Cảnh báo nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD lên tới 4,55%
Nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 lên tới 4,55%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022, khiến các ngân hàng thận trọng khi cấp tín dụng...
Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội nghị "Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô", NHNN cho biết một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Mặc dù nợ xấu đã được tổ chức tín dụng xử lý một bước quan trọng nhưng có xu hướng tăng do biến động tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới cùng những khó khăn của nền kinh tế trong nước đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng trả nợ gốc/lãi ngân hàng suy giảm.
Về phía các ngân hàng, việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.
Từ đó, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 lên tới 4,55%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022.
Dự báo, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể đi lên trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Các ngân hàng có thể phải chứng kiến áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bào mòn lợi nhuận, nhất là khi đặt trong bối cảnh định giá tài sản bảo đảm suy giảm khi thị trường bất động sản vẫn trong xu hướng trầm lắng và đi xuống.
Cùng đó, huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.
Trước tình hình trên, NHNN nhất trí nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm 2024. Đề nghị Vụ Tín dụng cùng Cơ quan Thanh tra, Vụ Pháp chế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước đề xuất và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024.
Đồng thời nhấn mạnh, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. "Nắn" tín dụng trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh; yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân về NHNN trước ngày 01/4 để doanh nghiệp chủ động cập nhật.
NHNN đề nghị các doanh nghiệp tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính, phối hợp với ngân hàng thành mối quan hệ cộng sinh… để các TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.