Cần xem lại bản án sơ thẩm

Tạp chí in
10:42 PM 09/04/2021

Vừa qua Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị (DN&TT) nhận được đơn kêu cứu của bạn đọc về việc Tòa án cấp sơ thẩm TP Hải Phòng có những vi phạm trong áp dụng luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình.

Theo đơn, bà Trần Thị Kim Hạnh, con thứ 7 của ông Trần Văn Đăng (mất năm 2019) và bà Lê Thị Loan (đã mất năm 2017), ở Tổ dân phố Thắng Lợi, thị trấn Minh Đức, Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, gia đình bà có mảnh đất hơn 1.000m2 tại địa phương nói trên, thửa số 457, bản đồ 04 do bố, mẹ để lại. Năm 2010, bố mẹ bà chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Nhung, ở cùng xóm, 230,8m2, còn lại 1012,2m2.

Vợ chồng ông Đăng sinh được 10 người con. Năm 2014, họ làm thủ tục cho con gái là Trần Thị Minh Hậu 312,5m2 đất (đã được UBND huyện Thủy Nguyên cấp giấy CNQSD đất mang tên bà Hậu). Số còn lại là 669,2m2 đất được UBND huyện Thủy Nguyên cấp GCN QSD đất số BU 425217, ngày 5/8/2014, mang tên Trần Văn Đăng và Lê Thị Loan.

Cần xem lại bản án sơ thẩm - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Kim Hạnh trao đổi sự việc với phóng viên.

Cùng năm 2014, một người con của họ là bà Trần Thị Quang xin phép bố mẹ về xây nhà cấp 4 để ở nhờ trên phần đất của bố mẹ. Khi bà Loan mất, ông Đăng lập di chúc chia đất cho các con như sau: Bà Trần Thị Minh Hậu được 107,2m2; bà Trần Thị Minh Phúc - 117,6m2; bà Trần Thị Minh Phương - 107,4m2 (có bản vẽ và xác nhận của Ủy ban nhân dân xã). Phần đất ông Đăng tự nhận là một nửa, có diện tích 334,6m2, tọa trên vị trí có lợi thế đẹp (bao gồm cả phần đất bố mẹ bà đã cho bà Quang), chưa được sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế. Trước khi mất bố bà đã phá toàn bộ công trình trên đất là tài sản chung của bố mẹ bà. Trong đơn gửi tòa soạn, bà Quang hiện nay có nguyện vọng muốn được các cơ quan chức năng chia lại phần đất thừa kế mà bố mẹ để lại một cách công bằng, cụ thể muốn được nhận di sản là phần đất (có vị trí thuận lợi) để xây dựng nhà từ đường.

Tại Bản án số 36/2020/DS-ST ngày 04/09/2020 "về việc tranh chấp chia di sản thừa kế", Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng chấp nhận đơn của nguyên đơn là một trong những người con của vợ chồng ông Đăng là bà Trần Thị Minh Hậu như sau:

Giao cho bà Trần Thị Minh Hậu, đại diện cho cả bà Trần Thị Phúc, được sử dụng diện tích 127,7m2 (có các mốc 18-20-16-9-18 trên sơ đồ thửa 457, tờ bản đồ số 04 kèm bản án) tại Tổ dân phố Thắng Lợi, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trên đất có một lán tôn trị giá 2.197.800 đồng và một phần công trình xây dựng trên phần đất xây lấn sang 39,5m2 là tài sản của bà Hậu.

Giao cho bà Trần Thị Quang, đại diện cho các hàng thừa kế còn lại là bà Xuân, Vui, Hạnh, Phương, anh Vương, Dương Quân, chị Huyền, Hoa, Phượng, được quyền sử dụng diện tích đất 481,9m2, bao gồm các mốc giới: 18-19- 3-21-11-10-17 trên sơ đồ kèm theo bản án tại thửa 457, tờ bản đồ số 04, trên đất có một nhà cấp 4 của bà Quang, trị giá 19.840.000 đồng. Bà Trần Thị Quang đại diện cho các hàng thừa kế nói trên có trách nhiệm thanh toán cho bà Trần Thị Hậu là 186.460.000 đồng, bà Trần Thị Phúc là 136.460.000 đồng. Bà Quang có trách nhiệm thanh toán cho chị Trần Thị Yến số tiền là 30.480.000 đồng, thanh toán cho Trần Thị Thu số tiền là 15.240.600 đồng. Tạm giao bà Trần Thị Huyền quản lý cho bà Trần Thị Thu số tiền trên. Bà Trần Minh Hậu, Trần Thị Phúc, Trần Thị Quang, Trần Thị Vui, Trần Thị Xuân, Trần Thị Kim Hạnh, Trần Thị Minh Phương, anh Trần Mạnh Quân, Trần Văn Dương, Trần Văn Vương, chị Trần Thị Hoa, Trần Thị Phượng, Trần Thị Huyền có quyền sử dụng ngõ đi chung diện tích 20m2, có các mốc 4-5-20-18-19 trên sơ đồ kèm bản án.

Theo luật sư Ngô Thành Ba, Cty Luật TNHH niềm tin Công Lý thuộc đoàn Luật sư TP Hà Nội, Bản di chúc ngày 24/4/2018 do ông Đăng lập trong lúc những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Loan có mâu thuẫn trầm trọng. Mặc dù chưa có sự phân chia khối tài sản chung vợ chồng và phần di sản thừa kế của cụ Loan chưa được khai nhận nhưng cụ Đăng lại tự ý lựa chọn phần đất ở vị trí đẹp, vuông vắn, thuận tiện và có giá trị nhất trong tổng thể thửa đất là phần tài sản của mình để chia di sản cho bà Hậu, bà Phương, bà Phúc. Phần còn lại có vị trí không thuận lợi, bị méo, đa cạnh, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Loan.

Trong quá trình giải quyết, bị đơn đã thống nhất chia cho bà Hậu, bà Phương, bà Phúc diện tích đất theo di chúc của cụ Đăng nhưng ở vị trí khác và nêu nguyện vọng muốn nhận được di sản là phần đất (có vị trí thuận lợi) để xây dựng nhà từ đường. Tuy nhiên, Tòa án đã tuyên cho nguyên đơn được nhận phần đất ở vị trí đẹp, thuận lợi nhất.

Như vậy, liệu Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử thực sự khách quan chưa? Đã đánh giá đầy đủ các tài liệu chứng cứ có trong vụ án, hiện trạng thực tế của thửa đất và nguyện vọng chính đáng của bị đơn chưa? Tạp chí DN&TT kính chuyển toàn bộ nội dung trên tới cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết, tránh trường hợp gây bức xúc trong dư luận.

Hà Loan
Ý kiến của bạn
Hà Nội sẽ có thêm 3 khu công nghiệp quy mô hơn 600 ha Hà Nội sẽ có thêm 3 khu công nghiệp quy mô hơn 600 ha

Tại kỳ họp chuyên đề mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp tại Thường Tín và Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 635 ha.