Cấp gần 7.000 mã số vùng trồng để xuất khẩu quả tươi
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, đơn vị này đã phối hợp với các nước nhập khẩu cấp 6.997 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu các loại quả tươi sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Năm 2023 là một năm thành công trong xuất khẩu trái cây, trong đó, điểm nổi bật là xuất khẩu sầu riêng với giá trị thu về cho loại trái cây này là 2 tỉ đô la Mỹ.
Cùng với đó, nhiều loại trái cây, nông sản của Việt Nam đã đến được những thị trường lớn nhờ đã đàm phán thành công để mở cửa thị trường Mỹ đối với dừa tươi xuất khẩu, ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhận chuyển giao việc giám sát các cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu thay cho việc phải mời chuyên gia nước ngoài.
Tính đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp tổng số 6.997 mã số vùng trồng; cấp 1.613 mã số cơ sở đóng gói cho hơn 20 loại sản phẩm (sầu riêng, chanh leo, bưởi, thạch đen, chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu…).
Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đẩy mạnh việc thiết lập vùng trồng đủ điều kiện, chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV và triển khai văn bản 1776/ BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, phát triển và quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Xác định được vai trò quan trọng trong phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói các sản phẩm xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã tích cực phối hợp với các địa phương phát triển, mở rộng số lượng và diện tích mã số vùng trồng cũng như số lượng cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu; đồng thời không được lơ là trong giám sát để vùng trồng và cơ sở đóng gói duy trì được các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Vì vậy, các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật được giao nhiệm vụ kiểm tra theo kế hoạch một số vùng trồng và cơ sở đóng gói tại 13 tỉnh, thành: Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai và Bình Thuận.
Cùng với việc phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói các sản phẩm xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật cũng thực hiện tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường cho các loại quả tươi; trong đó chú trọng các loại quả chủ lực và các thị trường trọng tâm.
Điển hình với Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật thống nhất với Cơ quan Kiểm dịch thực vật của Nhật Bản (MAFF) về yêu cầu nhập khẩu xoài và thanh long của Việt Nam sang Nhật Bản, sử dụng tem mới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản từ 01/8/2023; thống nhất với MAFF về phương án chuyển giao giám sát xử lý kiểm dịch thực vật các loại quả tươi của Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản kể từ tháng 4/2024.
Với thị trường Trung Quốc, đơn vị trao đổi thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để góp ý hoàn thiện bản dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt, quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối tươi) xuất sang thị trường này; đồng thời tiếp tục quá trình đàm phán đối với sản phẩm trái cây có múi và dược liệu.
Huyền My (t/h)Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.