Cha đẻ của Cầu Hôn Phú Quốc hé lộ về hầm rượu "có một không hai" sẽ làm ở Bà Nà Hills
Một hầm rượu độc đáo chưa từng có trên thế giới ngay giữa lòng núi chúa Bà Nà (Đà Nẵng), nơi du khách có thể trải nghiệm toàn bộ quy trình sản xuất và thưởng thức loại rượu vang hảo hạng chỉ có ở Bà Nà Hills - đó là công trình thứ hai mà KTS nổi tiếng Marco Casamonti sẽ hợp tác với Tập đoàn Sun Group làm tại Việt Nam, tiếp sau siêu phẩm Cầu Hôn (Phú Quốc) “làm mưa làm gió” các diễn đàn thời gian qua.
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với “cha đẻ” Cầu Hôn về công trình hứa hẹn nhiều sức hút này.
Xin chào ông, công trình Cầu Hôn do Marco Casamonti thiết kế tại Phú Quốc có thể coi là một công trình rất thành công khi được truyền hình quốc gia Ý đánh giá là nơi hội ngộ giữa văn hóa Ý - Việt và được người Việt Nam vô cùng ngóng đợi ngay từ khi chưa ra mắt. Vậy lý do gì khiến ông quyết định tiếp tục cùng Tập đoàn Sun Group triển khai một công trình mới ở Bà Nà Hiils, Đà Nẵng?
Với tôi Bà Nà Hills là một vùng đất lạ kỳ ấp ủ những vẻ đẹp và cả giấc mơ. Đây là một vùng đất vô cùng đặc biệt vì là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới không có sự hiện diện xe cộ như thành phố Venice hay những ngôi làng ẩn mình trên đồi núi và phải sử dụng phương tiện giao thông đặc biệt. Điều đó đã để lại ấn tượng rất mạnh trong lòng tôi. Đây là một vùng đất mang tầm nhìn tương lai nhưng vẫn gìn giữ những ký ức quá khứ, những vẻ đẹp của các vùng đất khác nhau trên thế giới. Cho nên với tôi, Bà Nà Hills là vùng đất cùng lúc gắn kết quá khứ và tương lai.
Trong khi đó, tôi đánh giá Sun Group là một tập đoàn có tầm nhìn. Họ làm hệ thống cáp treo để di chuyển lên đỉnh Bà Nà, mà theo tôi đây sẽ là phương tiện giao thông của tương lai. Nó cho phép đông đảo du khách khám phá những vùng đất xa xôi hiểm trở nhưng không gây tác động xấu đến môi trường, không cần phải lo lắng về vấn đề tìm bãi đỗ xe và không chiếm không gian quý giá dành cho cộng đồng. Đó là điều khiến tôi rất ấn tượng về Sun Group, về những con người có tầm nhìn lớn để tôi quyết định cùng đồng hành tạo nên tổ hợp công trình mới tại Sun World Ba Na Hills.
Công trình đó là gì, thưa ông?
Chúng tôi sẽ làm một tổ hợp công trình, trong đó có hầm rượu rất đặc biệt, được thiết kế với ý tưởng tạo nên một công trình gắn kết mật thiết với thiên nhiên. Phải nói rằng đây là một công trình rất phức tạp và đòi hỏi chi phí xây dựng rất cao, nếu không nói là “cực kỳ đắt đỏ” vì cách thiết kế và xây dựng cần đảm bảo tạo được môi trường lý tưởng theo cách tự nhiên nhất cho việc sản xuất và ủ rượu vang, với nhiệt độ yêu cầu là 17°C. Triết lý ẩn chứa đằng sau công trình này là trái nho - sinh ra từ đất mẹ, được dùng để tạo nên rượu vang - một thức uống phục vụ con người, bằng nguồn năng lượng từ đất mẹ, từ chính thiên nhiên.
Cùng với hầm rượu, tổ hợp Bà Nà Vortex Circle gồm hồ nước, cầu ngắm cảnh, bảo tàng, khu ẩm thực sẽ tạo nên một tổ hợp hài hòa và thân thiện với cảnh quan và môi trường xung quanh. Thật ra với dự án tổ hợp này chúng tôi xem như mình đang thiết kế một mảnh thiên nhiên Bà Nà, dùng kết cấu, hạ tầng để tạo nơi “lưu trú” cho thiên nhiên. Tôi tin rằng không chỉ Việt Nam mà cả châu Á đã và đang dần khám phá và trân trọng giá trị của thiên nhiên và các sản phẩm từ thiên nhiên như trà, rượu vang... Và dự án này sẽ thu hút được du lịch vì xu hướng du lịch mới ngày nay là kết hợp giữa giáo dục và giải trí (edutaiment).
Điều gì làm nên tính đặc biệt “có một không hai” của hầm rượu trên đỉnh Bà Nà?
Nếu như những nơi sản xuất rượu vang nổi tiếng như Bordeaux (Pháp) hay Thung lũng Napa (California) hay Chianti của Ý là những khu vực đặc thù có truyền thống lâu đời và chuyên tập trung sản xuất rượu vang với khối lượng rất lớn, thì tại hầm rượu Bà Nà chúng tôi chỉ sản xuất một lượng rượu vang nhất định, tập trung vào chất lượng rượu vang và đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao. Đồng thời hầm rượu này còn là biểu tượng của sự gắn kết giữa kiến trúc đương đại - nghệ thuật - con người - thiên thiên.
Hầm rượu được chúng tôi thiết kế theo quy luật sản xuất theo trọng lực, nghĩa là trái nho được thu hoạch từ trên cao, sau đó được làm sạch, vắt ép lấy cốt và ủ theo dây chuyền sản xuất theo hướng từ trên cao xuống thấp - theo hướng trọng lực. Đây là phương pháp sản xuất rất cổ truyền, rất thiên nhiên và cũng là phương pháp tối ưu nhất để tạo nên chất lượng hảo hạng cho rượu vang.
Các hướng và lối thăm quan đượcc bố trí khá đặc biệt (nhưng đều có dụng ý riêng) và du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất chi tiết với các thiết bị không những đảm bảo công năng sản xuất mà còn đảm bảo tính thẩm mỹ vô cùng cao do được “đo ni đóng giày” cho hầm rượu Bà Nà.
Nghe rất thú vị, nhưng để hiện thực hóa liệu có phải là một thách thức?
Xin được nói rằng vô cùng thử thách khi xây dựng một hầm rượu trên đình núi cao 1427m so với mực nước biển với dây chuyền sản xuất rượu tiên tiến, phức tạp và công phu bậc nhất tại châu Âu cũng như trên thế giới. Phải công nhận rằng chỉ có thể nhờ vào ý chí quyết tâm, sự kiên định và bản lĩnh của một tập đoàn như Sun Group, công trình này mới có thể ra đời tại một nơi hiểm trở như vậy. Tôi phải thừa nhận rằng, địa điểm của công trình này là một trong những nơi gian nan và hiểm trở nhất trên thế giới để có thể xây dựng. Bởi đây không chỉ là vấn đề xây dựng một công trình trên đỉnh núi mà còn là việc xây dựng nó ở một nơi với độ dốc vô cùng lớn.
Cầu Hôn tại Phú Quốc lấy ý tưởng từ cốt truyện ông Ngâu - bà Ngâu của Việt Nam, vậy còn hầm rượu Bà Nà, có yếu tố nào mang bản sắc Việt Nam đã được ông đưa vào một dự án rất Châu Âu như dự án này không?
Điều này rất dễ nhận thấy ở thiết kế tổng thể của hầm rượu. Chỉ duy nhất hầm rượu Bà Nà tại Việt Nam được “đội” chiếc nón lá gần gũi, thân thương của người Việt Nam. “Những chiếc nón lá” này ngoài công năng tạo bóng râm cho khách tham quan, còn giúp “che nắng” cho hầm rượu. Rượu vang là loại thức uống rất đặc biệt, rất “thực” và mang đậm tính bản địa nên nó cần và phải kết nối với chính vùng đất sản xuất sở tại. Nên có cách nào thể hiện tính độc bản của hầm rượu vang này ngoài hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam?
Hơi thở Việt Nam còn in đậm trong từng ngóc ngách công trình, khi chúng tôi sử dụng các vật liệu và họa tiết truyền thống của địa phương cho hầm rượu. Bạn sẽ bắt gặp một cảm xúc vừa lạ mà vừa rất quen, khi thấy những viên gạch đất nung như vẫn gặp tại Mỹ Sơn, Đà Nẵng. Nội thất bên trong cũng được thể hiện một cách tinh tế lấy cảm hứng từ hoa văn và các vật liệu truyền thống mang đậm âm hưởng dân tộc Việt Nam.
Chúng ta có thể kỳ vọng điều gì khi công trình mới này ra đời?
“Enjoy life” - Tận hưởng cuộc sống. Ngoài việc tận mắt trải nghiệm quy trình sản xuất rượu vang, được thưởng thức và mua sắm các loại rượu vang tại chỗ dưới sự hướng dẫn của các sommelier hàng đầu (chuyên gia thử nếm và phục vụ rượu vang - PV), du khách khi tham quan hầm rượu sẽ thực sự có cơ hội cảm nhận sức mạnh nội tại của thiên nhiên, khi đứng giữa hầm rượu trong lòng Bà Nà. Đó là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt mà qua từng đường nét thiết kế, từng loại vật liệu, từng gam màu, tôi mong muốn truyền tải thông điệp về sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên, để ta hiểu được giá trị và thêm tôn trọng thiên nhiên.
PVLượng hàng tồn kho bất động sản có dấu hiệu tăng tạo không ít gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh yếu hoặc dùng đòn bẩy tài chính cao.