Cần Thơ: Tình hình kinh tế - xã hội quận Ô Môn tiếp tục phát triển ổn định
Tình hình kinh tế - xã hội quận Ô Môn (TP Cần Thơ) tiếp tục phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả quan trọng; các ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ phát triển... Công tác giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm, thông tin và truyền thông, bảo hiểm y tế xã hội được quan tâm phát triển; công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cần nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội... được thực hiện kịp thời, chu đáo.
Năm 2021, là năm TP Cần Thơ nói chung và quận Ô Môn nói riêng nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước tình hình đó, các cấp ủy, chính quyền luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch; triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh, huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.
Quận Ô Môn đã chủ động, đánh giá đúng tình hình thực tế của địa phương và tuân thủ theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các cấp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quán triệt quan điểm xuyên suốt của Chính phủ "chống dịch như chống giặc", thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh...
Theo đó, tổng giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) đạt 27.685 tỷ đồng. Trong đó, nông nghiệp và thủy sản 1.217 tỷ đồng, công nghiệp và xây dựng 20.487 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ 5.981 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực thương mại dịch vụ và công nghiệp, xây dựng. GRDP bình quân đầu người đạt 96,52 triệu đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 phức tạp, sản xuất công nghiệp gặp không ít khó khăn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt 20.487 tỷ đồng. Tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện đang hoạt động là 1.355 cơ sở, với khoảng 14.172 lao động.
Thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn quận thực hiện được 5.981 tỷ đồng. Nông nghiệp với tổng diện tích lúa cả 3 vụ đã xuống giống được 14.526ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt 81.658 tấn, năng suất 7 tấn/ha. Diện tích vườn hiện có là 3.481,47 ha; trong đó: vườn mang lại hiệu quả, diện tích đang cho trái 1.936,7 ha, diện tích vườn có triển vọng chưa cho trái 1.224,66 ha, diện tích vườn cần tiếp tục cải tạo 320,11 ha.
Đến nay, chuyển đổi cải tạo diện tích vườn 65,3 ha. Hoàn thành công tác hỗ trợ 11.170 cây giống (sầu riêng, nhãn Ido, ổi Ruby,...) cho người dân cải tạo và phát triển vườn... Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 175,5/250,5 ha, thu hoạch được 77,5 ha; sản lượng đạt 14.239 tấn. Về chăn nuôi, quận Ô Môn có tổng đàn gia súc, gia cầm là 238.101 con.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận xảy ra 4 điểm sạt lở tại phường Thới Hòa, Thới An, Long Hưng và Phước Thới, với tổng chiều dài 325m. Ngoài ra, do mưa dông đã làm tốc mái 3 căn nhà thuộc phường Thới Long, Long Hưng, Trường Lạc. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn kỹ thuật trên địa bàn đạt 99,93% dân số, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,93% dân số, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 98,34% dân số.
Quận Ô Môn đã tập trung huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Qua đó, năm 2021 tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt 11.029 tỷ đồng, tăng 12,54 % so năm 2020. Công tác triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2021 với tổng nguồn vốn được phân bổ 165,069 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/11, khối lượng giải ngân đạt 97,705 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2021 khối lượng giải ngân đạt 156,815 tỷ đồng. Công tác vận động xã hội hóa được tăng cường, huy động được nhiều nguồn lực chăm lo an sinh xã hội và đầu tư phát triển quận.
Từ đầu năm đến nay, đã vận động được trên 20,3 tỷ đồng để chăm lo an sinh xã hội, phát triển giáo dục và phòng, chống dịch COVID-19.
Quận cũng triển khai nhiều giải pháp tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, cải cách hành chính được quan tâm, thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung, rút ngắn thời gian giải quyết cũng như giảm bớt các thành phần hồ sơ không phù hợp theo quy định.
Qua đó, đã cấp mới 397 lượt hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể, nâng tổng số hộ kinh doanh cá thể đến nay là 5.593 hộ, với tổng số vốn 103,906 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận ước thực hiện đến cuối năm 2021 được 108.237 triệu đồng.
Về công tác quy hoạch, quận đã rà soát, kiến nghị hủy bỏ hoặc điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp, lập mới các quy hoạch tạo nền tảng cho sự phát triển đô thị trong tương lai. Phối hợp Sở Xây dựng thành phố thực hiện Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Giai đoạn 1); hoàn thành danh mục các dự án mời gọi đầu tư ngoài ngân sách giai đoạn 2021-2025 gồm 19 dự án.
Công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng được UBND quận quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra, giám sát thi công, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quyết định phê duyệt, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần ổn định trật tự kỷ cương đô thị, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận…
Giáo dục và Đào tạo tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hoàn thành chương trình theo khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 và thực hiện tốt công tác vận động BHYT học sinh. Tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường trên địa bàn quận.
Y tế thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Duy trì các mô hình "Phường đạt chuẩn không có người sinh con thứ 3 trở lên", "Phường cộng đồng" và dịch vụ thân thiện thanh thiếu niên.
Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng, không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Triển khai kịp thời các biện pháp, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn quận; đặc biệt thực hiện tốt việc đánh giá nguy cơ theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Công tác tiêm vắc xin COVID-19 được thực hiện đúng quy trình, an toàn, tổng số vắc xin đã tiêm được 184.240 liều (trong đó, mũi 1: 101.017 liều, mũi 2: 83.223 liều). Tỷ lệ dân số đã tiêm vắc xin đạt 78,53% (trong đó, tỷ lệ đã tiêm mũi 2 đạt 64,70%); tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vắc xin đạt 93,32% (trong đó, tỷ lệ đã tiêm mũi 2 đạt 87,36%); triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi "mũi 1" được 12.120 liều.
Công tác an sinh xã hội được chú trọng, chăm lo kịp thời cho các đối tượng; giải quyết việc làm cho 4.585 người, đưa đi xuất khẩu 21 lao động, lao động qua đào tạo ước thực hiện đến cuối năm được 42.800 người trong độ tuổi lao động, cấp 1.354 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách; trợ cấp thường xuyên cho 882 đối tượng người có công với số tiền 7.211 triệu đồng và 71.894 đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng số tiền 29.630 triệu đồng; cấp 183 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và 3.893 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, xây dựng mới 03 căn nhà tình nghĩa.
Thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP: nhóm chính sách BHXH đã hỗ trợ với số tiền 4.084 triệu đồng; nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt đã chi hỗ trợ các chính sách với số tiền 18.837 triệu đồng. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Ô Môn đã giải ngân cho 4 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, với số tiền 8.108 triệu đồng, cho 1.391 lao động.
Thực hiện theo Nghị quyết số 52/NQ-HĐND: quận được thành phố phê duyệt 34.052 người, đến nay đã thực hiện chi hỗ trợ cho 27.752 người với tổng kinh phí 55.504 triệu đồng. Ngoài ra, Quận đã triển khai kịp thời Quyết định số 2362/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 của UBND thành phố về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức phù hợp, đảm bảo người dân tiếp cận thông tin kịp thời.
Qua đó, quận phê duyệt 2 đợt hỗ trợ khẩn cấp cho 1.048 người, số tiền 524 triệu đồng; đã cấp phát cho 1.021 người, số tiền 510,5 triệu đồng. Phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho người dân với tổng số 793.680 kg gạo, với 52.892 người.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí mừng Đảng, mừng Xuân với nhiều nội dung phong phú, vui tươi; Công tác cải cách hành chính luôn được chú trọng; Quốc phòng, an ninh được giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Đạt được những kết quả trên, quận đã tập trung điều hành linh hoạt, kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, chỉ đạo các phòng, ban, ngành quận phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quận và sự đồng tình của doanh nghiệp, nhân dân, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch xuyên suốt, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội dài trong quý III/2021, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, việc làm, thu nhập của người lao động gặp rất nhiều khó khăn, đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân trên địa bàn quận.
Trong năm 2022, quận Ô Môn tiếp tục phát huy đồng bộ các yếu tố, tiềm năng, lợi thế phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên cơ sở nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế, tạo động lực phục hồi tăng trưởng nhanh, đạt hiệu quả hơn khi dịch bệnh được kiểm soát.
Quận đã tăng cường mọi nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và bền vững kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững.
CHÚ THÍCH ẢNH
Ảnh: 01 -
Ảnh: 02 -
Văn Dương - Hồng ÂnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.