CBRE: Nguồn cung căn hộ TP.HCM sẽ tăng từ các dự án tái khởi động
Trong các tháng cuối năm 2024, ngoài dự án mới, TP.HCM dự kiến sẽ có thêm các dự án hoàn thiện pháp lý tái khởi động sau nhiều năm ngừng triển khai, củng cố niềm tin của người mua nhà và các nhà đầu tư.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2024 của CBRE Việt Nam, mặc dù nguồn cung mở bán chính thức thấp, nhưng “điểm sáng” thị trường TP.HCM trong quý IV/2024 có thể kể đến là thị trường có gần 300 căn hộ được chào bán lại từ các dự án đã tạm dừng bán hàng trong 1-2 năm gần đây tại TP. Thủ Đức, quận 7 và khoảng 2.700 căn hộ chưa mở bán chính thức đã bắt đầu nhận giữ chỗ, dự kiến mở bán trong thời gian sắp tới.
Ngoài tỷ lệ hấp thụ từ các sản phẩm tồn kho ngày càng khả quan, việc tái khởi động các dự án cũng là tín hiệu tốt cho thị trường đang khan hiếm nguồn cung và là kết quả của tiến độ tháo gỡ pháp lý các dự án BĐS tại TP.HCM kể từ khi số lượng dự án được cấp phép mới tại TP.HCM giảm mạnh từ năm 2019.
Các dự án tái khởi động trong quý này như D-Homme (quận 6), D-Aqua (quận 8) và Lavida Plus (quận 7). Ngoài ra, vào thời điểm cuối quý III, các dự án vướng mắc pháp lý trước đó như dự án Gem Riverside (Đất Xanh Homes Riverside) tại TP Thủ Đức hay dự án The Forest Gem (tên mới là Central Home Saigon) tại quận Bình Thạnh... đang chuẩn bị tái khởi động trong năm nay.
Về giá bán, tính đến quý IV/2024, giá bán sơ cấp chung cư tại TP.HCM đạt 66 triệu đồng/m2 diện tích thông thủy, tăng 4% theo quý và tăng gần 8% theo năm, phần lớn do các dự án cũ điều chỉnh tăng giá bán trong giai đoạn mở bán mới.
Thị trường thứ cấp tại TP.HCM trong quý này tiếp tục đà tăng nhẹ, tăng trung bình 3% theo quý và tăng 5% theo năm, đạt bình quân 48 triệu đồng/m2 thông thủy tại quý III. Hầu hết các phân khúc căn hộ đều ghi nhận tăng giá bán thứ cấp trong quý này, trong đó, phân khúc căn hộ hạng sang có tốc độ tăng giá chuyển nhượng theo năm nổi bật nhất với giá bán tại quý III có thể tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế TP.HCM đang trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu, do đó giá bán vẫn cao khiến những người có nhu cầu ở thực phải lưỡng lự. Trong khi đó, chủ đầu tư thực sự vẫn mong bán ra với giá tốt sau khoảng thời gian chờ đợi khâu pháp lý.
Khảo sát của CBRE cho thấy, ngay cả các dự án cũ sắp mở bán lại vẫn mong muốn đưa ra mức giá mới cao hơn tới 30% so với 2-5 năm trước. Thời gian qua, các chủ đầu tư mất nhiều thời gian và nguồn lực để tái khởi động dự án, thậm chí dự án sau khi được gỡ vướng khác biệt nhiều điểm so với trước, nên họ muốn thiết lập mặt bằng giá cao hơn.
Mặc dù điều chỉnh giá tăng nhưng các chủ đầu tư cũng tiếp tục áp dụng nhiều chính sách bán hàng như chiết khấu theo phương thức thanh toán, đa dạng tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi vay, cam kết cho thuê... Một số dự án đang trong giai đoạn nhận đặt chỗ có giá bán dự kiến cao cũng khiến người mua chuyển sang cân nhắc các dự án kề cận còn hàng sơ cấp đang bán có chất lượng tương đương nhưng giá bán thấp hơn và có thể sớm nhận nhà.
Minh An (t/h)Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.