Cao Bằng: Nhiều danh thắng hấp dẫn du khách dịp Xuân Quý Mão
Cao Bằng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ. Với nhiều địa danh đi vào lịch sử dân tộc và nền văn hóa độc đáo - nơi đây hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn, lý thú không thể bỏ qua của du khách trên hành trình đến với vùng Việt Bắc mùa Xuân Quý Mão 2023.
Cao Bằng nổi tiếng với Khu di tích lịch sử Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước. Cao Bằng cũng được biết đến với hình ảnh thác Bản Giốc hùng vĩ cùng với những tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh độc đáo, đặc sắc đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng với du khách thập phương trong năm 2022.
Những tín hiệu vui của du lịch Cao Bằng
Ông Sầm Việt An - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch Cao Bằng cho biết: Từ giữa tháng 3/2022, nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các hoạt động văn hoá, xã hội bắt đầu mở cửa trong điều kiện bình thường mới, du lịch từng bước được phục hồi tích cực. Trong bối cảnh đó, ngày 29/3/2022, Ban Chỉ đạo thực hiện các nội dung đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/BCĐ thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2022 – 2025. Dựa vào những điều kiện sẵn có về tài nguyên tự nhiên và kho tàng văn hoá dân tộc, nền ẩm thực hấp dẫn, tỉnh Cao Bằng nâng cao tư duy, đổi mới phương pháp làm du lịch, xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Cao Bằng và phù hợp với thị trường. Du lịch Cao Bằng trong năm 2022 đã đón tổng lượt khách ước đạt 1,04 triệu lượt, tăng 150% so với cùng kỳ. Trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 14 nghìn lượt, tăng 930 % so với cùng kỳ; Khách du lịch nội địa ước đạt 1,02 lượt triệu, tăng 148% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 622 tỷ đồng, tăng 762,3% so với cùng kỳ (đạt 155,5% kế hoạch năm).
Với các hoạt động phong phú, Cao Bằng đã đón hàng vạn du khách tham dự các hoạt động du lịch như: Chương trình Du lịch về Nguồn năm 2022 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó; Tuần lễ văn hóa Chợ tình Phong Lưu Bảo Lạc; Tuần Văn hóa - Thể thao, Du lịch chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Cao Bằng với các hoạt động nổi bật như Hội thi Sáng tạo Ẩm thực Du lịch "Món ngon miền Non nước"; Liên hoan hát then - đàn tính; Liên hoan các câu lạc bộ "Cùng em khám phá CVĐC Non nước Cao Bằng"…; Lễ hội du lịch thác Bản Giốc năm 2022; Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành; Lễ hội tranh đầu pháo (huyện Quảng Hòa); Ngày hội văn hoá dân tộc Lô Lô (huyện Bảo Lâm)...
Tin vui nữa với ẩm thực đặc sắc của miền đất này là trong năm 2022, bánh cuốn Cao Bằng, bánh áp chao được chọn vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam; bánh chè lam, miến dong đen Phja Đén được chọn vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam và được công bố, giới thiệu trên Cổng thông tin điện tử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings), Top Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu (VietWorld).
Năm qua, Cao Bằng đã đầu tư, hoàn thiện và đưa vào khai thác một số điểm tham quan mới phục vụ khách du lịch và các hạng mục bổ trợ phục vụ du lịch. Đã hoàn thành điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (huyện Bảo Lạc); điểm check in đỉnh cao Phja Oắc, điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao (xã Quang Thành), dãy nhà trình tường nhóm hộ Nà Rẻo, điểm rừng trúc sào Bản Phường (huyện Nguyên Bình); điểm check in danh thắng quốc gia Mắt Thần núi (Trùng Khánh)...Tiếp tục hoàn thiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như: Dự án tu bổ, tôn tạo Chùa Sùng Phúc, di tích Đền thờ Tô Thị Hoạn (huyện Hạ Lang); Điểm bay dù lượn, chợ phiên Phja Đén (huyện Nguyên Bình). Một số điểm check in trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trên 03 tuyến du lịch... Triển khai thực hiện Dự án"Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Hành trình về với nguồn cội cách mạng
Ngay sau khi dịch Covid19 bị đẩy lui, Cao Bằng đã đón đông đảo du khách đến thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) cách TP Cao Bằng 52km về phía Bắc. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và chọn làm căn cứ địa lãnh đạo Cách mạng (giai đoạn 1941-1945). Pác - Bó đã trở thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam, là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho các thế hệ con cháu người Việt Nam.
Cùng các bạn trong lớp đến thăm Pác Bó một ngày đầu năm 2023, bạn Hoàng Kim Chi, sinh viên năm thứ 3 khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội không giấu niềm xúc động chia sẻ: Em luôn ao ước được đặt chân đến Pác Bó để được tận mắt chứng kiến những địa danh quen thuộc đã đi vào trang sử hào hùng của đất nước, hình ảnh của Bác Hồ kính yêu đang được lưu giữ nguyên vẹn nơi đây để thêm hiểu biết hơn về cuộc đời, sự nghiệp Cách mạng của Người.
Cũng như cô sinh viên trẻ Hoàng Kim Chi, dường như du khách nào đến thăm Pác Bó cũng dưng dưng cảm nhận được hình bóng Bác, dấu chân của Bác vẫn như đang gắn liền với những địa danh như: Hang Cốc Bó (còn gọi là hang Pác Bó), nơi Bác ở từ ngày 08/02/1941 đến trung tuần tháng 3/1941. Hang Cốc Bó rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ một người đi vừa. Ngay cửa hang có dòng chữ 8/2/1941 do chính tay Bác khắc lên để đánh dấu mốc thời gian Bác đến ở và làm việc cho đến trung tuần tháng 3 năm 1941. Trong hang hiện còn một bộ bàn ghế mà Bác đã từng ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch các tài liệu quan trọng. Hang Lũng Lạn, nơi Bác ở và làm việc trong khoảng cuối tháng 3/1941; Lán Khuổi Nặm, được dựng theo kiểu nhà sàn là nơi Bác Hồ ở lâu nhất; Dòng suối Lê Nin trong vắt như dải lụa, nơi Bác nghỉ ngơi câu cá; Núi Các Mác xanh cao vời vợi, tạo cảm giác thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ...
Nhằm phát huy giá trị lịch sử cách mạng, gắn liền với bản sắc dân tộc của địa phương; tạo cảnh quan, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử; phục vụ khai thác và phát huy giá trị Khu di tích một cách hiệu quả, bền vững, tháng 11/2020, tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Vườn hoa và tượng Đàn tính tại khu vực ngã ba lán Khuổi Nặm, thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Theo đó, dự án sẽ xây dựng 3 cây đàn tính, đúc bằng đồng, cao 6m, dày trung bình 13mm và trồng hoa, cây xanh khu vực xung quanh khối tượng đàn tính.
Khám phá thác Bản Giốc, tặng vật vô giá của thiên nhiên
Đến Cao Bằng dịp đầu xuân, chắc chắn du khách không thể không đến thăm thác Bản Giốc, điểm du lịch tiêu biểu mang tính biểu tượng của tỉnh Cao Bằng. Từ trung tâm thành phố Cao Bằng trải qua 89 cây số qua đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu, đi qua những bản làng, men theo dòng sông Quây Sơn xanh biếc du khách sẽ đến với thác Bản Giốc nằm trên địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.
Nằm trên đường biên giới Việt - Trung, thác Bản Giốc được mệnh danh là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là thác lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới. Thác Bản Giốc có độ cao 35m và độ rộng 300m, xếp thành 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau với những tên gọi khác nhau.
Thác Bản Giốc hiện nay bao gồm phần thác chính được cả Việt Nam và Trung Quốc cùng khai thác du lịch, phần thác phụ thì nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam. Trừ thời điểm mùa khô quá cạn nước, còn lại thác Bản Giốc mùa nào cũng đẹp, mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng. Vào những ngày mùa xuân, dòng thác đổ như những dải lụa dịu dàng, tạo khung cảnh nên thơ trữ tình cho vẻ đẹp non nước Cao Bằng. Lễ hội thác Bản Giốc hàng năm thường được tỉnh Cao Bằng tổ chức vào mùa thu, khoảng đầu tháng 10. Đến thác Bản Giốc, ngoài khám phá vẻ đẹp của một trong những thác nước đẹp của Việt Nam, du khách còn có dịp tìm hiểu văn hoá, ẩm thực của người dân địa phương. Nằm không xa thác là động Ngườm Ngao, chùa Trúc Lâm Bản Giốc, đây đều là những địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn, thú vị mà du khách không nên bỏ qua trên hành trình của mình.
Ông Sầm Việt An - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết : Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2023 đạt mục tiêu: Tỉnh Cao Bằng đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt 900 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, Cao Bằng sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ đa chức năng tại 03 di tích quốc gia đặc biệt, các danh thắng quốc gia, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái; khuyến khích sản xuất các sản phẩm lưu niệm, sản vật địa phương; thúc đẩy phát triển nền ẩm thực Cao Bằng. Đi đôi với đó, Tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện việc số hóa các tài liệu hiện vật, ấn phẩm du lịch; phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ tuyên truyền, quảng bá du lịch.
Cao Bằng là một tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng nên tiềm năng về phát triển du lịch rất lớn. Những năm gần đây, ngành du lịch Cao Bằng luôn phấn đấu, nỗ lực và từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc góp phần thúc đẩy nền kinh kế của tỉnh. Vì lẽ đó du lịch đã được tỉnh xác định là ngành kinh tế quan trọng. Du lịch của tỉnh sẽ ngày càng nâng cao về chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch để thu hút khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, tận hưởng và trải nghiệm.
Phương LoanBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.