Cao sao vàng - "thần dược" thời bao cấp

Tiếp thị
10:06 AM 06/06/2020

Cao Sao Vàng” - một ký ức không thể quên với rất nhiều người Việt.

Chỉ là một chiếc hộp bằng nhôm nhỏ, hình tròn, có logo ngôi sao ở chính giữa cùng màu đỏ bao phủ thân hộp nhưng chiếc hộp ấy đã hơn 50 tuổi, từng làm mưa làm gió trên thị trường, mang về hơn 2 triệu USD cho đất nước vào những năm 80 thế kỷ trước. Nó mang một cái tên giản dị, “Cao Sao Vàng” - một ký ức không thể quên với rất nhiều người Việt. 

 
Thần dược” trị... cảm cúm, hắt hơi 

Cao Sao Vàng được nghiên cứu tại Việt Nam từ sau năm 1954, dựa trên sản phẩm đã khá danh tiếng trước đó là dầu cù là nhãn hiệu con hổ trắng, xuất xứ Singapore. Thời gian đầu, mặt hàng này được Nhà nước giao cho Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3, nay là Công ty Dược phẩm Trung ương 3 (Hải Phòng) sản xuất.

Từ năm 1969, sản phẩm cao xoa (hay còn gọi là dầu cù là) có thương hiệu Sao Vàng chính thức được tung ra thị trường, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Cao Sao Vàng có thành phần gồm long não, sáp ong và các loại tinh dầu quý của Việt Nam như bạc hà, quế, tràm, hương nhu. Nhiều người Việt lớn tuổi hiện nay vẫn có thói quen “thủ” một hộp cao Sao Vàng trong túi để phòng khi trái nắng trở trời. Mùi hương của loại cao này quyện cùng ký ức, trở thành một phần không thể thiếu với họ.

Tác dụng nổi bật của loại cao này là chống cảm, chuyên trị đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, sổ mũi, say tàu, xe, bị côn trùng cắn... dùng ngoài da cho người lớn cũng như trẻ nhỏ. Thời kỳ đó, đau ốm không dễ mua thuốc nên hộp cao Sao Vàng chỉ khoảng 3gr được sử dụng như một “thần dược” chữa bá bệnh, đau đâu bôi đó. Với người Bắc và người Trung, dầu cù là còn là vật sưởi ấm những mùa đông băng giá. Nhờ đặc tính làm nóng cơ thể, những người Việt khi đi công tác, học tập ở Liên Xô, Đông Âu thời đó thường bỏ túi mang theo cao Sao Vàng để sử dụng.

Ngoài ra với tác dụng chống rét và gọn nhẹ, cao còn được dùng để làm quà. Do đó cao Sao Vàng được người dân một số nước Đông Âu, Liên Xô biết tới. Từ sau đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam và Liên Xô đẩy mạnh trao đổi hàng hóa. Cao Sao Vàng là một trong những mặt hàng xuất khẩu sang Liên Xô. Để đảm bảo chỉ tiêu cam kết về số lượng xuất khẩu lớn, Tổng công ty Dược đã giao cho 5 xí nghiệp dược phẩm cùng sản xuất mặt hàng này.

Riêng xí nghiệp dược ở Đà Nẵng được giao chỉ tiêu sản xuất mỗi năm trung bình 10 - 15 triệu hộp. Đỉnh cao là năm 1983 với sản lượng được giao 20 triệu hộp. Là một trong 5 đơn vị được giao sản xuất cao Sao Vàng lúc bấy giờ, ông Bùi Xuân Hưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3 nhớ lại: Khi đó Nhà nước quản lý độc quyền về xuất khẩu. Cao Sao Vàng do Tổng công ty xuất nhập khẩu khoáng sản VN (Minexport), trực thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), là đơn vị được quyền xuất khẩu các mặt hàng đi các nước sớm nhất trong ngành Ngoại thương Việt Nam.

Vào những năm 1970-1990, có thể coi cao Sao Vàng như là một thương hiệu đình đám và có mức độ nhận diện thương hiệu “khủng nhất” thời điểm ấy, không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt và còn trở thành biểu tượng của ngành dược Việt Nam rất nhiều năm sau đó. 

Hộp cao sao vàng thân thương được xem như thần dược một thời.

Sống lại trên chợ điện tử thế giới

Tương tự nhiều thương hiệu Việt vang bóng một thời khác như xe đạp Thống Nhất, giày Thượng Đình, kem đánh răng Dạ Lan…, hành trình tồn tại và phát triển của cao Sao Vàng cũng đầy gian truân. Từ sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, cộng với mở cửa kinh tế thị trường, cao Sao Vàng đối diện với rất nhiều khó khăn. Đó là những đối thủ nặng ký như dầu gió, dầu cao và những loại thuốc Tây y khác với công năng tốt hơn rất nhiều.

Trước xu hướng dầu mới xuất hiện, thị phần của dầu cù là bị thu hẹp dần, cao Sao Vàng cũng chung số phận. Các loại dầu ngoại như dầu xanh của Singapore, dầu con hổ của Trung Quốc, dầu khuynh diệp, dầu gió Nhị Thiên Đường... xuất hiện được nhiều người lựa chọn khiến cao Sao Vàng mất dần thị phần. Các doanh nghiệp sản xuất cao Sao Vàng phải dần thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng. Đáng buồn nhất là sau khi hợp đồng với Liên Xô kết thúc, sản lượng cao Sao Vàng đã sụt giảm đáng kể.

Nhiều xí nghiệp dược phẩm cùng đăng ký sản xuất mặt hàng này trên cơ sở dùng chung logo, nhãn hiệu, nhưng ít đơn vị hoạt động hiệu quả và giữ được đầu ra ổn định. Khoảng 2 thập niên gần đây, thương hiệu cao Sao Vàng gần như vắng bóng trên thị trường nội địa. Những người lớn tuổi vẫn nhớ về hộp dầu màu đỏ có hình ngôi sao vàng chữa bá bệnh nhưng nắp hộp khó mở, có khi quăng xuống nền nhà mới chịu bung ra.

Những tưởng Cao Sao Vàng sẽ “chìm nghỉm” thì vài ba năm trở lại đây, công ty chủ quản của sản phẩm này là Công ty cổ phần Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần Dược Trung ương 3 đã đưa sản phẩm “tái xuất giang hồ” với mẫu mã không thay đổi. Hộp thiếc vẫn lấy hình ngôi sao vàng trên nền đỏ là chủ yếu, chỉ khác ở dòng chữ tiếng Anh và tiếng Nga thể hiện trên nắp hộp. Dù thành phần cao vẫn là long não, tinh dầu bạc hà... nhưng mùi dầu của mỗi đơn vị sản xuất cũng có những điểm khác nhau nhưng  người tiêu dùng sẽ khó phân biệt được nếu nhìn lướt qua.

Với những chiến lược truyền thông nhỏ giọt, cao Sao Vàng trở lại không được như mong muốn tại quê nhà do người Việt Nam ưa thích dùng các sản phẩm tương tự từ Thái Lan, Trung Quốc hay các hãng nước ngoài. Tuy nhiên, cao Sao Vàng lại là sản phẩm được ưa chuộng ở nhiều nước và đã có mặt ở 15 quốc gia.

Thậm chí, du khách Trung Quốc còn bình chọn Cao Sao Vàng là 1 trong 3 sản phẩm đáng mua nhất ở Việt Nam Đặc biệt, đầu năm 2017, cao Sao Vàng làm dậy sóng những người trong nước khi bỗng nhiên xuất hiện trên trang thương mại điện tử Amazon với giá bán rất cao. Đây cũng là sự kiện vực dậy dòng sản phẩm này. Trên Amazon, một hộp Cao Sao Vàng được chào bán với giá từ 2 USD đến gần 4 USD.

Được đánh giá tốt, loại sản phẩm này thường hết veo ngay sau khi bán đấu giá trên trang thương mại điện tử nổi tiếng này.  “Cao Sao Vàng đã được dùng ở Việt Nam cả thế kỷ. Nó có chứa một loại dầu đặc biệt cao cấp ở Việt Nam, kích cỡ nhỏ nên dễ mang đi mang lại, có tác dụng khi bị cúm, cảm lạnh, đau bụng và đau nhức cơ cổ, lưng…”, là những dòng giới thiệu về sản phẩm. Chính điều đó tạo cho người mua cảm giác mức giá gần 2 USD quá rẻ so với những tác dụng mà loại dầu bôi này mang lại.

Cũng vì vậy mà sản phẩm giá rẻ này của Việt Nam được đánh giá cao trên cộng đồng thương mại điện tử quốc tế. Ngay cả khi tiền vận chuyển (ship hàng) lên tới gần 5 USD, đắt hơn cả giá hàng, thì người mua vẫn chấp nhận và cảm thấy hào hứng với sản phẩm này. Còn trên trang điện tử eBay, một hộp cao Sao Vàng luôn được bán với giá phổ biến 50.000-70.000 đồng, đắt gấp 30 lần so với giá gốc bán ở Việt Nam, nhưng lại rất đắt hàng.

Sản phẩm này còn được đóng bao bì tiếng Nga, bán với giá không rẻ so với giá gốc, nhưng lại được nhiều phản hồi tốt và thường… cháy hàng trên các website mua bán như eBay hay Amazon. Trong giỏ hàng của người bán luôn cập nhật tình trạng hàng hóa ở mức low stock (còn rất ít) hoặc out of stock (đã hết). Việc xuất hiện ở các chợ điện tử nổi tiếng khiến nhiều điểm bán hàng lưu niệm trong nước cũng đưa cao Sao Vàng trở lại trên kệ.

Thực tế, về mức độ đóng góp về doanh số Cao Sao Vàng không phải là quá cao và bền vững nhưng sự trở lại gần đây này cũng cho thấy được hiệu ứng của thương hiệu vàng son một thời.

Ý kiến của bạn
Băng phủ đỉnh Fansipan ngày đầu năm Băng phủ đỉnh Fansipan ngày đầu năm

Sáng sớm ngày 5/1, đỉnh Fansipan - "nóc nhà Đông Dương" - lại một lần nữa xuất hiện băng giá, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp hiện tượng này diễn ra.