Cấp phép thử nghiệm thương mại 5G cho Viettel và MobiFone
Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Cụ thể, tại Giấy phép số 458/GP-BTTTT ngày 21/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép Tập đoàn Viettel thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại thành phố Hà Nội, với quy mô không vượt quá 140 vị trí.
Viettel được sử dụng các đoạn băng tần 2.500-2.600MHz, 3.700-3.800MHz, 27.100-27.500MHz đã quy hoạch để thử nghiệm thương mại 5G. Giấy phép có giá trị đến hết ngày 30/6/2021.
Tại Giấy phép số 474/GP-BTTTT ngày 27/10/2020, Tổng Công ty MobiFone được thử nghiệm thương mại 5G tại thành phố Hồ Chí Minh với số lượng không quá 50 trạm BTS.
MobiFone được sử dụng băng tần 2.600MHz để triển khai thử nghiệm theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện. Giấy phép có giá trị đến hết ngày 30/6/2021.
Cả Viettel, MobiFone được phép thử nghiệm mạng viễn thông di động mặt đất có sử dụng băng tần số vô tuyến điện với công nghệ IMT 2020 theo tiêu chuẩn 3GPP phiên bản 15 và các phiên bản tiếp theo.
Trường hợp doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô thử nghiệm phải được sự chấp thuận của Bộ TT&TT. việc thử nghiệm phải chấp hành các quy định về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông, bảo đảm an toàn mạng, an toàn thông tin, hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp thử nghiệm sau khi giấy phép thử nghiệm lần đầu hết hiệu lực hoặc khi có yêu cầu từ Bộ TT&TT.
Trước đó, hồi tháng 3/2019, Mobifone đã công bố thử nghiệm thành công mạng 5G tại TP. HCM và các địa điểm đã được cấp phép theo giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong quá trình thử nghiệm, Mobifone đã làm việc với các nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ 5G lớn trên thế giới nhằm đánh giá toàn diện khả năng đáp ứng, chất lượng dịch vụ cũng như các vấn đề phát sinh khi triển khai mạng 5G trên diện rộng.
Kết quả thử nghiệm mạng 5G Mobifone thu được rất khả quan với trải nghiệm của người dùng, tốc độ dữ liệu tải xuống đạt xấp xỉ 2Gbps.
Trên nền tảng 5G, những dịch vụ ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao như Hologram - thực hiện cuộc gọi 3D qua mạng 5G, các trò chơi trực tuyến sử dụng băng thông siêu tốc độ như Cloud Gaming, ứng dụng tương tác thực tế ảo (AR, VR) giữa 2 người ở 2 vị trí khác nhau như thi đấu bóng bàn, bóng đá từ xa… đã được Mobifone thử nghiệm thành công với độ trễ siêu thấp (gần bằng 0), cho cảm nhận sinh động và trực tiếp như ngoài đời thực.
Với Viettel, hồi tháng 5/2019, nhà mạng này cùng Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) đã thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam; 8 tháng sau đó, Viettel chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Đến tháng 1/2020, Viettel đã thực hiện thành công cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm.
5G là viết tắt của Fifth Generation (Thế hệ thứ năm), tên của tiêu chuẩn tiếp theo trong giao tiếp di động sau tiêu chuẩn LTE (4G) hiện tại, nối tiếp UMTS (3G) và GSM (2G). Tốc độ của 5G nhanh gấp khoảng 10 lần so với 4G, cho phép kết nối nhiều thiết bị hơn với độ trễ thấp.
P. ThủyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.