Cần Thơ: Phẫu thuật cứu người phụ nữ bị bệnh lao cột sống

Địa phương
10:03 AM 08/09/2024

Viêm thân đốt sống đĩa đệm do lao là bệnh lý nguy hiểm, thường bị chẩn đoán muộn, gây biến chứng nghiêm trọng đến cột sống và sức khỏe. Bệnh không chỉ ảnh hưởng khả năng vận động mà còn có nguy cơ dẫn đến tàn phế nếu không được điều trị kịp thời.

Vào ngày 26/8 vừa qua, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ đã tiếp nhận bệnh nhân C.T. L, 49 tuổi, ngụ huyện Kế Sách (Sóc Trăng) trong tình trạng đau cột sống thắt lưng, tê và yếu 2 chân, khi di chuyển vận động đi lại bị co giật. 

Cần Thơ: Phẫu thuật cứu người phụ nữ bị bệnh lao cột sống- Ảnh 1.

Bác sĩ tư vấn bệnh cho bệnh nhân.

Sau kết quả chụp MRI cột sống thắt lưng có tiêm thuốc cản từ cho thấy bệnh nhân bị dính đốt sống thắt lưng L3L4, viêm thân sống đĩa đệm L3L4, áp xe mặt trước tủy sống và chèn ép thần kinh nghĩa nhiều do lao cột sống, X-quang tim phổi ghi nhận xơ hóa dày thành phế quản rải rác hai bên phổi vẹo cột sống ngực sang phải.

Cần Thơ: Phẫu thuật cứu người phụ nữ bị bệnh lao cột sống- Ảnh 2.

Ảnh MRI đốt sống trước và sau phẫu thuật.

Bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ hội chẩn và kết luận bệnh nhân cần được sinh thiết cuống cung L3L4 làm giải phẫu bệnh kết luận viêm xương mạn tính do lao, bệnh nhân được điều trị thuốc kháng lao tấn công 2 tuần, sau đó tiếp tục kết hợp với phẫu thuật làm cứng cột sống, cắt thân sống tối thiểu, giải áp tủy sống, rễ thần kinh và hàn xương liên thân đốt L3L4 bằng lồng Titanium. 

Sau 5h, ca phẫu thuật thành công. Hiện bệnh nhân tỉnh táo hết đau cột sống, đã vận động đi lại được. Ngày 6/9, bệnh nhân xuất viện và tái khám theo chỉ định của bác sĩ.

Cần Thơ: Phẫu thuật cứu người phụ nữ bị bệnh lao cột sống- Ảnh 3.

Bác sĩ kiểm tra trước khi cho bệnh nhân xuất viện.

BSCKI Lý Tấn Phát, Phó Trưởng khoa ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết, đây là ca phẫu thuật khó vì viêm thân đốt sống đĩa đệm do lao hay còn gọi là lao cột sống là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn lao gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến đốt sống và đĩa đệm. Vi khuẩn lao từ phổi hoặc các cơ quan khác có thể lan qua máu đến cột sống gây tổn thương nghiêm trọng cho hệ xương khớp.

Theo khuyến cáo từ các nhà chuyên môn, để phòng tránh bệnh lý này cần tiêm phòng (BCG) để ngăn ngừa bệnh lao từ khi còn nhỏ. Tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể thao đều đặn. Điều trị triệt để các trường hợp lao ở các cơ quan khác để tránh lây lan đến cột sống. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Văn Dương
Ý kiến của bạn