Cẩn trọng cấp phép ngân hàng số cho Grab
Sau khi thành lập ngân hàng số tại Singapore, nhiều khả năng Grab sẽ xin cấp phép thành lập ngân hàng số tại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Theo các chuyên gia, cần phải hết sức cân nhắc việc cấp phép hoạt động ngân hàng số cho các doanh nghiệp công nghệ như Grab, bởi điều đó tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Grab đã mua lại 3,523% cổ phần của Moca và ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca.
Tham vọng của Grab
Từ một ứng dụng gọi xe công nghệ, hiện Grab đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực. Thế nhưng, mục tiêu cuối cùng của “kỳ lân công nghệ” này chính là việc thành lập ngân hàng số để khép kín hệ sinh thái tiêu dùng số mang tên Grab. Theo đó, cuối năm 2019 vừa qua, Grab đã nộp hồ sơ xin thành lập ngân hàng số ở Singapore với vốn điều 1,1 tỷ USD. “Trong 2 năm qua, chúng tôi đã triển khai và nhân rộng các dịch vụ tài chính, chẳng hạn như E-money, cho vay và phân phối bảo hiểm vào hệ sinh thái Fintech lớn nhất Đông Nam Á. Đó là những bước nền móng để xây dựng một ngân hàng số”, ông Reuben Lai - quản lý cấp cao của Grab Financial Group cho biết trong một tuyên bố.
Tại Việt Nam, Grab cũng có những bước đi tương tự. Chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào đầu năm 2014, Grab chỉ đăng ký hoạt động với danh nghĩa là dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ. Tuy nhiên chỉ 4 năm sau đó, Grab đã thâu tóm Uber để vươn lên vị trí độc tôn trên thị trường xe công nghệ. Sau khi xây dựng được đội ngũ lái xe và khách hàng rộng lớn, Grab bắt đầu lấn sân sang các lĩnh vực khác như giao đồ ăn (GrabFood), chuyển phát (GrabExpress), khách sạn… và cuối cùng là tài chính.
Theo đó, Grab đã ra mắt dịch vụ GrabPay tại Việt Nam, hoạt động như một ví điện tử của riêng Grab, dù không có giấy phép trung gian thanh toán do NHNN cấp. Để hợp thức hóa hoạt động của GrabPay, Grab đã mua lại 3,523% cổ phần của Moca và ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca. Từ đó, GrabPay by Moca ồ ạt triển khai các dịch vụ thanh toán như thanh toán hóa đơn điện nước, nạp thẻ điện thoại, thậm chí là mua sắm, ăn uống ở các cửa hàng đối tác của Grab...
Chưa dừng lại ở đó, Grab còn ra mắt chương trình cho vay mua trả góp điện thoại không lãi suất dành cho tài xế Grabbike. Chương trình này gây ra khá nhiều tranh cãi bởi theo giới chuyên môn, đó là dấu hiệu cho thấy Grab đang lấn sân sang lĩnh vực cho vay tiêu dùng, bởi về bản chất các tài xế Grab chỉ là những đối tác, chứ không phải là nhân viên của Grab.
Thậm chí, Grab còn đề nghị Chính phủ cho phép thí điểm nạp tiền vào ví điện tử mà không cần phải liên kết với thẻ ngân hàng. Khi đó, dòng tiền sẽ không chịu sự kiểm soát, giám sát của các ngân hàng Việt Nam mà có thể luân chuyển tự do trong hệ sinh thái xuyên biên giới của Grab…
Ngân hàng không chỉ là tiền và công nghệ
Câu hỏi đặt ra là liệu Grab có tiến tới việc thành lập ngân hàng số tại Việt Nam? Hiện vẫn chưa có bất kỳ một thông tin gì về việc này. Thậm chí theo các chuyên gia, Grab xin thành lập ngân hàng số tại Singapore là do chính sách đảo quốc này khá cởi mở với các doanh nghiệp công nghệ. Theo Nikkei, NHTW Singapore đang xem xét cấp tối đa 5 giấy phép ngân hàng số - 2 giấy phép ngân hàng đầy đủ (full bank) và 3 giấy phép ngân hàng bán buôn (wholesale bank).
Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng sau khi được cấp phép hoạt động ngân hàng số tại Singapore, Grab sẽ mở rộng hoạt động ra các quốc gia trong khu vực dưới hình thức chi nhánh, thậm chí là ngân hàng con 100% vốn.
Nếu điều đó xảy ra sẽ là thách thức rất lớn đối với các ngân hàng trong nước vốn đang loay hoay với bài toán chuyển đổi số. Bởi hiện tại thị trường Việt Nam, Grab đã xây dựng được một đội ngũ lái xe lên tới 190.000 người mà hãng này gọi là những “đối tác”, cùng với khoảng 25% người Việt đang sử dụng các dịch vụ của hãng này. Nếu ngân hàng số Grab được thành lập, sẽ có không ít trong số này trở thành khách hàng truyền thống để có thể sử dụng các dịch vụ khép kín trong hệ sinh thái Grab. Đó là một sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các ngân hàng truyền thống trong việc thu hút tiền gửi.
Không chỉ với các ngân hàng, mà với cả cơ quan quản lý, việc các công ty công nghệ muốn thành lập ngân hàng số cũng là vấn đề đau đầu. Bởi khi hoạt động theo mô hình Fintech, dù tham gia vào một số phân khúc như trung gian thanh toán hay cho vay tiêu dùng, mức độ rủi ro đối với hệ thống của những công ty này là chưa lớn do mức độ hoạt động còn hẹp.
Tuy nhiên, khi được cấp phép hoạt động ngân hàng số, mức độ rủi ro sẽ lớn hơn rất nhiều do phạm vi hoạt động cũng lớn hơn. Đơn cử như trong lĩnh vực cho vay, thay vì các khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ, họ sẽ được cho vay những khoản lớn hơn dành cho cá nhân và doanh nghiệp. Vì thế, nếu không quản trị tốt, những khoản cho vay này rất dễ biến thành nợ xấu, từ đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả hệ thống và vấn đề an ninh tài chính quốc gia.
Đáng quan ngại hơn là khi được cấp phép hoạt động ngân hàng số, Grab sẽ được huy động tiền gửi từ dân cư. Nếu xảy ra đổi vỡ thì hệ hụy đối với hệ thống tài chính nói riêng, nền kinh tế nói chung sẽ là rất lớn, thậm chí còn tiền ẩn nhiều rủi ro về chính trị, xã hội.
Những quan ngại nói trên cũng chính là những lý do mà một số quốc gia đã từ chối cấp phép ngân hàng số cho Grab.
Vì vậy theo giới chuyên gia, cần cân nhắc kỹ đối với đề xuất thành lập ngân hàng số của các doanh nghiệp công nghệ, như Grab bởi hoạt động ngân hàng không đơn thuần là vốn và công nghệ, mà còn phải đảm bảo các nguyên tắc, chuẩn mực khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp này phải có năng lực quản trị rủi ro ở mức cao hơn rất nhiều.
Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.