Câu lạc bộ Thơ Việt Nam 15 năm nhìn lại

Xã hội
11:45 AM 09/12/2020

Tiền thân của CLB Thơ Việt Nam là CLB Thơ Hương Ngoại Ô do nhà thơ Bằng Việt, khi đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT thành phố Hà Nội ký quyết định cho thành lập và ra mắt ngày 21/3/2001. Sau 5 năm hoạt động CLB Thơ Hương Ngoại Ô phát triển gần 1.000 hội viên, đã xuất bản 22 ấn phẩm và 2 tuyển tập thơ dày trên 1.000 trang do Nhà thơ Bằng Việt viết lời giới thiệu.

Câu lạc bộ Thơ Việt Nam 15 năm nhìn lại - Ảnh 1.

Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ V của Câu lạc bộ Thơ Việt Nam.

Lúc này, hội viên không chỉ trong phạm vi Hà Nội mà đã lan rộng ra các tỉnh, thành phố: Việt Trì, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang… do tình hình thực tế đòi hỏi, ý tưởng phải có CLB thơ toàn quốc đã hé lộ. Được sự ủng hộ của các chuyên viên thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa - Thông tin, nhất là sự nhiệt tình chu đáo của Nhạc sĩ - Nhà thơ Vũ Mão, lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nên một ban vận động đã được thành lập, chuẩn bị cho sự ra đời của Câu lạc bộ Thơ Việt Nam.

Ban vận động, ngoài những nhà văn, nhà thơ và những người yêu thơ còn có các nhà lãnh đạo luôn chú ý đến phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng như Nhạc sĩ - Nhà thơ Vũ Mão, Ủy viên Trung ương Đảng; ông Tô Tử Hạ Chuyên viên cao cấp, Phó trưởng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, Ủy viên kiêm Tổng Thư ký Ban chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ… Ban vận động do Nghệ sĩ – Nhà báo Bành Thông làm Trưởng ban.

Câu lạc bộ Thơ Việt Nam 15 năm nhìn lại - Ảnh 2.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn tặng hoa tại Liên hoan Trình diễn thơ toàn quốc lần thứ IV - năm 2019.

Khi đã được các cơ quan chức năng xét duyệt, ngày 17/6/2006 Ban vận động tổ chức công bố Quyết định cho phép thành lập Cậu lạc bộ Thơ Việt Nam. Các Quyết định đó là: Văn bản số 2189/BNV-TCPCP ngày 19/5/2006 của Bộ Nội vụ ghi nhận "Việc thành lập Câu lạc bộ Thơ Việt Nam là hình thức sinh hoạt văn hóa quần chúng của những người cầm bút sáng tác thơ và của những người yêu thơ ở Việt Nam là nhu cầu khách quan và phù hợp với thực tiễn ở nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập".

Văn bản số 2182/BVHTT-TCCB của Bộ Văn hóa - Thông tin ngày 29/5/2006 nêu rõ: "Bộ Văn hóa - Thông tin ủng hộ việc thành lập Câu lạc bộ Thơ Việt Nam. Câu lạc bộ Thơ Việt Nam là nơi tập hợp, tạo điều kiện cho những người yêu thơ có cơ hội giao lưu, học hỏi và sáng tác thơ nhằm nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Câu lạc bộ Thơ Việt Nam 15 năm nhìn lại - Ảnh 3.

Ban Chấp hành Câu lạc bộ Thơ Việt Nam tại Liên hoan Trình diễn Thơ Việt Nam - năm 2019.

Câu lạc bộ Thơ Việt Nam là tổ chức tự nguyện của những người yêu thơ và làm thơ, hoạt động theo nguyên tắc tự quản, trang trải kinh phí, do đó Câu lạc bộ Thơ Việt Nam có thể tự thành lập và hoạt động trên cơ sở phù hợp với chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa của Đảng và tuân thủ pháp luật của Nhà nước".

Văn bản số 3913/BVHTT-TCCB ngày 22/9/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin nhất trí để Câu lạc bộ Thơ Việt Nam tổ chức đại hội. Ngày 05/10/2006 Đại hội lần thứ nhất của Câu lạc bộ Thơ Việt Nam được tổ chức tại hội trường Ba Đình lịch sử, với hơn 1300 đại biểu và nhiều cán bộ của các Bộ, ban, ngành tỉnh, thành phố tham dự.

Thành công của đại hội là luồng gió khơi dậy nhiệt tình tham gia của những người yêu thơ cả nước. Câu lạc bộ Thơ Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Văn bản số 634/CV-BTGTW ngày 29/9/2007 của Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ "Câu lạc bộ Thơ Việt Nam là một tổ chức xã hội của những người yêu thơ, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật", được Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép thành lập. Để tạo điều kiện cho Câu lạc bộ hoạt động, giao lưu… Ban Tuyên giáo Trung ương đồng ý khắc dấu với dòng chữ "Câu lạc bộ Thơ Việt Nam".

Tiếp đó là Văn bản số 62/CV-VHCS của Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 15/3/2008 Cục Văn hóa cơ sở có ý kiến như sau: "Câu lạc bộ Thơ Việt Nam được thành lập ngày 17/6/2006 và đã đi vào hoạt động, được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, đến nay Câu lạc bộ đã có 3600 hội viên sinh hoạt tại 96 chi nhánh trên toàn quốc.

Câu lạc bộ Thơ Việt Nam 15 năm nhìn lại - Ảnh 4.

Để Câu lạc bộ Thơ Việt Nam hoạt động và phát triển, đáp ứng đông đảo công chúng yêu thơ trên cả nước, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Trung tâm Văn hóa thông tin các tỉnh, thành phố báo cáo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh Câu lạc bộ được sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa Thông tin, Nhà văn hóa trung tâm ở địa phương".

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chức năng, Câu lạc bộ Thơ Việt Nam đã từng bước đi lên, phát triển không ngừng. Đến đại hội đại biểu toàn quốc Câu lạc bộ Thơ Việt Nam lần thứ II nhiệm kỳ 2015 - 2020 ngày 06/10/2015 con số hội viên trong cả nước đã lên tới gần 9000 người.

Đến nay Câu lạc bộ Thơ Việt Nam đã xuất bản được 42 tập thơ Hương Đất Việt; 47 tập Người Yêu Thơ; 2 Tuyển tập thơ Hương Đất Việt; 2 Tập kỷ yếu Hội viên và tác phẩm… với hàng chục nghìn trang in và hàng vạn bài thơ trong cả nước gửi về.

Hàng năm Câu lạc bộ đều tổ chức ngày Hội thơ Lục bát vào tháng 8 âm lịch. Những năm gần đây Câu lạc bộ đã tổ chức định kỳ Liên hoan trình diễn thơ vào cuối tháng 10 dương lịch và tích cực tham gia Ngày Thơ Việt Nam.

Câu lạc bộ đã tổ chức được 9 lớp bồi dưỡng sáng tác thơ đặt địa điểm ở nhiều vùng miền trong cả nước. Tổ chức 9 cuộc thi sáng tác thơ mỗi cuộc thi đều thu hút được đông đảo các tác giả trong cả nước gửi hàng nghìn bài thơ về dự thi.

Bên cạnh hoạt động văn hóa nghệ thuật, hàng năm Câu lạc bộ đều có những hoạt động thiết thực, góp phần giảm thiểu những khó khăn của các đối tượng nghèo khó, bị thiên tai, lũ lụt… như tặng "Quỹ vì người nghèo" Quận 12, TP. Hồ Chí Minh 115 triệu đồng; tặng 3 ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo ở xã Chư Kbô, huyện Krông Buk (Đắk Lắk), xã Hoàng Cương, xã Ninh Dân (Phú Thọ); tặng 100 áo ấm cho người cao tuổi xã Ninh Dân, Phú Thọ; 60 suất quà cho học sinh vượt khó tỉnh Đắk Lắk; tặng quần áo giấy bút trị giá 10 triệu đồng cho học sinh Trường THCS xã Mai Hạ, huyện Mai Châu, Hòa Bình. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe các nhà thơ của Câu lạc bộ đã gửi tặng thuốc cho đồng bào vùng lũ lụt trị giá hàng trăm triệu đồng… Câu lạc bộ còn quyên góp sách tặng bộ đội Trường Sa; tặng Thư viện Quân chủng Phòng không, Không quân, thư viện Trường THPT Nguyễn Bính, Nam Định, thư viện huyện Mê Linh, Hà Nội…

Câu lạc bộ Thơ Việt Nam 15 năm nhìn lại - Ảnh 5.

Đặc biệt trong thời gian vừa qua, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đẩy lùi đại dịch Covid-19 Câu lạc bộ Thơ Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Nhân ái người cao tuổi Việt Nam tổ chức phát gạo miễn phí hỗ trợ cộng đồng phòng chống dịch Covid-19.

Với những đóng góp đáng kể ấy của CLB Thơ Việt Nam trong hơn 10 năm qua, ngày 15/6/2016 Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã ra Quyết định số 51/QĐ-HNV về việc bảo trợ, đỡ đầu chuyên môn đối với CLB Thơ Việt Nam. Quyết định nêu rõ: "Việc bảo trợ, đỡ đầu của Hội Nhà văn Việt Nam đối với các tầng lớp bạn đọc yêu thơ, thu hút đông đảo các cây bút ngoài Hội, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa tinh thần, tích cực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Để ghi nhận đóng góp phong phú đa dạng của CLB Thơ Việt Nam trong sự nghiệp xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật, sáng 28/10/2018 tại Trung tâm Văn hóa TP. Hà Nội, trước giờ khai mạc Liên hoan trình diễn Thơ toàn quốc lần thứ 3; Liên minh kỷ lục thế giới - Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng Xác lập Kỷ lục cho Câu lạc bộ Thơ Việt Nam là Câu lạc bộ Thơ có số lượng hội viên nhiều nhất Việt Nam.

Thời điểm được xác lập kỷ lục Câu lạc bộ Thơ Việt Nam có 12 nghìn hội viên, đến nay Câu lạc bộ đã có gần 14 nghìn hội viên. 15 năm nhìn lại, thành công của Câu lạc bộ Thơ Việt Nam thật đáng tự hào và vững tin đi tới Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2020 - 2025, dự kiến sẽ tiến hành vào cuối tháng 12/2020.

Tại các cuộc họp Ban Thường trực và Ban Thường vụ gần đây, Đại tá - Nghệ sĩ Trần Minh Hân - Chủ tịch đương nhiệm CLB Thơ Việt Nam đã nhấn mạnh: Cần tiếp tục thực hiện tốt phương hướng nhiệm vụ đã đặt ra, sao cho phù hợp với tình hình mới của đất nước. Phát huy thành công của các CLB tỉnh và huyện đã được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định theo tinh thần Nghị định 45/CP của Chính phủ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Trước tiên, CLB Thơ Việt Nam đề nghị các Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố, các Nhà văn hóa quận, huyện… tiếp nhận các CLB thơ đang sinh hoạt tại địa phương là thành viên của đơn vị, chịu sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Trung tâm Văn hóa và Nhà văn hóa để phục vụ kịp thời những nhiệm vụ của địa phương.

Ban Thường trực và Ban Thường vụ CLB Thơ Việt Nam yêu cầu các hội viên đang sinh hoạt của đơn vị trong toàn quốc phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, đoàn kết nhân ái, chia sẻ tình người, tình thơ, vì sự trường tồn của nền thi ca đất Việt.

CLB Thơ Việt Nam thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Văn hóa cơ sở; UBND các tỉnh và thành phố; UBND các quận huyện, thị, Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa nơi các CLB thơ cơ sở hoạt động để đi đúng hướng, đẩy mạnh phong trào sáng tác, mở rộng phong trào Liên hoan trình diễn thơ ca trong phạm vi cả nước.

Thiệt thực góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19, giữ vững biển đảo quê hương, góp phần bảo vệ toàn vẹn vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc Việt Nam, đồng thời lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội CLB Thơ Việt Nam lần thứ III và chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13.

Nhà giáo, Nhà thơ Bùi Đăng Sinh, Phó Chủ tịch Thường trực CLB Thơ Việt Nam
Ý kiến của bạn
Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng hơn 10% Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng hơn 10%

Theo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.