CEO Asus Việt Nam: Trong giai đoạn này, laptop chính là "hàng thiết yếu"
Ông Eric Lee từng trải qua 5 năm làm việc tại Asus Đài Loan với nhiều vị trí quan trọng khác nhau. Trong những năm đầu tiên đảm nhận việc điều hành kinh doanh Asus Việt Nam, ông đã giúp công ty này tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện tại, Asus đã trở thành một trong những thương hiệu máy tính xách tay có doanh số tốt nhất ở thị trường Việt Nam.
Dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 đã khiến nhu cầu học tập, làm việc tại nhà duy trì ở mức cao. Từ đó, đưa thị trường máy tính xách tay tăng trưởng mạnh mẽ. Theo công ty nghiên cứu thị trường GfK, tổng kết 5 tháng đầu năm 2021 laptop gaming đạt mức tăng trưởng đột biến tăng 217%, tức gần gấp 3 lần so với 5 tháng cùng kỳ năm 2020), chiếm đến 20% trong doanh thu của laptop chung.
Các hệ thống bán lẻ lớn cũng ghi nhận kết quả khả quan của ngành hàng laptop. Theo đó, MWG công bố doanh thu sản phẩm smartphone, laptop, điện lạnh và gia dụng tháng 6 tăng trưởng 21% so với cùng kỳ. Trong khi đó, FPT Shop cho biết doanh thu laptop trong 6 tháng đầu năm 2021 của hệ thống này đạt 1.329 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2020.
Là một trong những cái tên nổi bật trong ngành, đại diện Asus cho rằng laptop đang là sản phẩm thiết yếu. Việc chuyển đổi số khiến các công ty hướng đến phương thức làm việc từ xa, linh động, sử dụng điện toán đám mây nhiều hơn. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến người dùng chuyển sang trạng thái hội họp, kết nối, học tập hoàn toàn online.
Được biết ông đã có một thời gian làm việc ở Đài Loan trước khi đảm nhận vị trí lãnh đạo tại Asus Việt Nam. Theo ông sự giống và khác nhau của 2 thị trường này là gì?
Đài Loan là thị trường quê nhà, nơi Asus đã có hơn 30 năm hình thành và phát triển, tạo được vị trí bền vững. Bên cạnh đó, Đài Loan được xem như "thung lũng Silicon Châu Á" với nền công nghiệp công nghệ cao phát triển không ngừng nghỉ, là cái nôi của của các sản phẩm công nghệ mới cho nội địa, khu vực và thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam là thị trường đang nổi với sự góp mặt của Asus từ 2007. Tốc độ phát triển nhanh đáng kinh ngạc và còn nhiều tiềm năng. Việt Nam có ưu thế dân số trẻ, luôn háo hức tiếp cận với những điểm mới về công nghệ và không ngại thử nghiệm.
Chỉ trong vòng 5 năm, từ việc cơ sở hạ tầng viễn thông chỉ ở mức 3G, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các nền tảng viễn thông cao hơn như LTE, 4G và nay đã là 5G. Điều này tạo nền tảng quan trọng cho tốc độ kết nối, khai thác các sản phẩm công nghệ phần cứng, phần mềm, ứng dụng, hệ sinh thái mới với hàng loạt những điểm sáng như mua sắm online, giáo dục online, thanh toán điện tử, nội dung giải trí số.
Thử thách đối với tôi trong giai đoạn đầu tiếp quản Asus Việt Nam đó là việc tìm hiểu về thị trường, văn hóa làm việc của các đối tác bản địa và cập nhật xu hướng chuyển dịch kinh doanh trong ngành máy tính.
Những năm đầu khi tôi làm việc tại đây, thị trường kinh doanh máy tính trải rộng và dàn đều sức ảnh hưởng cho các IT shop tại khắp các tỉnh thành. Sau đó, thị trường chuyển dịch sang chuỗi bán lẻ lớn. Gần đây, khi thương mại điện tử lên ngôi, cộng với ảnh hưởng của Covid-19, người dùng Việt Nam đã bắt đầu làm quen hình thức mua sắm máy tính trên website hoặc các gian hàng thương mại điện tử uy tín.
Với Asus, chúng tôi phải học cách thay đổi tiếp cận hỗ trợ và xúc tiến kinh doanh cho các đối tác bán lẻ truyền thống, khuyến khích chuyển dịch online. Ngoài ra, Asus còn cộng tác chặt chẽ với các chuỗi bán lẻ lớn để gia tăng trải nghiệm online cho người dùng.
Có ý kiến cho rằng ngành laptop đang bão hòa như smartphone. Ông đánh giá như thế nào với nhận định này?
Mỗi ngành sẽ có một giai đoạn chiếm ưu thế nhất định. Tôi nghĩ hầu hết sẽ trải qua giai đoạn đỉnh cao và sau đó dần đi vào đồ thị ngang. Nếu nhà sản xuất bứt phá, đưa được vào sản phẩm các tính năng, công nghệ cập nhật xu hướng, thì sẽ duy trì được nhu cầu, còn không sẽ bị đào thải và được thay thế bởi các hình thái sản phẩm khác.
Ngành laptop đã bước qua giai đoạn phát triển với đồ thị trục đứng vũ bão. Tuy nhiên, tôi tin rằng nhu cầu máy tính luôn hiện diện bởi đây là thiết bị phục vụ hữu hiệu cho công việc, học tập, sáng tạo nội dung. Hiện tại, vẫn chưa có công cụ nào có thể thay thế đắc lực hơn laptop.
Sự thay đổi rõ nét mà chúng ta có thể thấy ở thị trường laptop đó là người mua từ việc chọn lựa dựa vào cấu hình, đến nay có xu hướng chọn lựa theo phân khúc, nhu cầu thực tế công việc và trải nghiệm. Vì thế, trên thị trường có nhiều mẫu laptop hướng đến doanh nhân, laptop gaming, laptop sáng tạo nội dung, laptop mỏng nhẹ pin lâu, laptop có màn hình tốt để giải trí, laptop xoay gập phong cách.
Covid-19 đã đặt chúng ta bước vào một xu hướng mới cho làm việc, học tập, sáng tạo linh động ở mọi nơi. Từ đó giúp các thiết bị công nghệ như máy tính cũng trở thành điểm sáng trở lại của thị trường.
Trong năm 2019, tổng dung lượng thị trường máy tính xách tay tại Việt Nam tăng gần 8% so với năm 2018. Năm 2020, dù cả thế giới đứng trước khủng hoảng dịch bệnh, toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng đứt gãy nghiêm trọng, tổng sản lượng máy tính bán ra thị trường vẫn cao hơn so với năm 2018. Đặc biệt tại Việt Nam, quý I/ 2020 lượng hàng nhập về Việt Nam của Asus cao hơn 130% so với cùng kỳ năm 2019, quý II/2020 thậm chí đạt đến 200% lượng hàng nhập vào so với quý II/2019.
Năm 2021, cơn sốt máy tính xách tay vẫn đang tiếp tục, các nhà sản xuất và cung cấp như Asus đang nỗ lực để đáp ứng thị trường một cách tốt nhất.
Những tính năng, xu hướng công nghệ mới nào sẽ xuất hiện trên các mẫu laptop trong thời gian tới, thưa ông?
Tùy vào đối tượng khách hàng, chiếc máy tính sẽ được trang bị các bộ công cụ và công nghệ phù hợp để tối ưu trải nghiệm mục đích sử dụng. Với dải sản phẩm máy tính ROG cho game thủ, chúng tôi cải tiến tần số quét màn hình, hệ thống tản nhiệt và hệ sinh thái đặc thù gaming.
Với dòng laptop văn phòng, chúng tôi mong muốn tạo ra một xu hướng làm việc linh hoạt, mô hình lai (hybrid) không giới hạn không gian. Ưu điểm laptop này là siêu mỏng nhẹ, thời lượng pin dài, độ sáng màn hình tối ưu, có thể xoay gập linh hoạt để trình chiếu, chia sẻ, khả năng kết nối không dây liền lạc đồng thời bảo mật thông tin ở mức độ cao hơn.
Với Gen Z, một thế hệ sáng tạo nội dung và là những "công dân số" thứ thiệt. Do đó dải sản phẩm laptop cho họ cần đảm bảo các thông số cấu hình, đồ họa, màn hình tốt để khuyến khích tạo nội dung, kiến tạo nền văn hóa mới.
Đồng thời, chúng tôi sẽ sử dụng tấm nền OLED để trang bị lên nhiều mẫu laptop mới giúp nâng cao chất lượng và khả năng hiển thị.
Trong những năm gần đây, nhiều hãng đang tập trung phát triển laptop gaming. Ông nhận định như thế nào về tiềm năng của mảng này?
Laptop gaming phát triển bởi sự bùng nổ của thể thao điện tử (eSports). Hàng loạt các nhà sản xuất liên tục nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm mới hấp dẫn hơn cho game thủ, trong đó có Asus. Tỷ trọng của thị trường laptop gaming gần đây tăng đều từ 20-30% mỗi năm, cho thấy được tiềm năng đáng kể.
Laptop gaming ngoài cấu hình mạnh, đồ họa cao, còn có thêm yêu cầu về tản nhiệt, các phần mềm và hệ sinh thái hỗ trợ game thủ.
Covid 19 đã làm thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ của người dùng như thế nào, thưa ông?
Có thể nói rằng, với chất xúc tác là quá trình chuyển đổi số cùng đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường laptop có những chuyển biến đáng kể.
Về thiết bị, nếu như trước đây chiếc điện thoại chiếm nhiều thời gian nhất của người dùng, thì hiện nay, laptop đã trở thành một sản phẩm "thiết yếu" hơn. Chuyển đổi số khiến các công ty hướng đến lối làm việc từ xa, linh động, sử dụng điện toán đám mây nhiều hơn. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến người dùng chuyển sang trạng thái hội họp, kết nối, học tập hoàn toàn online.
Về ứng dụng và nền tảng công nghệ, chúng ta nhìn thấy thương mại điện tử bùng nổ vài năm gần đây. Hiện tại, nó thực sự là "cứu cánh" cho nền kinh tế, hàng loạt các đơn vị, cá nhân kinh doanh, người mua sắm trong giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, các ứng dụng đặt hàng, thanh toán bằng ví điện tử, vận chuyển hàng hóa bằng app thực sự lên ngôi.
Việc học cũng bước vào một giai đoạn mới, bên cạnh giảng đường online, lớp học online thì các phần mềm tự học, các khóa học online hay thư viện online trở thành nơi thu hút giới học sinh, sinh viên. Thay vì hạn chế thời gian sử dụng máy tính, giờ phụ huynh phải trang bị cho con cái các thiết bị công nghệ cần thiết để "đến lớp tại nhà" mỗi ngày.
Với bản thân ông và Asus, dịch Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng như thế nào?
Covid-19 đã khiến hầu hết các kế hoạch trở nên khó dự đoán và cần khả năng ứng biến cao. Không nằm ngoài vòng ảnh hưởng, Asus cũng đối diện một vài thách thức về chuỗi cung ứng, hàng hóa, lưu thông, truyền thông trong giai đoạn Covid-19.
Phương thức kinh doanh trước Covid-19 của Asus hướng đến việc tương tác trực tiếp với người dùng. Tuy nhiên hiện nay công ty đã thay đổi chiến lược, tuân thủ các quyết định từ chính phủ.
Thay vì tập trung phụ thuộc vào các chuỗi bán lẻ với tỷ lệ 60% như lúc trước. Chúng tôi đã chuyển thành tỷ lệ 80% cho thương mại điện tử. Theo đó, người dùng có thể mua hàng trực tuyến thông qua các trang thương mại điện tử hoặc website của nhà bán lẻ. Tuy nhiên, khi quy định hạn chế vận chuyển hàng không thiết yếu được áp dụng, chúng tôi cũng tuân thủ tuyệt đối. Các sự kiện của Asus cũng đã chuyển sang hình thức trực tuyến, livestream theo các chủ đề talkshow để dễ tiếp cận người dùng hơn.
Chúng tôi cũng làm việc chi tiết hơn với nhà máy để đảm bảo số lượng sản phẩm đầy đủ nhất có thể để khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhà bán lẻ đã có đủ hàng hóa để đón đầu những mùa laptop sôi động vào 2 quý cuối năm.
Tôi hi vọng tình hình sẽ dần ổn định khi vaccine được phổ biến rộng khắp. Trong vài tháng tới chúng ta có thể khôi phục nhịp sinh hoạt và kinh doanh tại Việt Nam.
Sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong khoảng thời gian dài, ông có thể chia sẻ về những thứ mình thích khám phá như địa điểm du lịch, món ăn Việt?
Con người Việt Nam đã để lại ấn tượng với tôi bởi sự thân thiện, thông minh, chăm chỉ làm việc nhưng cũng rất biết cách tận hưởng cuộc sống. Trong 6 năm ở Việt Nam, tôi cũng tranh thủ khám phá khá nhiều địa điểm, cảm nhận sự đa dạng của cảnh quanh từ vùng núi của Sapa, không khí đặc biệt của Đà Lạt và cực kỳ thích những bãi biển ở khu vực Nha Trang, Phú Quốc, Phan Rang. Khí hậu ở TP.HCM cũng rất phù hợp với tôi.
Tôi có mời gia đình của mình đến Việt Nam 2 lần, lần đầu là vào năm 2017 và lần thứ 2 là đám cưới của tôi ở TP.HCM. Gia đình tôi cũng rất yêu thích thành phố này. Tôi mong dịch Covid-19 sớm qua để có thể mời họ quay lại nơi đây.
Môn thể thao yêu thích của ông là gì?
Môn thể thao đam mê nhất của tôi là lướt sóng. Đây cũng có thể coi là một môn thể thao mạo hiểm. Tôi bắt đầu chơi môn này 12 năm trước. Với tôi, lướt sóng chính là tìm lại cảm giác tự do, ở trên làn nước và chờ đợi bắt lấy những cơn sóng đang đến. Khi đã bắt được sóng, bạn sẽ có cảm giác đang bay trên đỉnh của những ngọn sóng. Đó là một cảm xúc rất tuyệt. Thêm vào nữa, tôi cũng thích mình có làn da nâu khỏe khoắn.
Lịch trình thường ngày của ông trong những ngày giãn cách?
Tôi vẫn giữ lịch trình làm việc của mình giống như khi làm việc tại văn phòng. Vẫn thức dậy sớm hơn, mỗi ngày dành 40 phút để tập luyện thể thao, sau đó là thay trang phục công sở để tạo tinh thần làm việc. Sau giờ làm tôi sẽ thay ngay trang phục ở nhà. Điều này khá hữu ích để giúp tôi giữ được sức khỏe và là liệu pháp tâm lý để trí óc nhận biết khi nào thì mình cần nghỉ ngơi.
Tôi nghĩ rằng xu hướng làm việc từ xa cũng giúp con người định hình lại công việc họ tốt hơn. Khi làm việc trong văn phòng, mọi người thường có cảm giác cứ ở trong văn phòng đồng nghĩa với mình đang làm việc. Nhưng thực tế là ngồi yên trong văn phòng đôi khi không mang lại hiệu suất công việc thật sự.
Khi làm việc ở nhà, không có ai giám sát, chúng ta phải suy nghĩ rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình với công ty và sắp xếp thời gian để tạo ra hiệu suất công việc thực sự. Việc check in/check out thật sự chỉ là về hình thức, cách thức duy nhất để nâng cao giá trị chỉ là hiệu suất thật sự mà chúng ta mang lại.
Điều ông muốn làm nhất hiện tại là gì?
Tôi có sở thích là đi khám phá những điều thú vị, đặc biệt ở TP.HCM cùng với vợ của mình. Nhưng suốt thời gian ảnh hưởng của Covid-19, điều này là không thể. Thay vào đó, chúng tôi dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm ra cách nấu những món ăn mới. Một số món ăn thì thành công còn một số món thì thất bại thảm hại. Tuy nhiên, trong những lần thất bại này đều chứa những kỷ niệm đáng nhớ cùng nhau.
Tôi mong sao dịch Covid-19 sớm được kiểm soát và chúng ta đều nhanh chóng trở về cuộc sống bình thường trước đây. Tôi đã không gặp gia đình của mình ở Đài Loan hơn một năm rưỡi rồi và rất nhớ họ.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.