thửa đất nói trên mà do người khác đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất thì đề nghị cho sao lục việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với 14 thửa đất nói trên để Tòa án có cơ sở giải quyết?".

Kết quả xác minh từ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Cái Răng cho biết: "Hiện tại 14 thửa đất nói trên do ông Nguyễn Hoàng Vũ, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú đứng tên đã thực hiện đăng ký chuyển nhượng cho người thứ ba. Việc chuyển nhượng chi tiết Văn phòng đất đai chi nhánh quận Cái Răng sẽ cung cấp cho Tòa án quận Ninh Kiều kèm theo các thửa đất đã cung cấp". 

Kết quả xác minh do ông Nguyễn Văn Thuyền chi nhánh văn phòng đăng ký quận cái răng.

Kết quả xác minh do ông Nguyễn Văn Thuyền tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký quận Cái Răng ký, đóng dấu.

Đáng chú ý, ở cuối nội dung xác minh của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Cái Răng, người cung cấp thông tin (ký tên Nguyễn Văn Thuyền) còn mở ngoặc thêm nội dung viết tay, nguyên văn như sau: "(Đã bán đấu giá các thửa đất, không phải chuyển nhượng)" (?!).

Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc ở các kỳ tới.

Văn Dương
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp

Tháng 4/2024, xuất khẩu dệt may tăng 2,8%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng cùng với tình hình thị trường khởi sắc, cho thấy ngành dệt may đang dần phục hồi.