Cầu Rạch Miễu 2 sẽ vắng đi một bóng hình thân thương
Trước khi có cầu Rạch Miễu, giai đoạn năm 2001- 2002, tôi là phóng viên hợp đồng của báo Đồng Khởi (tỉnh Bến Tre). Hồi đó, do được cơ quan bố trí ăn nghỉ tại tòa soạn ở 171 Nguyễn Đình Chiểu, thị xã Bến Tre (chưa trở thành Thành phố Bến Tre như ngày nay), tôi thường đi về nhà vào các ngày nghỉ và nhận thấy tỉnh Bến Tre gần như cách biệt với “thế giới bên ngoài”, bởi đây là vùng đất cù lao thuộc hệ thống sông Tiền.
Vào dịp mùa xuân 2009, khi cây cầu Rạch Miễu hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giúp Bến Tre không còn là tỉnh cù lao, giao thông cách trở, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Sự kiện này đánh dấu một công trình quy mô, cầu dây văng đầu tiên do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế rồi thi công. Cầu Rạch Miễu còn in đậm dấu ấn một vị lãnh đạo, sinh trưởng ở Bình Hòa (nay là Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) - Đó là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng.
Hướng về sự phát triển chung của cả nước, đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Vĩnh Trọng đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết những đại án "nổi đình nổi đám" thời đó, như vụ án Năm Cam, vụ Minh Phụng - EPCO, vụ Tân Trường Sanh, vụ Vũ Xuân Trường, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ PMU18, vụ tham ô tại Công ty Cho thuê tài chính II (hay còn gọi là vụ Vũ Quốc Hảo)...
Bên cạnh những bận rộn việc nước việc non phức tạp đó, ông cũng luôn quan tâm đến tình hình kinh tế- xã hội của đất nước, của quê nhà. Phát biểu tại buổi Lễ Khánh thành cầu Rạch Miễu, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã cam kết: "Ngoài cầu Rạch Miễu, từ nay đến cuối năm 2009, sẽ có thêm cầu Hàm Luông hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo ra hành lang phía đông Đồng bằng sông Cửu Long tương đối thông suốt, có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, an ninh-quốc phòng trong thời kỳ mới. Bến Tre cần tận dụng cơ hội này, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, đuổi kịp các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…" Và điều đó đã từng bước trở thành sự thật, tình hình kinh tế- xã hội ở Bến Tre và các tỉnh, thành trong khu vực đến nay đã phát triển vượt bậc.
Trước tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra với cầu Rạch Miễu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương xây cầu Rạch Miễu 2 vào năm 2020, theo đề xuất tỉnh này với Bộ Giao thông Vận tải vào năm 2017. Cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu. Cầu có tổng chiều dài tuyến khoảng 17,5 km, điểm đầu giao cắt quốc lộ 1 với đường tỉnh 870 (thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang), điểm cuối kết nối quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông (thuộc tỉnh Bến Tre).
Theo thiết kế, cầu Rạch Miễu 2 vượt luồng chính sông Tiền (khổ thông thuyền 110 x 37,5 m và 220 x 30 m), bề rộng cầu đáp ứng quy mô bốn làn xe cơ giới, trong đó dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng, đoạn vượt sông Mỹ Tho (khổ thông thuyền rộng 50 x 7 m), bề rộng đáp ứng quy mô bốn làn xe cơ giới, dự kiến nhịp chính bằng kết cấu dầm liên tục. Phần đường dẫn cầu (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến) được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, mặt cắt ngang đáp ứng quy mô bốn làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp…
Trong lần gặp lại nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, ông cho biết là sẽ gắng giữ sức khỏe để đến ngày khánh thành (dự kiến hoàn thành sau 5 năm thi công) được chứng kiến cầu Rạch Miễu 2 thông xe, vui cùng người dân các nơi đổ về… Nhưng vào ngày 19/2/2021, một cơn bạo bệnh đã đột ngột lấy mất đi vị lãnh đạo của người dân Bến Tre, cả nước nói chung. Cầu Rạch Miễu 2 rồi đây sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, nối liền giao thông toàn tuyến, nhưng sẽ thiếu đi bóng hình vị lãnh đạo, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đến dự lễ, cắt băng khánh thành... mà chúng ta hằng kính yêu.
Trương Vĩnh Anh DuyKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.