Cao Bằng: Gian nan cuộc chiến chống mua bán người qua biên giới

Địa phương
04:07 PM 15/12/2023

Cao Bằng có đường biên giới dài 333 km tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, là địa bàn có địa hình đồi núi hiểm trở với nhiều đường mòn qua lại hai bên biên giới, chính vì vậy Cao Bằng được xác định là địa bàn trọng điểm về trung chuyển đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép và nạn nhân mua bán người.

Qua công tác nắm tình hình, từ đầu năm 2023 đến nay bằng các biện pháp nghiệp vụ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã đấu tranh thành công Chuyên án CB223p giải cứu 01 trẻ sơ sinh, bắt giữ 06 đối tượng (02 đối tượng người Trung Quốc; 02 đối tượng trú tại tỉnh Đắk Lắk; 01 đối tượng trú tại tỉnh Trà Vinh; 01 đối tượng trú tại tỉnh Lâm Đồng); phát hiện, bắt giữ, xử lý 14 vụ/30 đối tượng, tổ chức, môi giới cho 40 công dân các tỉnh, thành phố xuất, nhập cảnh trái phép qua địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Đáng chú ý, hoạt động mua bán người dưới 16 tuổi với nhiều hình thức khác nhau, như: thông qua các khâu trung gian để tổ chức mang thai hộ, cho nhận con nuôi, môi giới hôn nhân... để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài, nhất là Trung Quốc. Các đối tượng ở địa bàn một số tỉnh miền Tây Nam bộ (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh...) hoặc Tây Nguyên, Tây Bắc tìm kiếm, tuyển mộ nạn nhân sau đó móc nối với các đối tượng ở hai bên biên giới tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh trái phép qua biên giới các tỉnh phía Bắc sang Trung Quốc, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện, bắt giữ.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, cưỡng bức lao động, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng tổ chức mua bán người qua biên giới. Lực lượng đánh án đã tập trung các cán bộ dày dạn kinh nghiệm để xác minh, phân tích, đánh giá chứng cứ các đối tượng, bởi hoạt động mua bán người qua biên giới đã hình thành nhiều đường dây, tổ chức có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng ở nước ngoài với đối tượng ở địa bàn nội địa và địa bàn biên giới để hoạt động phạm tội.

Cao Bằng: Gian nan cuộc chiến chống mua bán người qua biên giới- Ảnh 1.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng tuần tra tại Cột mốc 731 (ảnh Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cung cấp)

Ngày 26/10/2023, đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh tiếp nhận 21 công dân Việt Nam do Đại đội quản lý biên giới Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc trao trả qua Cửa khẩu Trà Lĩnh. Quá trình sàng lọc, khai thác nhanh số công dân trên phát hiện Nguyễn Thị Kim Oanh, sinh ngày 17/9/2011, trú tại ấp Định Mỹ, xã Định Môn, huyện Thới Lai, Thành phố (TP) Cần Thơ, có dấu hiệu nghi vấn là nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, điều tra, xác minh vụ việc. 

Tại đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh, nạn nhân Nguyễn Thị Kim Oanh trình báo: Vào khoảng tháng 7/2023, Nguyễn Thị Lài, sinh ngày 23/5/1997, trú tại xã Vĩnh Hoà Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang (trước đó Lài lấy chồng và cư trú trái phép tại Trung Quốc) đưa một người đàn ông Trung Quốc tên là Mập đến nhà Oanh để xem mặt và hỏi lấy làm vợ. Cùng đi với Mập là một người đàn ông Trung Quốc khác có tên là Gồm (chồng của Lài), ban đầu Oanh không đồng ý song do bà ngoại và chính mẹ đẻ của Oanh đe doạ nên Oanh phải đồng ý. 

Sau khi thống nhất và được sự đồng ý của gia đình với số tiền là 200.000.000 đồng để người đàn ông Trung Quốc lấy Oanh làm vợ. Tuy nhiên Lài chỉ đưa tiền mặt là 100.000.000 đồng cùng một cây vàng 9999; 01 nhẫn đeo tay; 01 đôi bông tai; 01 vòng đeo tay loại vàng 24K cho gia đình Oanh và hứa hẹn sau khi Oanh sang Trung Quốc sẽ đưa tiếp cho gia đình thêm 50.000.000 đồng. Quá trình giao, nhận tiền, vàng giữa Nguyễn Thị Lài và gia đình Oanh có sự chứng kiến của Lê Thị Mỹ Hạnh, sinh năm 1985, trú tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ (là Mẹ đẻ của Oanh), Trần Thị Lợi, sinh năm 1957, trú tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ (là Bà ngoại của Oanh).

Từ thông tin, tài liệu nạn nhân cung cấp và kết quả nắm tình hình, phối hợp điều tra, xác minh, xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi bằng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài. Bước đầu Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã dựng lên được đường dây phạm tội, gồm các đối tượng chính sau: Nguyễn Thị Lài, sinh ngày 23/5/1997, trú tại xã Vĩnh Hoà Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, giữ vai trò chủ mưu tổ chức, thực hiện. Đối tượng người Trung Quốc tên là "Mập" giữ vai trò đồng phạm. Đối tượng người Trung Quốc tên là "Gồm", giữ vai trò người biết việc. Đối tượng người đàn ông sử dụng số điện thoại 0348.698.xxx để đón Oanh vượt biên sang Trung Quốc và nhà xe "Lệ Mít" giữ vai trò tổ chức xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.

Căn cứ thông tin, tài liệu bước đầu đã thu thập được về hoạt động của các đối tượng, ngày 28/10/2023, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng đã báo cáo Cục Phòng chống Ma tuý và Tội phạm xác lập Chuyên án CB1023p phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh triệt phá đường dây tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi từ một số tỉnh miền Tây Nam bộ qua biên giới tỉnh Cao Bằng sang Trung Quốc. 

Qua lời khai của các đối tượng, cùng với các tài liệu thu thập được, Ban chuyên án CB 1023p Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan. 

Từ ngày 29/10/2023 đến ngày 03/11/2023, Ban chuyên án đã chỉ đạo lực lượng đánh án điều tra, truy xét, bắt giữ 04 đối tượng, gồm: Nguyễn Thị Lài, Trần Thị Lợi, Lê Thị Mỹ Hạnh, Triệu Thành Long (quốc tịch Trung Quốc), về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015; giải cứu 01 nạn nhân, tạm giữ nhiều tang vật có giá trị liên quan đến vụ án.

Đại tá Bùi Đức Trung, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban chuyên án đánh giá: Ban Chuyên án xác định, đây là chuyên án phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều đối tượng ở cả địa bàn nội địa và ngoại biên; đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng. 

Việc điều chuyển, di chuyển đối tượng từ các địa bàn khác như Kiên Giang, Cần Thơ về tỉnh Cao Bằng phải thực hiện qua nhiều công đoạn (cả đường bộ và đường hàng không), khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển. Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo và sự quyết tâm cao của Ban chuyên án cũng như sự chủ động vào cuộc của các cơ quan tư pháp, ngay từ đầu đã tổ chức hội ý liên ngành, tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình điều tra, xác minh. 

Kết quả đã phá án thành công, bắt giữ triệt để các đối tượng có liên quan trong đường dây, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, trang bị; khởi tố vụ án, điều tra ban đầu bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định pháp luật, đạt được mục đích, yêu cầu của chuyên án đề ra.

Quang Hưng
Ý kiến của bạn
150 gian hàng quy tụ tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2024 150 gian hàng quy tụ tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”.