Cao Bằng: Giải pháp phát triển chuỗi giá trị cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 27/02/2024, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với IFAD Việt Nam tổ chức Hội nghị giải pháp phát triển chuỗi giá trị cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tiềm năng, cơ hội hợp tác phát triển KT-XH trong tương lai tại tỉnh Cao Bằng.
Đại biểu dự Hội nghị có lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đoàn công tác của Văn Phòng IFAD Việt Nam và các khách mời từ một số tổ chức Quốc tế, đại sứ quán: Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (RCO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Cục an ninh an toàn Liên Hợp Quốc (UNDSS), Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women); Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)…
Lãnh đạo và chuyên viên Ban điều phối CSSP tỉnh Bắc Kạn; Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, Ban ngành; Liên minh Hợp tác xã; Ban điều phối Dự án CSSP tỉnh Cao Bằng...; Đại diện Doanh nghiệp/Hợp tác xã có liên kết bao tiêu sản phẩm với các tổ nhóm nông dân sản xuất; Đại diện tổ hợp tác/nhóm sở thích hoạt động tốt và có liên kết bao tiêu sản phẩm.
Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng là Dự án sử dụng vốn vay ODA từ Quỹ IFAD được thực hiện từ năm 2017 đến nay. Quá trình triển khai, tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự hỗ trợ đồng hành của IFAD, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo Dự án và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thực thi và sự đồng lòng của cộng đồng nhân dân.
Đến nay, có trên 23 nghìn người tiếp cận các hoạt động Dự án; gần 13 nghìn hộ được hưởng lợi, hơn 57 nghìn thành viên trong hộ. Dự án đã thực hiện được gần 95% tổng mức đầu tư, kết quả khá rõ nét trên tất cả các hợp phần như: Xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH theo định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp xã; 100% xã phường trên toàn tỉnh được tập huấn và áp dụng đồng bộ trong công tác lập kế hoạch hằng năm.
Phê duyệt Kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị dựa trên ngành hàng là các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương. 678/800 tổ hợp tác được thành lập, 644 tổ đã được nhận tài trợ 43,5 tỷ đồng, trong đó, có hơn 120 tổ có liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị; 187 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư và đưa vào sử dụng phục vụ cho các chuỗi giá trị; thành lập 322 nhóm tiết kiệm tín dụng; 06 doanh nghiệp/hợp tác xã được tài trợ để tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ambrosio Barros, Trưởng đại diện, Giám đốc quốc gia IFAD Việt Nam nhấn mạnh: Mục tiêu của IFAD là thúc đẩy nền nông nghiệp thích ứng với khí hậu, định hướng thị trường để giúp các cộng đồng phát triển. Tại Cao Bằng, trong những năm qua, thông qua Chương trình Phát triển doanh nghiệp với nông thôn nghèo (DBRP) do IFAD hỗ trợ với tổng kinh phí dự án là 24 triệu USD, trong đó vốn vay IFAD là 16,4 triệu USD. Dự án đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu "góp phần giảm nghèo bền vững và công bằng ở nông thôn", bằng chứng là tỷ lệ nghèo tại khu vực dự án đã giảm từ 49% (2010) xuống 31,6% (2013).
Tiếp nối thành công của BDRP, Chính phủ Việt Nam và IFAD đã mở rộng hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số ở Cao Bằng thông qua Chương trình hỗ trợ hộ kinh doanh nhỏ (CSSP) đang được triển khai. CSSP nhằm mục đích giới thiệu chiến lược hợp tác sản xuất công-tư nhân (hoặc 4P) toàn diện hơn. Thúc đẩy chiến lược 4P, CSSP đã tích cực hỗ trợ các cơ quan dịch vụ công cấp tỉnh, huyện và xã, các công ty tư nhân, hợp tác xã, tổ chức nông dân và nông dân sản xuất nhỏ bao gồm các hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo tham gia và hưởng lợi từ chuỗi giá trị nông nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả của Dự án CSSP đã đạt được về phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp theo định hướng thị trường gắn với biến đổi khí hậu; những giải pháp phát triển chuỗi giá trị cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tương lai. Chia sẻ, khuyến nghị cơ hội, tiềm năng phát triển các chuỗi giá trị có thế mạnh của tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới; khuyến nghị của đại diện các tổ chức Quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những cơ hội, tiềm năng phát triển các chuỗi giá trị, về các chính sách, kinh nghiệm của các tổ chức và cơ hội, tiềm năng hợp tác giữa tỉnh Cao Bằng với các nhà tài trợ quốc tế trong tương lai.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp đáng kể của IFAD tại Cao Bằng trong thời gian qua, có nhiều sáng kiến hữu ích được áp dụng với mục tiêu vì sự tiến bộ bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương. Đề nghị Ban điều phối Dự án CSSP tỉnh Cao Bằng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động của dự án đã được IFAD và UBND tỉnh phê duyệt nhằm đạt được các mục tiêu của dự án; thực hiện tốt đánh giá và quyết toán dự án hoàn thành theo quy định; tham mưu cho UBND tỉnh nhân rộng để duy trì các kết quả của dự án đã đạt được, chia sẻ các bài học kinh nghiệm về cách làm hay của dự án để vận dụng thực hiện các chương trình/dự án khác trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các bộ ngành Trung ương quan tâm tạo điều kiện để tỉnh Cao Bằng kết nối với các nhà tài trợ quốc tế; hỗ trợ thủ tục để tỉnh Cao Bằng tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Các tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước quan tâm, cung cấp các nguồn vốn ODA nhất là các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ tỉnh Cao Bằng có được cơ hội hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.