Cảnh giác khi con nhỏ học theo trò chơi trên mạng

Văn hóa
02:45 PM 03/12/2020

Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ rằng việc truy cập vào một chương trình dành cho thiếu nhi hoặc cho các em nhỏ trên Youtube 20-30 phút mỗi ngày sẽ không nguy hại gì. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo trước những thông tin độc hại với những kênh dành cho trẻ em thì hậu quả rất khó lường.

Nguy hiểm vô hình

Cảnh giác khi con nhỏ học theo trò chơi trên mạng - Ảnh 1.

Hình ảnh video hoạt hình Peppa Pig trên Youtube gây lo lắng cho các bậc phụ huynh.

Anh Phạm Bá Thiện (Cầu Giấy, Hà Nội), vừa hoảng hồn khi cậu con trai 3 tuổi nhà anh tự dùng thun cột tay, cột cổ. Nghĩ mai không biết con mình học ai mà nghịch dại như vậy, anh Thiện đã gọi điện nhờ cô giáo để ý trên lớp xem có bạn nào hay chơi trò này để các em bắt chước thì phối hợp cùng ngăn chặn. Ngoài ra, anh Thiện còn kiểm tra điện thoại, máy tính bảng xem dạo này con xem phim hoạt hình gì?

"Lúc này, tôi mới phát hiện các bé xem trò chơi Momo và kênh Youtube có nội dung rùng rợn. Từng nghe kể đây là trò chơi có cô gái đầu gà, hai mắt lồi ra trông rất quái dị, hướng dẫn trẻ các hành vi nguy hiểm, thậm chí là tự sát. Mặc dù đã giải thích cho con nhưng tôi vẫn rất lo lắng", anh Thiện chia sẻ.

Còn nỗi đau với gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt (KCN Tân Thuận, TP. HCM) là không thể nguôi ngoai khi vừa phải tiễn biệt đứa con 5 tuổi bé bỏng của mình. Và "thủ phạm" cũng chính là trò chơi trên mạng.

Lúc vợ chồng chị Nguyệt đi làm, cháu ở với ông bà ngoại. chỉ vài phút không để ý, cháu đã học theo trò chơi trên mạng Youtube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ rồi tự treo cổ mình.

"Khi gia đình phát hiện, cháu đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Mọi người lập tức đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên cháu đã tử vong do bị ngạt thở, chết não, ngưng tim", chị Nguyệt nghẹn ngào kể lại.

Theo bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM cho biết: Khi nhập viện, tim cháu đã đập yếu, đồng tử giãn và não bị tổn thương nghiêm trọng, có thể thiếu ô xy trong khoảng thời gian dài. Các bác sĩ hết lòng cứu chữa những không qua khỏi.

"Trước đây chúng tôi đã từng cấp cứu 3 trường hợp trẻ học theo trò trên mạng xã hội dẫn đến nguy kịch. Cả 3 đều có hành vi thắt cổ bằng dây phơi đồ. Trong 3 ca rất nặng, chúng tôi cứu sống được 1 ca", bác sĩ Khôi cho biết.

Làm gì để bảo vệ con trên môi trường mạng?

Trên thực tế, kênh Youtube là một kênh đa phương tiện, ban đầu chỉ là những video, clip đơn giản. Tuy nhiên hiện nay, Youtube còn được biết đến là kênh kinh doanh, làm những điều lạ để câu view, câu like và những lượt chia sẻ, bất chấp mọi sự nguy hiểm nhằm mục đích kiếm tiền. Nhiều clip có thể gây nguy hiểm như: Thử đốt 100 ngàn que diêm trông bồn cầu để xem phản ứng nổ; thả lon coca vào chảo dầu đang sôi; làm chuồng cao cả chục mét trên môt cây sắt…Những người làm video có thể nhờ sự may mắn hoặc có những thủ thuật riêng nên không bị rủi ro; còn người xem thì làm theo rất mạo hiểm.

Kênh Youtube ở Việt Nam hiện nay nở rộ như "nấm sau mưa". Với không ít Youtuber xem việc làm các video là nghề kiếm tiền từ việc quảng cáo. Vì vậy, xuất hiện rất nhiều clip nhảm nhí, vô bổ, thậm chí rất nguy hiểm để câu view. Điều đáng nói là hầu như không có kênh Youtube nào cảnh cáo trẻ em hay giới hạn độ tuổi, trong khi nhiều bé được bố mẹ cho xem thoải mái, không hề kiểm soát nội dung.

Cảnh giác khi con nhỏ học theo trò chơi trên mạng - Ảnh 2.

Cha mẹ cần cho trẻ đi khám nếu có dấu hiệu tâm lý bất thường. Ảnh minh họa

Theo Tiến sĩ tâm lý giáo dục Phạm Văn Tư- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Người tạo ra và phát tán trò chơi độc hại đã đánh trúng tâm lý lứa tuổi của trẻ vị thành niên. Đó là sự tò mò, thích khám phá những điều mới lạ, thích được chứng tỏ bản thân, dù là sự khẳng định bản lĩnh ở môi trường ảo trên mạng xã hội. Nhiều đứa trẻ ngoài đời sống thì tính chậm chạp, ít bộc lộ bản thân, ít quan tâm đến mọi thứ xung quanh nhưng khi tham gia các trò chơi trên diễn đàn, mạng xã hội thì trở nên xông xáo, thậm chí là liều lĩnh.

Một lí do nữa cũng cần đề cập là chính những ông bố, bà mẹ mải mê công việc và những mối quan hệ ngoài xã hội, ít có thời gian chăm sóc và chia sẻ với con cái đã khiến các em thấy cô đơn, buồn chán, tự đi tìm một thế giới khác và đắm chìm trong đó. Nhiều bố mẹ thấy  yên tâm khi cho con được một cuộc sống sung túc về vật chất nhưng họ không hiểu được rằng con cái thường xuyên phải chịu áp lực từ chuyện học hành điểm số thấp, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô.

Những nỗi niềm đó nếu không được giải tỏa, chia sẻ thì sẽ tích tụ lại khiến các em trở nên bế tắc, cảm thấy không ai hiểu và giúp đỡ mình được, từ đó thu mình lại và tìm đến những cách giải thoát tiêu cực. Khi ấy, những trò chơi thử thách nguy hiểm trên mạng với âm thanh, hình ảnh ấn tượng rất dễ thu hút các em và tạo nên sự ràng buộc vô hình khó thoát ra được.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Phạm Văn Tư, các bậc phụ huynh đừng chỉ hoang mang về các hiện tượng này mà cần đưa ra những giải pháp cụ thể ngăn chặn những chương trình độc hại đối với con em mình.

Đối với trẻ vị thành niên, bố mẹ phải khéo léo giám sát con cái. Hãy dành thời gian để tâm sự để hiểu và chia sẻ với con. Khi xuất hiện những chương trình độc hại trên mạng, thay vì bưng bít thông tin, cha mẹ hãy cùng con nhận diện, tiếp xúc chủ động, cảnh báo kịp thời để các em biết cách né tránh.

Với trẻ nhỏ hơn, cha mẹ cần phải là một màng bọc, kiểm soát chặt chẽ thời gian và nội dung chương trình mà trẻ đang tiếp cận. Hãy chú ý đến những biểu hiện khác thường của trẻ và tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời bảo vệ con trước các tác nhân có hại trong môi trường mạng. Sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường cũng rất cần thiết để có thể cảnh báo kịp thời, tránh sự lây lan việc tham gia các trò chơi nguy hại như một trào lưu.

Anh Sa
Ý kiến của bạn