Cây nhang trong đời sống của người Á Đông
Thắp nhang trầm là một phần không thể thiếu trong những lễ hội truyền thống và các nghi lễ tôn giáo, tâm linh tại các nước phương Đông, nhất là trong những ngày lễ, Tết. Đối với người Việt, thắp một nén nhang không chỉ để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên mà còn là nếp sống văn hóa đã in sâu trong tâm thức mỗi gia đình.
Trong những ngày cuối năm, thị trường nhang tiêu thụ rất mạnh. Dường như nhà nào, cũng đều mua sắm các loại nhang thơm để cúng tổ tiên.
Cây nhang có nguồn gốc từ bán đảo Ả Rập, được các lái buôn người Hy Lạp mang sang bán tại các nước châu Á. Người bản xứ rất thích thú với loại bột hương tỏa ra mùi thơm rất lạ. Loại bột này lấy từ cây Boswellia Sacra, mọc rất nhiều ở bán đảo miền Nam Ả Rập. Nhờ có đặc tính ấy nên loại nhang này được đem dùng ở những nơi tôn nghiêm.
Bàn thờ tổ tiên ngày lễ, Tết
Vào đầu Công nguyên, nghề buôn nhang trở nên thịnh hành ở Ả Rập. Từ đó, nhang thơm được du nhập vào lục địa châu Á cùng với sự phát triển của đạo Phật. Cây nhang sau đó được sản xuất đại trà tại Ấn Độ và Trung Hoa. Sau này, người châu Á đã nghĩ đến việc tìm kiếm cho mình một loại hương riêng mà không phải phụ thuộc vào nguyên liệu bột hương của Ả Rập.
Cây nhang đã trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người châu Á, nén nhang được thắp lên khiến tâm hồn trở nên thanh tịnh, an yên.
Người Trung Hoa đốt nhang không chỉ để thờ cúng mà còn để biết thời khắc trong đêm tối gọi là "Đồng hồ nhang". Người Trung Hoa đốt mỗi đêm một khoanh nhang duy nhất, còn người Nhật Bản đốt mỗi đêm 12 cây, mỗi cây một loại hương khác nhau.
Đồng hồ nhang, thiết bị đo thời gian của Ấn Độ được phổ biến ở Trung Quốc vào thời nhà Tống (960-1279)
Ở Trung Hoa, nhang đốt thành từng "ôm" ở các đền chùa, khói xông nghi ngút, lan tỏa mù mịt. Ở Malaysia, người ta dùng nhang ít hơn các nước khác trong vùng. Những cây nhang của họ cao đến 5-6m, đường kính to bằng cây cột nhà. Cây nhang này đốt để dâng cúng thần "tài lộc".
Cây nhang của người Ấn Độ có mùi thơm nhẹ nhàng, thanh thoát dễ tập trung khi cầu nguyện. Là loại nhang có thể khử mùi hôi, diệt vi trùng, siêu vi trùng trong không khí. Đây là loại nhang họ dùng không những để dâng hương ban thờ, Phật, tổ tiên, ông bà và cúng lễ… mà loại nhang này còn giúp họ sảng khoái hơn, giảm stress, chống trầm cảm, cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng đau đầu.
Ở nước ta, làng nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được xem là làng nghề lâu đời nhất Thành phố Hồ Chí Minh với tuổi nghề gần 100 năm, luôn rực rỡ sắc đỏ vàng vào vụ Tết và còn là một trong những cơ sở sản xuất nhang lớn nhất khu vực Nam bộ. Trên tuyến đường Mai Bá Hương, sắc đỏ, vàng của nhang dọc hai bên đường xen lẫn vào nhau đã trở thành nét đặc trưng của làng nhang Lê Minh Xuân.
Những tăm nhang màu sắc rực rỡ được phơi dọc hai bên đường Mai Bá Hương.
"Làm ngày làm đêm" là cách mà nhiều người nói về các cơ sở sản xuất nhang ở xã Lê Minh Xuân khi vào vụ Tết. Tiếng máy làm nhang, tiếng cười nói… rộn ràng cả một làng nghề có tuổi đời trăm năm của TP.HCM. Những ngày sát Tết, mọi người càng cảm nhận rõ hơn "mùi Tết" đang đến gần khi cứ cách 2-3 căn nhà lại bắt gặp những sạp nhang vàng óng, thơm mùi trầm, quế đang rực rỡ phơi mình dưới nắng. Nhiều chủ xưởng tranh thủ làm từ lúc mặt trời chưa mọc đến tối mịt, những người làm thuê nhân dịp này cũng tăng ca kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Nhu cầu nhang tăng cao vào dịp Tết nên lượng nhân công ở các cơ sở sản xuất nhang cũng tăng lên, đặc biệt là ở các xưởng nhang lớn với cọng nhang làm bằng ruột tre, bột nhang làm bằng bột quả cây bồ lời và bột cam cưa, cho màu vàng bằng bột cây huỳnh đàn và hương cây trầm gió.
Vào cơ sở nhang Lê Minh Xuân mùa Tết, chúng ta có thể thấy không khí làm việc hăng say của những người làm nhang. Hầu hết, họ là người lớn tuổi, không thể làm công việc nặng nhọc nên tìm đến nghề này để có "đồng ra đồng vô", nhất là vào dịp cuối năm.
Còn ở miền Bắc, nghề làm nhang chính gốc phải kể đến làng hương Cao Thôn ở xã Bảo Khê (Hưng Yên), là làng nghề làm nhang lớn nhất cả nước vì đây là quê hương của bà tổ làm nghề nhang 200 tuổi.
Nằm cách Hà Nội chừng 40 km, làng hương Cao Thôn thuộc xã Bảo Khê, tỉnh Hưng Yên là một trong những làng nghề làm hương lớn nhất cả nước.
Nguyên liệu hương nhang là tổng hợp nhiều vị thuốc Bắc, thường từ 10-15 vị như mộc hương, đại hoàng, địa liên, nhục đầu, bạch chỉ, trầm hương. Tuy nhiên, giá trầm hương quá cao nên nhiều người thường lấy nhựa quả trám làm giả mùi hương trầm làm cho giá cả có phần giảm bớt.
Có những người làm nhang vì lợi nhuận mà bớt đi vài vị thuốc mà hương thơm cũng không thay đổi, khiến "thật - giả" lẫn lộn. Muốn phân biệt hương thật, giả chỉ có cách đốt nhang chứ mắt thường không sao phân biệt được. Trầm giả có mùi thơm hắc, không ngát, trong khi trầm thật có mùi thơm nhẹ nhàng. Chính vì vậy, khi pha chế hương thơm phải có nhiều kinh nghiệm. Mùi hương cũng có nhiều loại, từ hương thơm ngát, nồng nàn đến hương thơm ngọt dịu… Thậm chí, người ta còn dùng mùi hương để làm giảm các bệnh sổ mũi, đau đầu…
Sản phẩm của cây nhang cũng có nhiều loại và được gọi bằng nhiều tên khác nhau, chẳng hạn như nhang vuốt (Hải Phòng), nhang vòng, nhang sào, nhang nén… Cây nhang dùng trong gia đình là loại nhỏ, đường kính từ 4-5 ly, dài độ 4-5 tấc. Cây nhang loại lớn do người Hoa sản xuất tại chợ Lớn TP.HCM có chiều dài từ 1-2m. Ở các đình, chùa thường dùng nhang khoanh có đường kính đến 1m, có thể cháy trong vòng 10-15 ngày mới tàn.
Hoàng VânKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.