Cảnh báo ngưng tim do chủ quan với nhịp tim chậm

Địa phương
10:03 AM 11/04/2025

Từng phát hiện nhịp tim chậm khi khám sức khỏe định kỳ nhưng chủ quan vì nghĩ bản thân vẫn khỏe, người đàn ông không ngờ cơn ngất trong nhà tắm lại là dấu hiệu cảnh báo “cửa tử” đang rất gần. Anh may mắn được cứu sống nhờ kỹ thuật cấy tạo nhịp tim tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Vẫn đều đặn đi làm mỗi ngày, thỉnh thoảng chóng mặt, choáng váng, anh L.C.Q (46 tuổi, quê Hậu Giang) nhân viên một ngân hàng tại địa phương, không ngờ những triệu chứng âm thầm ấy lại là dấu hiệu báo trước cho một cơn ngưng tim có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Qua khai thác bệnh sử, anh Q. cho biết, anh từng được phát hiện nhịp tim chậm khi khám sức khỏe định kỳ tại cơ quan. Tuy nhiên, do thấy bản thân vẫn khỏe, lại bận rộn công việc, anh không theo dõi thêm. Một phần vì chủ quan, một phần vì nghĩ triệu chứng chỉ là mệt mỏi thông thường do áp lực công việc, thỉnh thoảng anh có uống rượu và hút thuốc.

Cảnh báo ngưng tim do chủ quan với nhịp tim chậm- Ảnh 1.

Tuy nhiên, trong khoảng một tháng gần đây, anh Q. bắt đầu cảm thấy choáng váng nhiều hơn, có cảm giác như muốn ngất.

Cùng ngày nhập viện, sau khi tắm xong, anh đột ngột ngã quỵ trong nhà tắm và bất tỉnh khoảng 5 phút. Người nhà phát hiện kịp thời, đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ trong tình trạng mệt mỏi, vã mồ hôi.

Tại đây, các bác sĩ ghi nhận nhịp tim của anh Q. chỉ còn 20-30 lần/phút, mức cực kỳ thấp và nguy cơ ngưng tim cao. Ngay lập tức được đặt máy tạo nhịp tạm thời để duy trì nhịp tim đập ổn định trở lại.

Theo BSCKII Nguyễn Mạnh Cường - Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, sau khi thực hiện các thăm khám chuyên sâu, chúng tôi chẩn đoán anh N. mắc block nhĩ thất hoàn toàn - một dạng rối loạn dẫn truyền, khiến tín hiệu điện tim từ tâm nhĩ không thể truyền xuống tâm thất, làm cho tim không còn đập đồng bộ, khiến cho tim đập cực chậm, máu lên não không đủ và có thể gây đột tử.

Cảnh báo ngưng tim do chủ quan với nhịp tim chậm- Ảnh 2.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

"Trường hợp này nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh nhân có thể ngưng tim bất kỳ lúc nào. Đây là tình trạng rất nguy hiểm nhưng lại dễ bị bỏ qua vì triệu chứng ban đầu không rõ ràng" - bác sĩ Mạnh Cường thông tin.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất chỉ định cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn hai buồng bằng kỹ thuật tạo nhịp bó nhánh trái - một phương pháp hiện đại đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

BS. Mạnh Cường cho biết, tạo nhịp bó nhánh trái là bước tiến mới trong điều trị rối loạn dẫn truyền, giúp khôi phục hệ thống dẫn truyền sinh lý và cải thiện đồng bộ co bóp của thất trái, đồng thời làm giảm nguy cơ rung nhĩ so với tạo nhịp thất phải truyền thống - vốn dễ gây mất đồng bộ và suy giảm chức năng tim theo thời gian.

Cảnh báo ngưng tim do chủ quan với nhịp tim chậm- Ảnh 3.

Hiện bệnh nhân tỉnh táo, nhịp tim ổn định và được xuất viện sau vài ngày theo dõi.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, phương pháp này không chỉ cải thiện phân suất tống máu ngay cả ở bệnh nhân có chức năng thất trái suy giảm, mà còn giúp giảm rõ rệt tỷ lệ nhập viện do suy tim và cải thiện triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, nhờ điện cực được cấy sâu vào vách liên thất, ngưỡng tạo nhịp của nhóm tạo nhịp bó nhánh trái thấp, ổn định và bền vững theo thời gian.

Hiện bệnh nhân tỉnh táo, nhịp tim ổn định và được xuất viện sau vài ngày theo dõi.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn