Người dân Phong Điền trồng sầu riêng gắn kết làm du lịch có sự hướng dẫn và hỗ trợ của chính quyền địa phương

Địa phương
08:35 AM 15/01/2025

Kết thúc năm 2024, huyện Phong Điền bội thu sầu riêng với khoảng 43.000 tấn. Để hỗ trợ người dân, chính quyền đã có nhiều động thái tích cực. Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã có cuộc trao đổi ngắn về câu chuyện người dân trong huyện làm kinh tế hiện nay.

Phóng viên: Ngành nông nghiệp Phong Điền lại thêm một mùa bội thu. Vấn đề nổi bật vẫn là chuyển dịch cơ cấu cây trồng có sự biến động đáng kể, đặc biệt là diện tích trồng cây sầu riêng liên tục tăng lên. Ông nghĩ gì về sự chuyển dịch này? Việc xây dựng mã số vùng trồng có liên quan đến cây sầu riêng?

Người dân Phong Điền trồng sầu riêng gắn kết làm du lịch có sự hướng dẫn và hỗ trợ của chính quyền địa phương- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ

Ông Nguyễn Trung Nghĩa: Diện tích cây ăn trái toàn huyện Phong Điền là 9.058, trong đó, diện tích sầu riêng chiếm gần một nửa (4.464,5 ha) với sản lượng 42.695 tấn. Trong 7 mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices - sản phẩm nông nghiệp tốt an toàn) ngành nông nghiệp thực hiện trong năm qua thì đã có 5 mô hình VietGAP trên cây ăn sầu riêng với diện tích 62,38 ha/118 hộ (THT Nhơn Thọ 2, quy mô 14,7ha/20 hộ; HTX Thanh Xuân, quy mô 11,6 ha/29 hộ; THT sầu riêng Nhơn Lộc 2A, quy mô 11,37ha/25 hộ; Chi hội nghề nghiệp trồng sầu riêng Mỹ Hòa, quy mô 13,6 ha/28 hộ; HTX sầu riêng Tân Bình, qui mô 11,11 ha/16 hộ). 

Đặc biệt, huyện đang xây dựng vùng trồng sầu riêng chuyên canh tại xã Tân Thới với quy mô diện tích 1.500ha để phục vụ xuất khẩu

Việc chuyển từ đất lúa hoặc đất trồng cây ăn trái khác qua trồng sầu riêng chủ yếu là do khả năng sinh lợi của sầu riêng cao hơn hẳn. Một ha sầu riêng có thể mang về thu nhập đến 800 triệu/năm, trong khi trồng lúa 2 vụ cũng chỉ thu về cao nhất 100 triệu đồng. Dĩ nhiên chi phí cho cây sầu riêng vượt xa chi phí để trồng lúa. Với tư cách cơ quan quản lý, chúng tôi ngoài sự đồng hành với người nông dân còn là người quy hoạch, hỗ trợ và cảnh báo khi nhận thấy nguy cơ.

Người dân Phong Điền trồng sầu riêng gắn kết làm du lịch có sự hướng dẫn và hỗ trợ của chính quyền địa phương- Ảnh 2.

Việc chuyển từ đất lúa hoặc đất trồng cây ăn trái khác qua trồng sầu riêng chủ yếu là do khả năng sinh lợi của sầu riêng cao

Về việc xây dựng mã số vùng trồng đang được chính quyền quan tâm. Đây là một trong những công đoạn của nền nông nghiệp hiện đại. Đến nay, huyện đã xây dựng được 37 mã số các vùng trồng gồm: Mã số nội địa và mã số xuất khẩu. 

Trong đó: có 31 mã số vùng trồng sầu riêng và 4 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu tại xã Nhơn Nghĩa và 2 mã số vùng trồng vú sữa tại xã Trường Long. Đồng thời, kiểm tra 15 vùng trồng mới đăng ký cấp mã số gồm: 14 vùng trồng sầu riêng tại 03 xã: Tân Thới (7 vùng), Nhơn Ái (2 vùng), Trường Long (5 vùng) và 1 vùng trồng cây vú sữa tại xã Giai Xuân. Mã số vùng trồng là công đoạn không thể tách rời với cây sầu riêng vì phần lớn quy hoạch vùng trồng cây sầu riêng mục đích chính là xuất khẩu.

Chính quyền hiện tập trung xúc tiến thương mại cho tiêu thụ, chào bán sản phẩm sầu riêng trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Ngoài ra, cũng tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân khi thu hoạch sầu riêng phải đảm bảo đủ độ chín, tránh thu hoạch trái non, ảnh hưởng đến phẩm chất sản phẩm và uy tín sầu riêng Việt Nam nói chung.

Người dân Phong Điền trồng sầu riêng gắn kết làm du lịch có sự hướng dẫn và hỗ trợ của chính quyền địa phương- Ảnh 3.

Cần Thơ Eco Resort được thiết kế theo lối kiến trúc Đông Dương hài hòa với thiên nhiên, cây xanh, tạo nên không gian nghỉ dưỡng vừa sang trọng vừa thân thiện môi trường.

Phóng viên: Ngoài thế mạnh về cây ăn trái, Phong Điền còn là trọng tâm của du lịch TP. Cần Thơ. Với khoảng 2 triệu lượt khách đến mỗi năm, chiếm 1/3 lượng khách du lịch đến TP. Cần Thơ, Phong Điền đang là lĩnh vực "hái ra tiền" của địa phương, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Nghĩa: Có thể nói như vậy, cũng không thể nói như vậy! Huyện Phong Điền là "vành đai xanh" của thành phố, nằm ở vành đai phía Nam của trung tâm TP Cần Thơ, dọc tuyến Lộ Vòng cung lịch sử với những vườn cây trái xum xuê, không khí trong lành, hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng nét văn hóa nông nghiệp của người dân. Hiện nay, huyện Phong Điền có 65 điểm du lịch, trong đó có 48 điểm vườn, cơ sở kinh doanh du lịch và các điểm liên kết; 9 điểm du lịch tâm linh và có 7 điểm di tích lịch sử (6/7 được xếp hạng). 

Nhiều điểm du lịch được Hiệp Hội du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu: Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh; Thiền viện Trúc lâm Phương Nam; Làng du lịch sinh thái Ông Đề; Khu du lịch Lung Cột Cầu và 5 điểm được Hiệp Hội du lịch TP Cần Thơ công nhận là du lịch tiêu biểu của thành phố: Vườn trái cây Vàm Xáng; Vườn trái cây Giáo Dương; Vườn trái cây 9 Hồng; Khu du lịch Giàn Gừa; Khu nghỉ dưỡng Cần Thơ Eco Resort.

Năm 2024, ngành du lịch Phong Điền đón khoảng 2 triệu khách, doanh thu khoản 532 tỷ đồng. So sánh với thành phố Cần Thơ, lượng khách chiếm 1/3 nhưng doanh thu chỉ bằng 1/10 (TP Cần Thơ đón 6 triệu lượt khách, doanh thu hơn 5.400 tỉ đồng). 

Điều đó cho thấy, huyện Phong Điền tuy có nhiều điểm du lịch nhưng còn nhỏ lẻ, tự phát, khách đến phần lớn chỉ vui chơi trong ngày, chi tiêu không nhiều. Tuy nhiên, điều cốt lõi là chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực còn yếu kém. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự hài lòng và khả năng quay lại của du khách, làm hạn chế sự phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Người dân Phong Điền trồng sầu riêng gắn kết làm du lịch có sự hướng dẫn và hỗ trợ của chính quyền địa phương- Ảnh 4.

Năm 2024, ngành du lịch Phong Điền đón khoảng 2 triệu khách, doanh thu khoảng 532 tỷ đồng.

Phần lớn người dân tại huyện Phong Điền vẫn còn hoạt động nông nghiệp, đó là nguồn cung cấp lương thực thực phẩm để phục vụ du lịch. Về phía chính quyền, chúng tôi sẽ tăng cường và đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức theo hướng chuyên nghiệp và đẩy mạnh liên kết… hợp tác đầu tư trong lĩnh vực du lịch hướng phát triển bền vững; đồng thời không ngừng bổ sung, đổi mới và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, từng bước đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Ân (thực hiện)
Ý kiến của bạn
Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.