Câu chuyện khởi nghiệp của nhà sáng lập "đế chế" nội thất IKEA
IKEA khởi đầu là cửa hàng bán đồ gỗ lưu niệm, hiện đã phát triển trở thành thương hiệu nội thất hàng đầu thế giới với doanh thu 45,4 tỷ USD năm 2019.
Công ty này đang có hơn 430 cửa hàng tại 52 thị trường trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Á và Úc với hơn 200 nghìn nhân viên. IKEA gắn liền với cái tên Ingvar Kamprad, người đi lên từ một "cậu bé bán diêm" ngoài đời thực...
Câu chuyện khởi nghiệp của Ingvar Kamprad
Ingvar Kamprad sinh ra tại Kronobergs län, tỉnh Småland, Thụy Sĩ năm 1943, mất năm 2018. Ông là một trong những tỷ phú tự thân giàu có nhất thế giới, cũng chính là người sáng lập ra IKEA - tập đoàn sở hữu chuỗi cửa hàng nội thất lớn nhất thế giới với lịch sử hơn 70 năm.
Gia đình Kamprad có truyền thống kinh doanh. Ông nội của Ingvar Kamprad là người Đức di dân, sở hữu nông trường trồng cây gỗ lớn nhất trong vùng. Ông ngoại của Kamprad lại là thương gia giàu có, kinh doanh đất đai và nông trường. Có thể do chịu sự ảnh hưởng từ gia đình, mẹ của ông Kamprad cũng rất giỏi kinh doanh, bà cho khách du lịch thuê nông trường của gia đình vào mùa hè, thu về được một khoản không nhỏ.
Kamprad có thiên phú kinh doanh từ bé. Năm lên 5 tuổi, ông đã tự đi bán que diêm. Đến năm 7 tuổi, ông đạp xe đi mua diêm giá rẻ ở Stockholm về bán ở Kronoberg Ian. Suốt thời trung học, không chỉ diêm, ông còn bán cá, đồ trang trí dịp Giáng Sinh, hạt giống các loại, bút bi và bút chì…
Đến năm 17 tuổi, ông vay một ít tiền từ bố để khởi nghiệp công ty IKEA. Tên gọi IKEA được Kamprad đặt từ những chữ cái đầu tiên của tên ông (I và K) và chữ cái của trang trại gia đình (E trong Elmtaryd) và ngôi làng quê nhà (A trong Agunnaryd).
Ban đầu, IKEA đơn thuần là công ty tại nhà, giao hàng qua bưu điện, không có cửa hàng. IKEA bán bất cứ món hàng nào mà ông Kamprad nghĩ là có thể thu hút được khách hàng. Những thứ mà IKEA từng kinh doanh có bút chì, ví, khung hình, đồng hồ đeo tay, nữ trang, vớ ni lông v.v…
Năm 1950, ông Kamprad nảy ra ý tưởng về đồ nội thất có thể lắp ráp được. Sáng kiến này của ông Kamprad xuất phát từ kinh nghiệm ở trường trung học.
Khi theo học ở trường trung học kinh doanh Gothenburg, ông thường hay đi dạo các cửa hàng trong giờ giải lao, quan sát cách họ kinh doanh. Có một lần, ông nhìn thấy nhân viên trong một cửa hàng bán giày phải leo lên leo xuống để tìm giày có màu khác, bối rối đến nỗi toát cả mồ hôi. Ông cho rằng làm như vậy vừa mất sức vừa phí thời gian.
Chính từ việc này, ông bắt đầu nghĩ xem phải làm thế nào mới có thể vận chuyển được hàng cho khách một cách đơn giản và tiết kiệm nhất. Ông sắp xếp tất cả cửa hàng IKEA theo một cách: bày toàn bộ hàng hóa lên kệ để khách hàng tự chọn, đồ nội thất được đóng gói gọn lại để dễ vận chuyển, khi về nhà khách hàng chỉ cần tự lắp ráp theo hình là được. Ý tưởng ban đầu về đồ nội thất theo kiểu tự lắp ráp đã hình thành như vậy, đến nay đã được sử dụng hơn nửa thế kỷ.
Ingvar Kamprad
Năm 1951, ông Kamprad quyết định dừng việc bán những sản phẩm khác, tập trung sản xuất và kinh doanh đồ nội thất giá rẻ. Cùng năm đó, IKEA đã phát hành catalogue sản phẩm đầu tiên. Hai năm sau, ông mua lại cửa hàng gỗ Älmhult và biến nó thành phòng trưng bày đồ nội thất. Năm 1955 đã xuất hiện bao bì thô theo ý tưởng của nhà thiết kế Gillis Lundgren. Năm 1955, IKEA đã bắt đầu kinh doanh đồ nội thất tự thiết kế.
Năm 1958, ông Kamprad mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở thành phố Almhult gần đó, cửa hàng đồ nội thất rộng 6.700 m2 này trở thành cửa hàng trưng bày đồ nội thất lớn nhất Bắc Âu lúc bấy giờ của IKEA, cũng là mẫu chuỗi cửa hàng "kiểu kho" và đây chính là trụ sở của công ty IKEA.
Năm 1963, ông Kamprad mở cửa hàng bên ngoài Thụy Điển đầu tiên ở thủ đô Oslo của Na Uy. Từ đó, quy mô của IKEA luôn không ngừng mở rộng. Năm 1965, cửa hàng nội thất Kungens Kurva ở Stockholm đi vào hoạt động. Thiết kế của cửa hàng này được lấy cảm hứng từ bảo tàng Solomon R. Guggenheim ở New York.
Đề cao sự sáng tạo, cạnh tranh về giá
Tầm nhìn của Kamprad chính là động lực thúc đẩy thành công của IKEA. Công ty đã tuyển dụng và tổ chức đào tạo các nhà thiết kế của riêng mình. Kamprad tin rằng công ty tồn tại không chỉ để cải tiến, phát triển cuộc sống, mà phải hướng đến sự phát triển chính những con người ở đây.
Việc thiết kế cửa hàng theo nguyên tắc tự phục vụ và tính đa dụng, dễ kết hợp của các bộ phận đồ gỗ nội thất không hoàn toàn vì mục đích kiểm soát hay tiết kiệm chi phí, mà đó còn là cơ hội để nhân viên công ty thể hiện sự sáng tạo. Ý tưởng này lại được củng cố thêm trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm cũng như trong các cuốn catalog giới thiệu của IKEA.
Hơn bảy thập niên năm qua, IKEA đã chinh phục châu Âu, Bắc Mỹ, Úc. Giờ đây, nó đã có mặt ở Nga và Trung Quốc. Năm 2019, theo nhật báo The Age (Úc), có khoảng 400 triệu người tham quan các cửa hàng IKEA trên thế giới. Ngoài ra, có gần 10% người dân châu Âu đang ngủ trên những chiếc giường mang nhãn hiệu IKEA.
Triết lý kinh doanh của IKEA được xác định bằng một nguyên tắc vàng: bất cứ vấn đề gì cũng phải được nhìn nhận như một khả năng mới. Chính các vấn đề mang lại cho chúng ta những cơ hội bất ngờ.
Nói về cuộc đời kinh doanh, Kamprad chia sẻ: "Kinh doanh là công việc rất dễ chịu. Nhưng tôi còn thấy sung sướng hơn khi trong đầu xuất hiện những ý tưởng mới và sau đó thuyết phục được người khác rằng, chúng có thể thực hiện được. Điều này giúp tôi luôn tìm những khả năng mới và nghĩ xem cái gì có thể đem lại lợi nhuận".
Một trong những bí quyết thành công của IKEA là lấy giá cả làm tiêu chí và lập ra quy trình sản xuất hiệu quả nhất. Sau đó, khâu thiết kế sản phẩm mới và quy trình sản xuất của IKEA phải tìm cách thỏa mãn tiêu chí giá thấp này. Nói một cách khác, tại IKEA, giá cả quyết định sản phẩm chứ không phải ngược lại. Việc lập ra những quầy hàng tự phục vụ và việc lắp ráp dễ dàng các loại đồ gỗ của IKEA không chỉ nhằm giảm chi phí mà còn mang lại cho khách hàng tính tự lập.
Ông chủ Kamprad được biết đến là đại diện cho cuộc sống, sự sung túc với "giá cả phải chăng". Ông luôn sử dụng tàu điện ngầm để đi làm, còn khi ông lái xe thì đó là chiếc Volvo cũ kỹ. Mọi người còn đồn đại rằng, ông từ chối không uống soda với cái giá đắt đỏ ở trong quầy bar khách sạn, nơi ông đang ở, mà ra ngoài đi tìm cửa hàng gần nhất để mua. Thế nhưng ai cũng biết IKEA là công ty có truyền thống làm từ thiện, luôn tài trợ các hoạt động ở địa phương, cũng như ủng hộ cho quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức khác. Ứng Minh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão.