Cao Bằng: Tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát
UBND tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo ( BCĐ); Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ; Đoàn Quốc Chính, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Trưởng BCĐ đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Định, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ, Bộ Kế hoạch Đầu tư; các đồng chí thành viên BCĐ, tổ giúp việc BCĐ; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết
Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Cao Bằng có 16.049 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ về nhà ở, với tổng số kinh phí cần huy động là 588.173 triệu đồng. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh tập trung hỗ trợ nhà ở cho 6.602 hộ là "lõi nghèo" (gồm: các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách không có nhà hoặc nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện sinh sống). Việc rà soát, bình xét, thẩm định, phê duyệt được thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia giám sát của nhân dân ngay từ những ngày đầu tiên.
Là tỉnh được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý lựa chọn để thí điểm chỉ đạo thực hiện xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; ưu tiên nguồn lực để triển khai. Tỉnh huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa, quyết tâm hoàn thành mục tiêu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao.
Từ tháng 4/2021 đến nay, tỉnh hỗ trợ 153.688 triệu đồng cho 3.656 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đạt 22,78% (trong đó, nguồn kinh phí huy động xã hội hóa hỗ trợ 49.928 triệu đồng cho 1.199 hộ; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ 98.980 triệu đồng cho 2.275 hộ; nguồn tạm ứng từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" hỗ trợ 4.780 triệu đồng cho 182 hộ gia đình chính sách người có công)...
Quá trình thực hiện có nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh như: giao lực lượng công an làm nòng cốt bám sát địa bàn, hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ dân; ngoài kinh phí hỗ trợ của chương trình, các huyện, thành phố đã vận động, huy động thêm kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công lao động hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, già cả, neo đơn không nơi nương tựa;...
Công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, nhà ở sau khi được hỗ trợ đạt các tiêu chí về quy mô, diện tích, chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện tỉnh còn một số khó khăn, tồn tại: Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 không được cấp, năm 2023 được cấp 97.020 triệu đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương 13.892 triệu đồng, chưa đủ nhu cầu hỗ trợ cho các hộ gia đình đã thực hiện xong theo tiến độ chung của Đề án; nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án 1 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được phân bổ nhưng chưa đủ so với nhu cầu của tỉnh; nhiều hộ gia đình không có kinh phí đối ứng trong quá trình làm nhà, việc huy động nội lực từ gia đình, dòng họ còn hạn chế; trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều trường hợp đã được hỗ trợ theo các Chương trình, chính sách khác từ 10 năm trở lên, số tiền hỗ trợ không lớn (05 - 06 triệu đồng), hiện nay các hộ này vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn hiện trạng nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ về nhà ở để đảm bảo ổn định cuộc sống, tuy nhiên các trường hợp này không thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đổi mới của các cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cấp xã, vận động sự tham gia của cộng đồng, thôn bản và các hộ gia đình được hỗ trợ, thường xuyên phối hợp trong công tác thi công công trình và kiểm tra, giám sát sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định; Thường xuyên thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, nhất quán về nội dung của chính sách hỗ trợ, ý nghĩa, vai trò của công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo đến các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đa dạng hoá các phương thức, hình thức, nội dung tuyên truyền, bảo đảm tuyên truyền kịp thời, đúng định hướng, đúng đối tượng, hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Huy động đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, nắm tình hình thực hiện theo từng tháng, quý, năm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; biểu dương khen thưởng các tập thể cá nhân thực hiện tốt phong trào tại địa phương; đảm bảo sự tham gia giam sát của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân trong triển khai thực hiện.
Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng, Trưởng BCĐ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh biểu dương những kết quả đạt được trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới các cấp, các ngành quan tâm triển khai tốt một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, sự phối hợp và tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, nhất là sự tham gia của lực lượng công an các cấp trong triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, việc triển khai thực hiện Chương trình.
Đa dạng hoá các phương thức, hình thức, nội dung tuyên truyền, bảo đảm tuyên truyền kịp thời, đúng định hướng, đúng đối tượng để tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở, trong các tầng lớp nhân dân về cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng; đồng thời để huy động được nhiều hơn nữa các nguồn lực hỗ trợ và làm thay đổi nhận thức, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ thể, sự chủ động nỗ lực cố gắng của chính các hộ gia đình được hỗ trợ.
Các ngành Xây dựng, Lao động-Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan khác tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản cơ chế chính sách đặc thù để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình. Các huyện, các xã, trong toàn tỉnh chủ động nắm chắc tình hình các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, phân loại thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện.
Lực lượng công an các cấp, nhất là cấp cơ sở thường xuyên nắm chắc địa bàn, hoàn cảnh gia đình từng hộ nghèo; chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp, đồng thời phát huy tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong tuyên truyền vận động, trong giúp dân xoá nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian tới, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ giúp dân với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Tích cực huy động đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện Chương trình, chú trọng lồng ghép nguồn lực thực hiện từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án của Trung ương, của tỉnh và huy động các nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; vận động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hộ gia đình được thụ hưởng; đồng thời, phải quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện thường xuyên, liên tục; đảm bảo sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân trong triển khai thực hiện; thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên kịp thời các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện Chương trình quan trọng và đầy ý nghĩa nhân văn này.
Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tỉnh phát biểu
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho rằng: Thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh về hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các cán bộ chuyên môn phụ trách thực hiện Chương trình ở cấp huyện, cấp xã. Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong triển khai thực hiện Chương trình.
Chú trọng lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình của Trung ương, của tỉnh. Quan tâm huy động sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua các cuộc vận động Quỹ "Vì người nghèo", "Hội phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo", "Mái ấm nơi biên cương", phong trào "Cao Bằng chung tay vì người nghèo, không bỏ ai để lại phía sau" và các phòng trào khác; bên cạnh đó, vận động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, huy động sự đóng góp của gia đình, anh em, dòng họ và chính các hộ gia đình được hỗ trợ.
Các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu thực hiện, bảo đảm đúng đối tượng, để hỗ trợ đúng mục đích, không gây lãng phí, tiêu cực; rà soát, thống kê, lập danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách còn gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn mình quản lý, tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ các hộ gia đình sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững của Tỉnh, việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở bên cạnh bảo đảm an toàn, bền chắc cần cân nhắc hướng tới yếu tố thẩm mỹ, phù hợp với văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tạo điều kiện cho các hộ gia đình sau khi được hỗ trợ nhà ở, tham gia xây dựng các sản phẩm du lịch như du lịch cộng đồng, làng bản, du lịch văn hóa - lịch sử, tạo sinh kế bền vững cho người dân...
Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc
Nhân dịp này, có 23 tập thể, 17 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen "Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng".
Lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng trao Bằng khen cho tập thể, cá nhân xuất sắc
Trung Kiên
Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.