Câu lạc bộ trong trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Không chỉ giúp thỏa niềm đam mê, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, câu lạc bộ (CLB) trong trường học còn giúp học sinh hình thành năng lực, phẩm chất từ sớm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng trường học hạnh phúc.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Thanh Hóa nhiều trường tiểu học thành lập các câu lạc bộ nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho các em học sinh và được các em cũng như các bậc phụ huynh nhiệt liệt hưởng ứng.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Thanh Hóa) hiện đang duy trì rất tốt các CLB như: bóng rổ, cầu lông, bóng đá, cờ vua, võ thuật, zumba, mỹ thuật... Cô Ngô Việt Hưng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Qua việc tổ chức các CLB, nhà trường mong muốn tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em học sinh ngoài các giờ học chính khóa để các em thấy rằng mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Môi trường mở tại các CLB cũng là động lực để các em rèn thêm các kỹ năng, phấn đấu học tập và rèn luyện tốt hơn. Đồng thời đây cũng là giải pháp để nhà trường xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, gần gũi, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.
Các CLB trong trường học hoạt động theo quy định riêng, dưới sự định hướng của Ban giám hiệu và sự dẫn dắt trực tiếp của các giáo viên bộ môn. Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã có hơn 200 lượt học sinh đạt giải tại các cuộc thi quốc gia, quốc tế, như: Timo; Thách thức tài năng Toán học; Trạng nguyên toàn tài; Toán học không biên giới; Ý tưởng trẻ thơ; Cuộc thi vẽ tranh "Chiếc ô tô mơ ước"... do các hiệp hội, các hội tổ chức.
Xuất sắc vượt qua hơn 500.000 ý tưởng của các bạn nhỏ trên cả nước, mô hình "Máy chữa bệnh Alzheimers phục hồi trí nhớ" của nhóm học sinh: Hoàng Ngọc Bảo Long, Nguyễn Hoài Anh, Nguyễn Đức Quang lớp 2D, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi là một trong 4 ý tưởng đạt giải đặc biệt tại sân chơi "Ý tưởng trẻ thơ" do Công ty Honda Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc hồi tháng 2 vừa qua.
Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Mỹ thuật, đồng thời cũng là giáo viên trực tiếp hướng dẫn nhóm học sinh đạt giải sân chơi "Ý tưởng trẻ thơ" chia sẻ: CLB Mỹ thuật của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi hiện có 2 lớp với khoảng 70 học sinh tham gia. Các giờ học trong CLB Mỹ thuật không chỉ giúp thúc đẩy niềm đam mê Mỹ thuật của học sinh, giáo viên cũng có điều kiện phát hiện, bồi dưỡng những em học sinh có tố chất, năng khiếu, đồng thời, tham gia vào CLB các em còn được học kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm... giúp bổ trợ rất nhiều trong quá trình học tập các môn học khác cho học sinh.
Tham gia sinh hoạt trong CLB là cơ hội để mỗi em học sinh được hoàn thiện những kỹ năng và thể hiện mình trong tập thể. Theo nhiều thầy, cô giáo phụ trách CLB ở các nhà trường, nhiều em học sinh vốn rất rụt rè, nhút nhát nhưng sau một thời gian tham gia CLB, các em đã có kỹ năng ứng xử, giao tiếp, chủ động, tự tin thể hiện sở trường của bản thân.
Thầy Hà Văn Thương, giáo viên Thể dục Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP. Thanh Hóa), cho biết: CLB Võ thuật của trường hiện có 49 em học sinh thường xuyên luyện tập 2 buổi/tuần. Không chỉ giúp nâng cao thể chất, CLB còn là đội biểu diễn trong các dịp lễ, tết, các sự kiện quan trọng của nhà trường. Ở CLB Võ thuật, ngoài những kỹ năng cần có ở các môn thể theo, các em học sinh khi tham gia CLB còn được rèn kỹ năng ứng xử trong thi đấu, kỹ năng trợ giúp lẫn nhau... do thường xuyên thi đấu giao lưu, thi thăng cấp, thăng đai.
Cô Nguyễn Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám chia sẻ: Tham gia CLB các em học sinh có cơ hội và điều kiện để rèn kỹ năng phản biện vấn đề về kiến thức môn học. Đồng thời sáng tạo ra những phương pháp mới mà bản thân cảm thấy hiệu quả trong quá trình học tập. Vì thế, CLB ngoài rèn kỹ năng, còn là nơi phát hiện, chăm chút và bồi dưỡng những tài năng nhí. Là "hạt nhân" để nhà trường bồi dưỡng tham gia các cuộc thi giao lưu kiến thức, kỹ năng do ngành tổ chức.
Trường Tiểu học Điện Biên 2 cũng có các CLB diễn ra rất sôi nổi. Ngoài các CLB toán, tiếng Việt, tiếng Anh... nhà trường còn tổ chức các CLB như: bóng rổ, cầu lông, bóng đá, cờ vua, võ thuật, zumba, mỹ thuật... Cô Nguyễn Thị Thúy Hòa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi các CLB được thành lập, không khí học tập thi đua của cả cô và trò trong trường có sự khác biệt hẳn, thành tích học của các con cũng nhờ đó mà được cải thiện rõ rệt.
Sau giờ học chính khóa, các CLB được các thầy cô trong trường tận tình hướng dẫn, phụ huynh cũng phấn khởi vì con em mình vừa có môi trường để giao lưu giữa các bạn trong cùng khóa với nhau, nâng cao kỹ năng, kiến thức vừa rèn luyện thêm thể chất, giảm căng thẳng sau một ngày học tập mệt mài. Đây là một phương pháp cực kỳ hữu hiệu, tạo sự tương tác cao giữa cô, trò trong trường. Có thể nói, CLB trong trường học là một phần quan trọng trong chương trình phát triển toàn diện cho học sinh, tạo điều kiện để các em thực hành những điều đã học, phát triển tối đa khả năng của mỗi cá nhân.
Để các CLB trong trường học hoạt động hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên trực tiếp phụ trách thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... cũng là những yếu tố quan trọng cần được quan tâm, đầu tư. Ngoài ra, việc xây dựng đa dạng các hình thức sinh hoạt CLB gắn liền với chuyên môn theo từng chủ đề, chủ điểm nhằm phát huy năng lực của học sinh; sự chỉ đạo sát sao, định hướng hoạt động của ban giám hiệu; có đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời, nghiêm túc... cũng là những yếu tố quan trọng giúp các CLB trong trường học phát huy tối đa hiệu quả, trở thành hình thức sinh hoạt, học tập lý tưởng cho học sinh ngoài giờ học chính khóa.
Yến HoàngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.