Cấp thiết cải thiện môi trường kinh doanh thực chất và mạnh mẽ
Việc tăng tốc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Vì thế, hoạt động này phải được thực hiện thực chất, mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP về thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tổ chức mới đây.
Nhận định của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đưa ra dựa trên thực tế, cải cách môi trường kinh doanh hai năm gần đây có xu hướng chững lại, thậm chí nhiều dự thảo luật sửa đổi theo hướng siết chặt hơn.
Cụ thể, đại dịch COVID-19 và những ưu tiên cao độ cho chống dịch, bảo vệ sinh mạng người dân trong khoảng 2 năm qua đã phần nào làm chùng lại tiến độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Thậm chí, có sự đứt gãy nhất định của quá trình cải cách và xu thế cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Có một số biểu hiện kháng cự đã xuất hiện và làm chậm lại quá trình cải cách.
Đáng lo ngại hơn, tại Hội nghị, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhiều dự thảo quy phạm pháp luật sửa đổi từ thông tư, nghị định tới luật đang quay trở lại xu hướng chặt chẽ, ngặt nghèo với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Chẳng hạn như Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động các chính sách đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi) đề xuất điều kiện kinh doanh khắt khe với DN thẩm định giá; hay Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đang quay trở lại quy định điều kiện kinh doanh với việc áp đặt quy mô kho bãi đối với DN xuất khẩu gạo… Những quy định này nếu được ban hành có thể gây khó khăn, tạo gánh nặng chi phí, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của DN.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặt vấn đề sự chững lại là do có sự cải cách chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, khu vực. Nếu không vượt qua được thách thức này thì kết quả cải cách bị hạn chế bởi sự không đồng đều.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhất trí trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn, cần khơi dậy động lực, tạo áp lực cải cách và cần sự đồng hành của nhiều bên.
Theo các chuyên gia, có 3 lý do chính dẫn đến cần phải gia tốc cải cách môi trường kinh doanh. Thứ nhất là kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh luôn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong và sau đại dịch. Hai là, cộng đồng DN đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và đang rất cần môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Ba là, các nỗ lực tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh lúc này là rất đúng thời điểm để khẳng định sự chững lại vừa qua chỉ là bất khả kháng, tạm thời. Từ đó, các cải cách sẽ có tác động lớn đến phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hàng năm Nghị quyết số 02/NQ-CP vào đầu năm mới như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.
Theo đó, Nghị quyết sẽ lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025 như cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản với hoạt động đầu tư; Tạo lập khuyến khích, đổi mới sáng tạo...
Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
An MaiKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.