Cạnh tranh với gạo Ấn Độ, giá gạo Việt Nam sẽ giảm?

Kinh doanh
09:25 AM 06/08/2021

Cạnh tranh xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng, trong khi nguồn cung nội địa Việt Nam dồi dào hơn sau vụ thu hoạch lúa Đông Xuân nên để duy trì sản lượng xuất khẩu, giá gạo Việt có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn có những điểm sáng đối với tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam nửa cuối năm 2021.

Đánh giá về triển vọng giá gạo những tháng cuối năm 2021, theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, USDA dự báo nhờ bội thu nên nguồn cung gạo Ấn Độ sẽ tiếp tục dồi dào, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 122 triệu tấn, tăng 2,6% giúp duy trì giá gạo ở mức thấp.

Cạnh tranh xuất khẩu của Ấn Độ tăng và nguồn cung nội địa Việt Nam dồi dào hơn sau vụ thu hoạch lúa Đông Xuân nên để duy trì sản lượng xuất khẩu, giá gạo Việt có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Giá gạo giảm sẽ phần nào làm hạn chế mức chi tiêu của người nông dân cho các loại vật tư nông nghiệp.

Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), do cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là Ấn Độ đã đẩy mạnh xuất khẩu gạo trắng với giá rất rẻ làm cho thị trường thừa nguồn cung, giá giảm mạnh. Riêng gạo Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm đã giảm đến hơn 100 USD/tấn xuống còn trên dưới 400 USD/tấn. 

Cạnh tranh với gạo Ấn Độ, giá gạo Việt Nam sẽ giảm? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Philippines hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước ta khi chiếm tỷ trọng 36% trong tổng sản lượng xuất khẩu. Vậy nên, biến động trong nhu cầu gạo của Philippines sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam. 

Cạnh tranh xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines dự kiến sẽ tăng cao do: Dự kiến sản lượng nhập khẩu của quốc gia này sẽ giảm 14%, xuống còn 2,1 triệu tấn khi ngành lúa gạo năm nay được mùa, USDA dự báo sản lượng nội địa của Philippines sẽ đạt 12,4 triệu tấn, tăng 4%.

Philippines đã xóa bỏ chênh lệch mức thuế giữa ASEAN và các nước ngoài ASEAN. Cụ thể, Chính phủ nước này đã điều chỉnh giảm mức thuế MFN (Most Favored Nation – có áp dụng cho Ấn Độ) từ 40% trong hạn ngạch và 50% ngoài hạn ngạch xuống 35% - bằng mức thuế áp dụng với các quốc gia thuộc ASEAN. Mục đích nhằm đa dạng hóa nguồn cung để nhập khẩu gạo với giá rẻ hơn, nhằm kiểm soát lạm phát.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn có những điểm sáng đối với tình hình xuất khẩu gạo nửa cuối năm. Dự kiến sản lượng gạo xuất khẩu năm 2021 sẽ đạt 6,3 triệu tấn tăng 2,2% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu gạo tăng ở các nước Trung Quốc, Bangladesh và Hàn Quốc. Cụ thể, nhu cầu nhập khẩu gạo của Bangladesh và Trung Quốc sẽ tăng lần lượt 1.680 ngàn tấn và 600 ngàn tấn, do nguồn cung nội địa sụt giảm và nhu cầu tích trữ lương thực trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Trong đó, Bangladesh sẽ phần lớn nhập khẩu gạo Ấn Độ (do yếu tố địa lý và giá bán) nhưng Chính phủ nước này cũng chủ động đa dạng nguồn cung khi nhập khẩu thêm từ Thái Lan và Việt Nam nhằm hạn chế rủi ro.

Đồng thời, Hàn Quốc cũng sẽ nhập khẩu 22.222 tấn gạo, dự kiến sẽ giao hàng trong tháng 9, tháng 10 năm nay. Đây là tín hiệu tích cực do cả năm 2020, Hàn Quốc không nhập khẩu gạo từ nước ta. Ngoài ra, cạnh tranh với gạo Thái Lan cũng không quá cao do nguồn cung gạo nước này có phần hạn chế do ảnh hưởng của hạn hán và giá gạo cũng không quá cạnh tranh như giá gạo Ấn Độ.

Để tìm lối ra cho gạo Việt, không chỉ những tháng cuối năm mà thời gian dài hơn hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng tinh thần của nền nông nghiệp thông minh, đó là: thông minh trong quy hoạch, trong sản xuất và tiêu thụ...

Ngoài việc kết nối quan hệ hài hòa giữa người nông dân và doanh nghiệp, doanh nghiệp cần có cách làm chuyên nghiệp hơn và chia sẻ lợi ích hài hòa với nông dân là một trong những đối tác quan trong trong chuỗi hoạt động xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, Nhà nước và các Bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu và ban hành chính sách phù hợp, kịp thời. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người nông dân bắt tay nhau chặt chẽ hơn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông dản, đưa nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững, nhất là đem lại giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34%

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tín dụng tháng 3/2024 đã tăng trở lại sau 2 tháng đầu năm giảm do yếu tố quy luật. Tính đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.