Chậm mở lại đường bay quốc tế, Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh
Đại dịch COVID-19 phức tạp với biến thể mới tạo áp lực lên việc mở lại bay quốc tế thường lệ. Tuy nhiên, nếu chần chừ, chậm triển khai, Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch, mà còn với các nhà đầu tư.
Nhu cầu cấp thiết mở lại đường bay quốc tế
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 7/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay Bộ này kiến nghị mở lại 9 đường bay quốc tế thường lệ từ giữa tháng này.
Trước nhu cầu về nước tăng cao của người dân, đặc biệt dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán, cũng như lượng lớn người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để làm việc, đầu tư, sản xuất kinh doanh và du lịch, kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ của Bộ GTVT đã có sự điều chỉnh.
Nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất trên, thời gian mở lại đường bay quốc tế sẽ sớm lên nửa tháng (từ giữa tháng 12, thay vì quý I/2022), chỉ chia làm 2 giai đoạn thí điểm (thay vì 3 giai đoạn như trước), thị trường cũng có sự thay đổi cho phù hợp, như bổ sung mở lại ngay đường bay thường lệ tới Mỹ.
Đặc biệt, trước phản ánh của dư luận và ý kiến của nhiều chuyên gia, sau khi xem xét, thảo luận với các bộ, ngành liên quan, Bộ GTVT đề xuất bỏ yêu cầu phải cách ly tập trung 7 ngày với hành khách đã tiêm đủ 2 liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, chỉ cần kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Mở lại đường bay quốc tế thường lệ đồng nghĩa với việc mở cửa rộng hơn để đón khách du lịch quốc tế. Bởi sau khi thí điểm, ban đầu chủ yếu là các chuyến bay charter (thuê chuyến), lượng khách vào Việt Nam là không đáng kể.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép sớm mở lại đường bay quốc tế, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết, trên cơ sở thực hiện mục tiêu kép về phòng chống dịch và phát triển kinh tế, việc mở cửa dần cho khách quốc tế từ các khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine cao, kiểm soát dịch bệnh tốt là cần thiết. Vì nếu chậm triển khai, Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch, mà còn với các nhà đầu tư.
Hiện nay, các doanh nghiệp hàng không, du lịch đang tiến thoái lưỡng nan, suy yếu nguồn thu, có thể dẫn đến phá sản, khiến việc phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch khó khăn. Tính chung 11 tháng năm 2021, tổng thị trường vận tải hàng không chỉ đạt 13,4 triệu lượt khách, bằng 22,5% so với trước đại dịch (năm 2019). Riêng giai đoạn dịch lần thứ 4 bùng phát từ tháng 5-10/2021, tổng khách vận chuyển chỉ đạt 2,1 triệu lượt khách, bằng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế chỉ bằng 1%, khách nội địa đạt 10%.
Đại diện Vietjet cũng cho rằng, nhu cầu mở lại các đường bay quốc tế hiện nay là cầp thiết, đặc biệt là với các quốc gia đã và đang hoàn thành việc tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, hàng không Việt Nam vẫn phải tích cực chuẩn bị để có thể triển khai ngay khi Bộ Y tế có những quy định cụ thể về cách ly cũng như đàm phán xong với các quốc gia có đường bay đến. Với biến chủng Omicron, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ từ 10 quốc gia châu Phi đến Việt Nam. Các chuyến bay đến từ các nước khác vẫn triển khai bình thường.
Thận trọng không hoảng sợ
Trên thực tế, dù chưa mở cửa tại đường bay thương mại quốc tế thường lệ, trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề và gánh nặng về tài chính, các hãng bay trong nước vẫn xúc tiến mở các đường bay thẳng quốc tế thành công. Từ đó, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của các hãng trong việc từng bước mở cửa các đường bay quốc tế.
Mặc dù kế hoạch khôi phục các đường bay quốc tế đã có, Bộ GTVT đã trình lên Chính phủ, song việc mở lại phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến dịch Covid-19, với những biến chủng mới, lây lan nhanh. Ví như, biến chủng Omicron khiến hàng loạt quốc gia đóng cửa bầu trời và cấm nhập cảnh với công dân các nước châu Phi.
Tại Việt Nam, tuy chưa có đường bay và chỉ thực hiện các chuyến bay cứu trợ, đưa người Việt Nam từ châu Phi về nước, Cục Hàng không cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng dừng hết các chuyến bay và cấm nhập cảnh hành khách từ 10 quốc gia châu Phi, gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia hoặc những du khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 3 tuần.
Cùng với đó, số ca F0 trong nước tăng cao ở các địa phương cũng dẫn đến nguy cơ một số quốc gia chưa muốn mở lại đường bay quốc tế với Việt Nam, khách quốc tế cũng e ngại và trong nước, các địa phương muốn tăng cường các biện pháp kiểm soát di chuyển, trong đó có hạn chế chuyến bay hoặc yêu cầu ngặt nghèo hơn với khách bay.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, cơ quan quản lý vẫn tích cực chuẩn bị mở lại các đường bay quốc tế một cách sớm nhất, ngay khi Bộ Y tế có những quy định cụ thể về cách ly cũng như đàm phán xong với các quốc gia mà chúng ta kết nối, trừ những đường bay tới châu Phi như trên.
Điều quan trọng, theo các chuyên gia, việc mở đường bay quốc tế ngoài đảm bảo các điều kiện như xem xét khả năng phòng chống dịch, tiêm vắc xin cho người dân, trên hết cần có sự đồng thuận của các quốc gia mà ta kết nối. Do đó, việc cần làm là đàm phán với các nước để xác nhận hộ chiếu vắc xin - công cụ để chúng ta mở các chuyến bay.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM, trên thực tế, biến chủng mới Omicron lây lan nhanh nhưng việc chẩn đoán và xét nghiệm vẫn không thay đổi, có thể dùng test nhanh, PCR và ít gây bệnh nặng. Thế giới thận trọng nhưng không nên hoảng sợ. Du lịch, hàng không có thể bị trễ bởi biến chủng này nhưng không nên để lỡ cơ hội.
HM (T/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.