Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kiến tạo du lịch Cao Bằng cất cánh
Giao thông là 1 trong 3 lĩnh vực chính của du lịch, gồm lữ hành, lưu trú và vận chuyển. Giao thông là "sợi dây" kết nối mọi hoạt động của du lịch. Cũng giống như các ngành kinh tế khác, giao thông thuận lợi là "đòn bẩy" để du lịch phát triển. Một điểm đến dù có hấp dẫn nhưng giao thông không thuận lợi, kết nối không tốt cũng sẽ khó khăn trong thu hút được khách hàng.
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới, có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời; được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là công viên thứ 2 ở Việt Nam được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Cao Bằng hội tụ nhiều yếu tố để hình thành và phát triển một số sản phẩm du lịch có giá trị kinh tế cao như du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch đô thị, du lịch ban đêm... Đặc biệt là Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) được kỳ vọng sẽ trở thành Khu du lịch kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh và bền vững.
Song, nhiều năm qua, Cao Bằng vẫn là một trong những tỉnh miền núi khó khăn của cả nước. Từ Cao Bằng, muốn tiếp cận các thành phố lớn khác chỉ có 2 tuyến quốc lộ là: quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) và quốc lộ 4A (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng). Thời gian di chuyển từ 6 - 7 giờ, qua những khu vực địa hình quanh co, hiểm trở, hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn hạn chế phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến mời gọi đầu tư và thu hút khách du lịch đến Cao Bằng.
Khi giao thông chưa thuận lợi sẽ là trở lực, ngược lại, nếu thuận lợi trở thành động lực cho ngành du lịch Cao Bằng phát triển. Xác định là trở lực, do đó, phát triển hạ tầng giao thông là giải pháp quan trọng của ngành du lịch cần được tập trung mọi nguồn lực để triển khai quyết liệt như chỉ đạo của Thủ tưởng chính phủ tại lễ khởi công tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh: "vượt nắng thắng mưa", "ba ca bốn kíp", "chỉ bàn tiến, không bàn lùi", đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, không vượt tổng mức đầu tư. "Đây là chiến dịch Đông Khê năm 2024 và sẽ chiến thắng vào năm 2026".
Từ trở lực thành... động lực
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được khởi công vào ngày 1/1/2024 và được kỳ vọng sẽ kiến tạo cho du lịch Cao Bằng phát triển, đồng thời mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát vọng của nhiều thế hệ đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Tuyến đường hoàn thành sẽ thúc đẩy giao thương, du lịch liên vùng, liên quốc gia, đưa Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững, củng cố quốc phòng - an ninh, kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới, các trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa quốc tế.
Châu NguyênTheo số liệu từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2024 đạt xấp xỉ 15 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2023.