CEO Alphanam Nguyễn Ngọc Mỹ nói về mác "sinh ra ở vạch đích": Về Việt Nam, tôi xuất phát còn kém sinh viên mới ra trường!
Nhìn lại hành trình những năm vừa qua, cô tóm gọn bằng việc bị mọi người gắn cho những cái mác. Nhưng Ngọc Mỹ cho rằng, điều quan trọng cuối cùng là bản thân vẫn phải làm được việc của mình, biết được mình là ai.
Nguyễn Ngọc Mỹ đi du học từ khi mới 14 tuổi, tốt nghiệp cử nhân kinh doanh tại Đại học Boston danh tiếng và từng xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia NBC, Hoa Kỳ.
Năm 2017, cô lại có tên trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Forbes Việt Nam, cũng là người trẻ nhất trong danh sách này. Cuối năm 2018, nữ giám đốc 9X tiếp tục được tạp chí Timeout vinh danh là 1 trong 10 người có tầm ảnh hưởng đến ngành du lịch Việt Nam. Năm 2021, cô là người trẻ nhất nhận cup Bông Hồng vàng.
Hiện Nguyễn Ngọc Mỹ được đánh giá là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ doanh nhân F2. Con gái của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các công ty của Alphanam Group, như Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Alphanam, thành viên HĐQT Alphanam Group.
Tuy nhiên, con đường của Nguyễn Ngọc Mỹ không trải đầy hoa hồng như công chúng thường nghĩ.
"Lộ trình phát triển cá nhân của bất cứ ai cũng trải qua rất nhiều giai đoạn và có lẽ cũng tương đương nhau thôi. Tôi không nghĩ mình là cá nhân nào quá đặc biệt, khác biệt so với mọi người vì ai trong chúng ta cũng đang cố gắng hiểu mình là ai", Nguyễn Ngọc Mỹ chia sẻ tại talkshow gặp gỡ tác giả sách Đỗ Thuỳ Dương.
Ở vị trí của bản thân, ái nữ nhà Alphanam hiểu rằng nhiều người muốn đặt cho cô một cái mác nào đó, kể cả là chức vụ.
"Hành trình của tôi không phải đi tìm chính mình mà phải luôn luôn biết được mình là ai. Cứ lúc nào đi chệch hướng thì mình phải làm tất cả mọi thứ để tìm lại. Mỗi người có thể có nhiều tên, mác khác nhau, danh xưng, chức vụ khác nhau nhưng giá trị mình đem lại cần phải đồng đều, kiên định ở tất cả những vị trí đó", Nguyễn Ngọc Mỹ bày tỏ.
Cô bồi hồi nhớ lại thời điểm mới về nước và gặp tác giả Đỗ Thuỳ Dương.
"Tôi đến với chị Dương và tâm sự rằng tiếng Việt của tôi yếu quá, không đủ tự tin để chia sẻ, không thể kết nối với những người xung quanh. Có những buổi họp tôi cảm thấy bất lực vì không biết kết nối, chia sẻ, không biết diễn giải những ý tưởng trong đầu. Đó là thời điểm xuất phát của tôi khi về Việt Nam.
Chức vụ chỉ là một phần. Nhưng xuất phát của tôi có lẽ còn yếu kém hơn rất nhiều bạn mới ra trường ở Việt Nam, vì mình còn không có cả tiếng Việt, không nói được điều mình nghĩ. Hành trình mấy năm đầu là để đi tìm lại tiếng Việt cho mình.
Rồi hồi đó Việt Nam còn chưa có những từ như "bình đẳng giới", "nữ quyền". Nhiều lúc rất muốn chia sẻ với bố chủ đề này, vì rất thân với bố mẹ, nhưng chưa có từ để diễn giải.
Quá trình tôi làm Quỹ học bổng Vietseeds cũng vậy. Thật ra lúc mọi thứ lên báo rồi thì bố mẹ tôi mới biết. Mọi người nghĩ tại sao lại tốn thời gian vậy, phải tập trung kiếm tiền trước rồi mới đi cho.
Nhưng tôi nghĩ là tiền chỉ là một yếu tố rất nhỏ. Cái tôi cho được xã hội không chỉ là tiền mà còn là thời gian, trí tuệ, sự đồng cảm của bản thân với các bạn sinh viên".
Nhìn lại hành trình những năm vừa qua, cô tóm gọn bằng việc "bị mọi người gắn cho những cái mác". Nhưng Ngọc Mỹ cho rằng, điều quan trọng cuối cùng là bản thân vẫn phải làm được việc của mình, biết được mình là ai. Trong mỗi cuộc gặp gỡ, không được để những cái mác, những danh xưng ảnh hưởng đến việc bản thân đang là ai trước mặt mọi người.
"Câu chuyện tìm được mình là ai, để đem được những giá trị thật nhất với người đối diện là vô cùng quan trọng. Chỉ có những gì đến từ trái tim mới kết nối được với trái tim.
Chưa hết, câu hỏi là "Mình là ai" là câu hỏi không tuổi. Tại sao chúng ta cứ lạm dụng từ "người trẻ". Thế nào là trẻ? Ngày hôm nay là ngày chúng ta trẻ nhất. Chúng ta đừng đợi để hỏi câu hỏi "Mình là ai" và cũng đừng đợi đến một độ tuổi nào đó để trả lời. Hãy hỏi hằng ngày, ở độ tuổi nào đều cần nhìn lại mình là ai", Nguyễn Ngọc Mỹ nhắn nhủ.
Hoàng ThuỳViệt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí và có các động lực để trở thành một nền kinh tế "con hổ" khu vực châu Á. Nhưng để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.