Cần Thơ: Nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL
Ngày 11/5, tại TP Cần Thơ, Ủy ban MTTQ TP Cần Thơ phối hợp cùng Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Viện FNF tại Việt Nam và Vụ Công tác Dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc), tổ chức Hội thảo "Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
Đây là Hội thảo có quy mô cấp vùng với hơn 100 đại biểu đến từ lãnh đạo Trung ương, đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan và Uỷ Ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, các diễn giả, nhà khoa học đến từ các viện, trường đại học...
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS. Nguyễn Trung Nhân - UVBTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ cho rằng, vùng ĐBSCL là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, với dân số hơn 17,273 triệu người, trong đó có 1,310 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 7,58% dân số của vùng và chiếm 9,28% số người dân tộc thiểu số cả nước; sinh sống tập trung chủ yếu tại 9 tỉnh/thành phố; một số tỉnh có tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số cao như: Sóc Trăng 35,41%, Trà Vinh 32,24%...
Trong vùng có 43 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer: 1.141.2414 người, dân tộc Hoa: 149.449 người, dân tộc Chăm: 13.170 người, còn lại là các dân tộc khác: 6.147 người. Riêng, TP Cần Thơ với 1.235.171 người, chiếm tỷ lệ 7,19% dân số ĐBSCL và chiếm 1,28% dân số toàn quốc.
Hiện toàn vùng ĐBSCL có 222 xã thuộc vùng DTTS (9/13 tỉnh/TP); trong đó có 168 xã khu vực I, 4 xã khu vực II và 50 xã khu vực III, chiếm 3,22% số xã vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của cả nước; có 252 thôn đặc biệt khó khăn, chiếm 1,9% số thôn vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của cả nước.
Phát huy hiệu quả những đề án, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong các năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, với quan điểm: "Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư cho phát triển, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhằm đạt mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những đề án, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới, đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc nhiều vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL.
Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, tạo tiền đề khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành ĐBSCL. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm thực hiện.
Nhân các dịp Lễ, Tết truyền thống của dân tộc, các cấp, ngành, địa phương tổ chức nhiều Đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà các vị chức sắc, người có uy tín, gia đình chính sách tiêu biểu, hộ nghèo DTTS...
Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc; tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer; duy trì hoạt động của Đoàn nghệ thuật Khmer và các chương trình phát thanh - truyền hình tiếng Khmer; hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, thiết thực…
Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách dân tộc tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành trung ương; trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan công tác dân tộc với các sở, ngành, địa phương và sự đồng thuận của xã hội. Các Chương trình, đề án, chính sách dân tộc, an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ tiếp tục được triển khai linh hoạt, thiết thực, hiệu quả.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; lĩnh vực giáo dục - đào tạo không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được chú trọng.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số tiếp tục giữ vững ổn định; đồng bào chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, tôn giáo, yên tâm lao động, sản xuất, kinh doanh thích ứng trong điều kiện bình thường mới, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL
Tham luận tại hội thảo, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã nêu giải pháp "thực hiện các chính sách đào tạo theo cử tuyển cho người dân tộc vùng ĐBSCL" và cho rằng, đối tượng cử tuyển phần lớn là người dân tộc thiểu số, các em rất dễ bị tổn thương về tinh thần và dễ mặc cảm với các đối tượng sinh viên khác.
Trường đã yêu cầu Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên tổ chức nhiều hoạt động về chuyên môn và xã hội cho các em tham gia để nâng cao kết quả trong học tập và rèn luyện, đặc biệt nhân ngày lễ cổ truyền dân tộc Khmer.
Ngoài ra, Trường cũng tổ chức họp mặt Sinh viên dân tộc với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban dân tộc của Tỉnh, Lãnh đạo nhà trường để giải đáp tâm tư nguyện vọng cũng như đề xuất kiến nghị của Sinh viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Hằng năm tổ chức đối thoại giữa Đảng ủy, Ban Giám Hiệu, Các phòng chức năng với sinh viên 2 lần trong năm, để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho sinh viên.
Tại hội thảo, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tiếp tục đào tạo hệ cử tuyển thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Báo cáo tại hội thảo, Hội LHPN tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh Hậu Giang có diện tích tự nhiên 1.622 km2, dân số toàn tỉnh có 201.343 hộ với 729.888 người. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Hậu Giang chiếm khoảng 3,9% so với dân số toàn tỉnh (hơn 7.500 hộ với trên 30.500 người), chủ yếu là dân tộc Khmer sống tập trung phần lớn ở huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh và huyện Châu Thành A. Toàn tỉnh có gần 1.500 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Tổng số hội viên phụ nữ toàn tỉnh là 138.991, trong đó hội viên dân tộc thiểu số 2.282 (Khmer, Hoa...).
Để phát huy trò Hội LHPN các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Hậu Giang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 7/6/2022 của UBND tỉnh Hậu Giang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 với Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" mà Hội LHPN được phân công phụ trách.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình, loại hình hoạt động để tập hợp, tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển, nhất là các mô hình hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể, các loại hình tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế và mô hình tín dụng tự quản (VSLA)…
Bên cạnh, Hội LHPN phối hợp với Ngân hành Chính sách xã hội và các địa phương thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với phụ nữ thuộc các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất kinh doanh. Song song đó, Hội LHPN tỉnh tranh thủ, vận động, phát huy vai trò phụ nữ và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Hội thảo là hoạt động thiết thực góp phần quán triệt sâu sắc hơn nữa Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ; Chương trình phối hợp số 06A/Ctr PH-MTTW-UBDT ngày 02/11/2021 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2021 - 2025.
Tại hội thảo có nhiều tham luận nêu ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL như: Vai trò của các cấp Hội góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025" của Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh 8 xã biên giới, giai đoạn 2021 - 2025... của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp.
Giải pháp, chính sách thúc đẩy đồng bào dân tộc Khmer phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang; Phát huy vai trò của sư sải trong đời sống xã hội của người Khmer thành phố Cần Thơ của Thượng tọa TS. Lý Hùng; Thực trạng và giải pháp việc phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng…
Qua đó, giúp hệ thống chính trị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có nhận thức sâu sắc hơn về chủ trương và phương thức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền với nhiệm vụ góp phần đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Chính phủ.
Văn Dương - Hồng ÂnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.