Chắc chắn ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm 2020

Cải cách hành chính
10:05 AM 09/11/2020

Ngày 9/11, Quốc hội bước sang ngày thứ hai tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về vấn đề xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng và bảo vệ trẻ em trên mạng.

Chắc chắn ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm 2020 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tháng 4/2020, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã họp, đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc thêm thẩm quyền ban hành. 

Trong tuần này, Bộ sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn trong năm 2020, Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được ban hành.

Vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng được Bộ quan tâm lồng ghép trong bộ quy tắc ứng xử với các quy định yêu cầu người sử dụng mạng và nhà cung cấp hướng dẫn trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng an toàn, lành mạnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng. Đề án đã đưa ra giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chủ động ngăn, gỡ bỏ nội dung xấu, độc hại trên môi trường mạng; trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, kỹ năng để trẻ có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng. Đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ và chắc chắn sẽ ban hành trong năm 2020.

Trả lời đại biểu về nội dung chuyển đổi số cho người dân khu vực miền núi, trong đề án chuyển đổi số được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số cho vùng sâu, vùng xa được coi là ưu tiên vì với chuyển đổi số, chỗ nào càng khó khăn, chỗ đó chuyển đổi số càng phát huy hiệu quả. Chuyển đổi số nên bắt đầu từ nơi khó.

Về hạ tầng viễn thông, Bộ đang chỉ đạo phải phủ sóng để cho tất cả người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa phải có sóng 3G, 4G, 5G truy cập internet. Về hạ tầng thanh toán điện tử, trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước cho thí điểm ứng dụng “Mobile money” để người dân không có thẻ ngân hàng có thể thanh toán điện tử được. Với người dân vùng sâu, vùng xa có khó khăn là không có điện thoại thông minh, hiện đã có chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà mạng Việt Nam để bán điện thoại cho người dân với giá 600.000 – 700.000 đồng.

Chuyển đổi số ở vùng sâu, vùng xa sẽ ưu tiên về giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa và thương mại điện tử; sẽ có sàn giao dịch để người dân bán được nải chuối, quả cam. Bộ đã triển khai thí điểm và cuối năm 2020 sẽ sơ kết mô hình xã thông minh.

X. Trường
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng thứ 2 về chỉ số thương mại điện tử Hà Nội đứng thứ 2 về chỉ số thương mại điện tử

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2024, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, đứng thứ ba là Bình Dương với 51,3 điểm.