CEO Group: Thoái vốn, thế chấp loạt dự án bất động sản?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
12:16 PM 11/01/2021

Động thái rút vốn khỏi Công ty Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ và thế chấp nhiều dự án bất động sản của CEO Group khiến nhà đầu tư nghi vấn hoạt động tài chính có vấn đề.

CEO Group từ bỏ dự án Dự án Riverine Cần Thơ City có quy mô 2.655 tỷ đồng?

Ngày 24/12, HĐQT của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group, Mã CK: CEO) thông báo về việc chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ (chủ đầu tư khu đô thị mới Nam Cần Thơ) tương đương 99% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Thời gian chuyển nhượng trước ngày 28/2/2021.

Công ty Nam Cần Thơ được thành lập ngày 19/7/2018, có trụ sở tại khu đô thị mới Hưng Phú, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

photo-1610331106239

Phối cảnh dự án Khu đô thị mới Nam Cần Thơ. (Ảnh: CEO Group).

Việc CEO Group dự kiến sẽ thoái vốn khỏi Công ty Nam Cần Thơ cũng khiến nhiều người quan tâm đến dự án đặt câu hỏi, liệu có phải doanh nghiệp này sẽ từ bỏ dự án có quy mô 2.655 tỷ đồng này?

Trên website của CEO Group, Riverine Cần Thơ City được giới thiệu có vị trí nằm bên dòng sông Hậu, bao gồm các sản phẩm khách sạn, Resort, Shophouse, Biệt thự, Liền kề, Nhà ở xã hội, tòa nhà hỗn hợp… Riverine Cần Thơ City không chỉ là khu đô thị hiện đại mà còn phát triển trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo CEO Group cũng từng kỳ vọng, dự án này sẽ đem lại nguồn thu nhập lớn cho tập đoàn cùng với đó là việc gây dựng hình ảnh tại TP. Cần Thơ.

Phía CEO Group không nêu rõ nguyên nhân rút vốn khỏi Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ, nhưng giới đầu tư đồn rằng do doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về tài chính trong vài năm trở lại đây.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 3/2020, CEO Group lỗ gần 103 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 435 tỷ đồng. Doanh nghiệp ghi nhận 682 tỷ đồng doanh thu, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 3.166 tỷ đồng.

Đồng thời, ngày 8/9/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa cổ phiếu CEO của doanh nghiệp này vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Lý do vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2020 trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2020 là số âm.

photo-1610331107710

Dự án Sonasea Nha Trang hiện vẫn chưa triển khai, bốn bề vây tôn.

Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của CEO Group giảm 6% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận gần 7.543 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 16% so với hồi đầu năm, ghi nhận gần 170 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,3% tổng tài sản. Khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng lên 1.057 tỷ đồng. Nợ phải trả của CEO Group đạt gần 3.999 tỷ đồng, chiếm tới 53% tổng tài sản và chiếm 113% vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng năm 2020 của CEO Group giảm mạnh 92% so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn 111,8 tỷ đồng. Ngoài ra, vay và nợ thuê tài chính của CEO Group cũng ghi nhận gần 2.280 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của CEO Group là BIDV với hơn 1.385 tỷ đồng.

Qua số liệu trên có thể ghi nhận, tình hình tài chính của CEO Group không mấy "sáng sủa", lợi nhuận sụt giảm trong khi vay nợ vẫn ở mức cao.

"Sa lầy" tại nhiều dự án khủng

CEO Group kỳ vọng đưa dự án Sonasea Nha Trang rộng 7,9 ha trở thành điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu nhưng đến nay dự án vẫn là bãi đất cát hoang hóa, bốn bề vây tôn.

Trên website của Tập đoàn CEO giới thiệu Sonasea Nha Trang sẽ gồm các biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, căn hộ condotel tiêu chuẩn 5 sao và nhà phố thương mại. Với chuỗi các công trình tiện ích đa dạng như bể bơi, công viên giải trí, nhà hàng, Pool bar… với kì vọng biến nơi đây thành điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu, quản lí bởi Accor (Pháp), Best Western (Mỹ)…

Tuy nhiên theo Ban Quản lí Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, đến nay nhà đầu tư mới hoàn thành xây dựng nhà điều hành ban quản lí và đang triển khai san nền dự án với tổng giá trị đã thực hiện khoảng 30 tỷ đồng. 

Ngoài ra, CEO Group dường như cũng để vuột khỏi tay khu đất vàng D27 Cầu Giấy (TP. Hà Nội) khi được UBND TP. Hà Nội giao cho nhiều năm nhưng không triển khai thực hiện.

photo-1610331108333

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2020

Theo dự kiến ban đầu của CEO Group, khu đất này sẽ được làm dự án Seven Star, khởi công trong tháng 12/2010 và hoàn thành trong quý IV 2013. Nhưng bao năm qua, khu đất đó vẫn là bãi trống.

Nhưng trên kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của quận Cầu Giấy, trên lô đất D27 chỉ thấy giới thiệu hai dự án xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở với diện tích khoảng 0,8ha.

Tại báo cáo tài chính Quý 3/2020, tính đến 30/9/2020, hàng tồn kho ở mức gần 795 tỷ đồng. Các công trình xây dựng cơ bản dở dang đang có số dư lớn nhất chính là dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City (hơn 1.893 tỷ đồng), tiếp theo là chi phí xây dựng nhà tiện ích tại Dự án Sonasea Villas& Resort 2 (hơn 124 tỷ đồng). Kết thúc 9 tháng qua, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 20% so với hồi đầu năm, ghi nhận 2.094 tỷ đồng.

photo-1610331108929

Sonasea Vân Đồn Harbor City là một trong những dự án trọng điểm của CEO Group năm 2020.

Theo tìm hiểu, ngày 8/6/2019, CEO Vân Đồn cũng đã mang một phần dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đi thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thanh Xuân.

Cụ thể, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng cho công ty vay 620 tỷ đồng để xây dựng dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân Khu 1. Toàn bộ tài sản dự án, tài sản hình thành trong tương lai của dự án đều được thế chấp cho BIDV, kèm theo biện pháp bảo đảm của bên thứ 3 là CEO Group.

photo-1610331109513

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/20219 đã soát xét

CEO Group cũng đã thế chấp tòa tháp trụ sở CEO ở đường Phạm Hùng cho ngân hàng BIDV, thế chấp 96 biệt thự tại dự án Sonasea Villas &Resort Phú Quốc để vay vốn từ lâu. Đặc biệt, CEO Group cũng từng thế chấp dự án Khu nhà ở xã hội Bamboo Garden.

Lê Tuấn
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.