Cấp cứu thành công ca lóc tách động mạch vành nhờ kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch

Địa phương
12:26 PM 16/01/2024

Lóc tách động mạch vành (SCAD) là tình trạng xuất hiện vết rách trong lòng mạch máu nuôi tim, gây cản trở dòng chảy của máu dẫn đến cơn đau tim, rối loạn nhịp tim hoặc tử vong đột ngột.

Tiếp nhận bệnh nhân T.T.Hà trong tình trạng lóc tách động mạch vành, ekip can thiệp tim mạch Bệnh viện Hồng Ngọc nhanh chóng tiến hành chụp mạch vành kết hợp siêu âm trong lòng mạch (IVUS) để chẩn đoán xác định và kịp thời cấp cứu.

Bắt đúng bệnh tim hiếm gặp nhờ kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS)

Bệnh nhân T.T.Hà nhập viện trong tình trạng đau ngực trái, đau xuyên sang cánh tay trái, khó thở nhẹ… Sau khai thác tiền sử bệnh, thực hiện các xét nghiệm cơ bản và điện tâm đồ, bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ nhồi máu cơ tim cấp.

Đáng chú ý, trước đó sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không có tiền sử bệnh tim mạch nhưng khi nhập viện, các triệu chứng lâm sàng lại hết sức nghiêm trọng, men tim tăng cao, ở mức 2816ng/L nên được chỉ định chụp mạch vành kết hợp siêu âm trong lòng mạch IVUS. Kết quả chụp cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp do lóc tách đoạn 2 - 3 động mạch liên thất trước.

Cấp cứu thành công ca lóc tách động mạch vành nhờ kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch- Ảnh 1.

Các bác sĩ tập trung can thiệp cho bệnh nhân

ThS.BS Nguyễn Đình Công, bác sĩ trung tâm Can thiệp tim mạch Hồng Ngọc, là người trực tiếp can thiệp cho bệnh nhân Hà chia sẻ: “Hầu hết các trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp đều do huyết khối hoặc các mảng xơ vữa gây hẹp mạch vành… Tuy nhiên, với những trường hợp không có tiền sử bệnh như bệnh nhân Hà, kèm theo các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng thì việc sử dụng kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch là vô cùng cần thiết. Kỹ thuật này giúp chẩn đoán chính xác bệnh nhân bị hẹp hay lóc tách động mạch vành. Nếu chỉ chụp mạch vành số hóa xóa nền, hình ảnh hiển thị lòng thật và lòng giả rất khó phân biệt nên cần phải sử dụng IVUS vì kỹ thuật này thể hiện rõ được ba lớp cấu trúc của thành động mạch vành.”

Nhận thấy tình trạng phức tạp của ca bệnh, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và quyết định đặt stent xử trí đoạn lóc tách cho bệnh nhân.

Cấp cứu thành công ca lóc tách động mạch vành nhờ kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch- Ảnh 2.

Hình ảnh siêu âm trong lòng mạch IVUS trước can thiệp của bệnh nhân

Ca can thiệp kéo dài khoảng 1 tiếng, 2 stent có kích thước 2.25x29mm và 2.75x38mm được đưa chính xác vào vị trí tổn thương, nối tiếp nhau dưới sự hỗ trợ đắc lực từ máy chụp mạch vành số hóa xóa nền DSA kết hợp kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS) hiện đại.

Yên tâm hơn khi đánh giá được chính xác kết quả sau can thiệp

Sau can thiệp, kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS) tiếp tục được sử dụng để theo dõi kết quả, xem stent đã phủ hết được phần lóc tách hay chưa.

Cấp cứu thành công ca lóc tách động mạch vành nhờ kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch- Ảnh 3.

Hình ảnh siêu âm trong lòng mạch IVUS sau can thiệp

BS.Công cho biết thêm: “Với kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch IVUS, chúng tôi có thể đánh giá chính xác mức độ thành công của ca bệnh. Bên cạnh việc hỗ trợ thực hiện đưa stent vào và đặt stent chính xác tại vị trí tổn thương, hình ảnh siêu âm trong lòng mạch cũng giúp quan sát chính xác stent đã phủ kín phần bị lóc tách hay chưa để điều chỉnh phù hợp. Nhờ đó, hạn chế tối đa nguy cơ tái hẹp và tử vong sau can thiệp”.

Kết quả chụp mạch vành và siêu âm trong lòng mạch cho thấy stent đã phủ kín toàn bộ đoạn mạch bị lóc tách, dòng chảy mạch vành khơi thông tốt, ca can thiệp được thực hiện thành công. Sau 3 ngày nằm viện, tình trạng bệnh nhân T.T.Hà ổn định và được xuất viện.

Lóc tách động mạch vành - Bệnh tim hiếm gặp, không có dấu hiệu cảnh báo

Các bệnh lý tim mạch thường xảy ra ở người có nhiều bệnh lý nền như cao huyết áp, đái tháo đường hoặc thói quen hút thuốc lá, sinh hoạt không điều độ… Tuy nhiên, lóc tách động mạch vành lại là trường hợp ngoại lệ.

Theo ThS.BS Nguyễn Đình Công: “Lóc tách động mạch vành thường xảy ra ở những người khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý tim mạch, đa số gặp phải ở đối tượng phụ nữ từ 20 - 50 tuổi, lại không có triệu chứng sớm nên khó phát hiện. Hầu hết các trường hợp chỉ phát hiện bệnh trong quá trình cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp với biểu hiện đau tức ngực, khó thở… đe dọa tính mạng. Vì vậy, mọi người nên chủ động thăm khám tim mạch định kỳ để phát hiện sớm bất thường dù chưa có triệu chứng lâm sàng. Đây là bệnh hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm, không được chủ quan.”

Siêu âm trong lòng mạch (IVUS – Intravascular UltraSound) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh bổ sung cho chụp động mạch vành, cho phép tái tạo thành mạch và lòng mạch theo không gian 3 chiều. Từ đó giúp bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và tiến hành can thiệp bệnh mạch vành hiệu quả hơn.

Siêu âm trong lòng mạch còn giúp đánh giá kết quả sau can thiệp và phát hiện các biến chứng như: lóc tách thành động mạch vành, huyết khối trong stent, tụ máu trong thành động mạch, vỡ động mạch vành,…

Trung tâm can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đã áp dụng thành công kỹ thuật IVUS cho nhiều ca can thiệp mạch vành, đặc biệt hiệu quả với những ca khó, tổn thương phức tạp hay trên bệnh nhân cao tuổi, người có nhiều bệnh nền nguy hiểm.
PV
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.