Cần Thơ: Tết sum vầy sau 2 tháng trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc của bệnh nhân mắc COVID-19
Ngày 31/1 (tức 29 Tết), khi nhà nhà đoàn viên cùng gia đình, một bệnh nhân được xuất viện trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình và toàn thể y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sau 2 tháng nằm viện với không ít lần đối diện với cửa tử, các bác sĩ đã chắt chiu từng cơ hội, giành giật từng khoảnh khắc sự sống, với hy vọng cứu sống bệnh nhân mắc COVID-19 đặc biệt nguy kịch, tưởng chừng như không thể qua khỏi.
Đó là trường hợp của bệnh nhân P. M. T. (SN 1968, ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ) mắc SARS-CoV-2 được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị COVID-19 vào khoảng 23h29 ngày 4/12/2021 trong tình trạng suy hô hấp nặng do tổn thương phổi lan tỏa hai bên, kèm theo các bệnh lý nền: đái tháo đường tuýp 2 kiểm soát kém và tăng huyết áp có điều trị không liên tục.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ điều trị nhận định đây là trường hợp bệnh nhân có nguy cơ chuyển độ nặng hơn, thậm chí có nguy cơ tử vong. Vì vậy, các bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị COVID-19 đã hội chẩn với lãnh đạo trung tâm định hướng điều trị và lên kế hoạch theo dõi chặt chẽ, xử trí bằng các biện pháp như thở máy oxy lưu lượng cao, lọc máu sử dụng quả lọc hấp phụ cytokines, thuốc kháng virus và các phác đồ điều trị nội khoa tích cực khác. Tuy nhiên, mức độ khó thở của bệnh nhân T. ngày càng nặng nề hơn, bắt buộc phải đặt nội khí quản và gắn máy trợ thở thông số cao mới có thể đảm bảo tính mạng của bệnh nhân.
Trước tình hình nguy kịch của bệnh nhân T., các bác sĩ điều trị Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị COVID-19 đã tiến hành hội chẩn thống nhất chẩn đoán: nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, viêm phổi biến chứng ARDS mức độ nặng, bão cytokine, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp thất bại với điều trị hiện tại.
Ngay sau đó, ê-kíp ECMO (oxy hoá máu bằng màng ngoài cơ thể) của khoa Hồi Sức Tích Cực lập tức được điều động để can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân. Trong quá trình thực hiện ECMO ngày đêm cho bệnh nhân T., các y bác sĩ luôn túc trực 24/24 và lên kế hoạch theo dõi cụ thể từng giờ các dấu hiệu sinh tồn, các kết quả xét nghiệm để thực hiện các điều chỉnh thích hợp nhằm đảm bảo kỹ thuật ECMO được tiến hành thuận lợi và chính xác nhất có thể. Bởi vì, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể phải đánh đổi bằng mạng sống của bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng phải được can thiệp lọc máu liên tục nhiều đợt, kháng sinh phổ rộng, thuốc an thần liều cao kết hợp với các phương pháp điều trị nội khoa tích cực khác theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Đáp lại những nỗ lực không ngừng của y, bác sĩ điều trị thì đến ngày thứ 25 của can thiệp ECMO (ngày 2/1/2022), bệnh nhân T. đã có thể mở mắt, gọi biết, cai được hệ thống ECMO. Tuy nhiên, bệnh nhân T. vẫn còn tổn thương phổi nặng vẫn cần phải thở máy và điều trị nội khoa tích cực.
Đến ngày 5/1, sau gần 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân T. có kết quả xét nghiệm Realtime-PCR SARS-CoV-2 âm tính, bệnh nhân T. vẫn phải thở máy và điều trị nhiều thuốc kháng sinh phối hợp nên đã được tiếp tục chuyển sang khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiếp tục điều trị. Trong quá trình điều trị hậu COVID-19, bệnh nhân T. vẫn phải thở máy, tổng trạng suy kiệt, phổi còn tổn thương và nhiều hình ảnh xơ hoá. Bệnh nhân sốt cao liên tục phải sử dụng nhiều kháng sinh phối hợp, dinh dưỡng tích cực và phải mở khí quản để đảm bảo an toàn đường hô hấp cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, qua bao nỗ lực của nhân viên y tế thì tin vui mừng đã đến, tổng trạng bệnh nhân khá dần, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sức cơ hồi phục và bệnh nhân đã có thể tự thở qua mở khí quản mà không cần đến máy trợ thở.
Ngày 20/1, bệnh nhân T. ổn định, được chuyển qua khoa Nội Hô hấp theo dõi và điều trị, lần đầu tiên được đón nhận sự chăm sóc của người thân, được nắm bàn tay gầy gò sau những ngày dài cùng nhân viên y tế đấu tranh với bệnh tật. Với quyết tâm, tinh thần không bỏ cuộc của ê-kíp điều trị và sự cố gắng của bệnh nhân T., ngày 31/1 (tức ngày 29 Tết), sau gần 2 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân T. đã được xuất viện về với gia đình, đón tết sum vầy bên gia đình, con cháu với tình trạng sức khỏe ổn định, thở đều, phổi thông khí tốt, tình thần vui vẻ, phấn khởi và lòng biết ơn chân thành đối với đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Theo BSCKII. Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, phụ trách chuyên môn Trung tâm hồi sức COVID-19 Trung ương Cần Thơ cho biết, đồng hành cùng bệnh nhân T. trong một giai đoạn sinh tử, thực sự mỗi bệnh nhân là một bài học lớn, mỗi sự thay đổi dù nhỏ trên bệnh nhân cũng được đánh giá chặt chẽ, chúng tôi liên tục hội chẩn các chuyên khoa, mục tiêu là phải đánh giá đúng, chính xác trong từng giai đoạn của người bệnh để kịp thời lựa chọn phương pháp xử trí tốt nhất cho bệnh nhân.
Điều trị một bệnh nhân nặng, nguy kịch đòi hỏi sự bình tĩnh, vững chuyên môn, dựa trên y học chứng cứ, trang thiết bị hiện đại và đặc biệt lòng quyết tâm đến cùng của đội ngũ y bác sĩ. Sự hồi phục của bệnh nhân là niềm vui rất lớn của toàn thể ê-kíp điều trị, chăm sóc. Mỗi dấu hiệu cải thiện của người bệnh là niềm phấn khởi trong tiến trình cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên y tế.
BSCKII. Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết thêm, cũng giống như bệnh nhân T., kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở ĐBSCL, đã có hàng trăm ca mắc SARS-CoV-2 nguy kịch từ các tỉnh, thành trong khu vực chuyển về được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nỗ lực cứu sống. Tính đến nay đã có 12 ca được điều trị bằng kỹ thuật ECMO.
Trong đó, phần lớn là những trường hợp sản khoa rất nặng. Trước đó, kỹ thuật ECMO - tuần hoàn ngoài cơ thể hay oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể vốn mới thực hiện ở các trung tâm y tế lớn của cả nước thì nay đã trở thành một kỹ thuật thường quy ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Ngay những ngày cận Tết Nguyên đán, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vẫn đang cùng lúc điều trị bằng kỹ thuật ECMO cho 3 bệnh nhân, trong đó có 2 ca sản khoa nặng. "Một năm đầy giông bão sắp qua đi, vài giờ nữa một năm mới sẽ đến mang theo bao hy vọng về sự hồi sinh. Chúng tôi tin rằng, khi vượt qua khó khăn, nghịch cảnh nhất cũng là lúc sức mạnh của mỗi người được phát huy nhất.
Mỗi người, mỗi gia đình sẽ lại tiếp tục vươn lên với tình yêu thương và chia sẻ. Riêng ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cuộc chiến với COVID-19 là một thử thách chưa từng có, nhưng chắc chắn những thử thách ấy đã giúp cho nội lực của đội ngũ y bác sĩ vững vàng và hoàn thiện hơn. Trên hết là giúp cho công tác điều trị cho người dân trong khu vực ĐBSCL ngày một tốt hơn" - BSCKII. Phạm Thanh Phong bày tỏ.
Văn Dương - Hồng ÂnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.