Chấn chỉnh hoạt động của các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
UBND Tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành công văn số 14017 về việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.
Công văn nêu rõ: Trong thời gian qua, để triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã chỉ đạo các UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ người ra vào địa bàn. Hoạt động của các chốt kiểm dịch bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần ngăn chặn, kiểm soát không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Ghi nhận của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị, tại nhiều chốt, lực lượng chức năng vẫn "căng mình" bám chốt làm nhiệm vụ. Người yêu cầu dừng phương tiện tham gia giao thông, người đo thân nhiệt, người hướng dẫn khai báo y tế, người lấy mẫu xét nghiệm…, tất cả mọi người đều bận rộn. Ban đêm ít người qua lại, công việc đỡ vất vả hơn, nhưng phải chống lại cơn buồn ngủ và muỗi đốt, ban ngày thì nắng tháng 8 oi nồng rất vất vả. Những khó khăn vất vả, không kể nắng, mưa, đêm, ngày, không kể việc hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm bởi nhiều người vẫn chưa được tiêm phòng đầy đủ. Thế nhưng, các lực lượng chức năng luôn siết chặt quản lý, làm việc hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, kiên quyết không để các trường hợp có yếu tố nguy cơ len lỏi vào địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, qua kiểm tra thực tế cho thấy việc thành lập và hoạt động của không ít chốt kiểm dịch chưa đúng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 13088 ngày 25/08/2021 và Công văn số 13273 ngày 29/08/2021. Có nơi thành lập với số lượng chốt quá nhiều; một số chốt áp dụng biện pháp cứng nhắc, cực đoan "ngăn sông, cấm chợ", gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác tại một số địa bàn lại có tình trạng buông lỏng quan lý, bỏ trống chốt kiểm dịch hoặc có lực lượng chức năng nhưng không kiểm soát, để người và phương tiện qua lại không đúng quy định.
Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh việc thành lập và hoạt động của các chốt kiểm dịch trên địa bàn. Việc thành lập các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, tốn kém và phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch; bảo đảm an ninh trật tự tại các chốt và an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của các thành viên trong lúc làm nhiệm vụ. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cung cấp đầy đủ thông tin cho các lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt, để nắm chắc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 nhất là các quy định tại các Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và những diễn biến tình hình dịch bệnh của từng địa bàn trong tỉnh và cả nước, để áp dụng các biện pháp phù hợp với từng đối tượng.
Đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong từng tình huống, tạo điều kiện cho công nhân, viên chức, người lao động, người đang thực thi nhiệm vụ được lưu thông nếu có đủ điều kiện.
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các chốt trên địa bàn quản lý, đảm bảo hoạt động 24/24 giờ, đạt hiệu quả cao và xử lý nghiêm những tập thể cá nhân thiếu trách nhiệm, chủ quan, lơ là bỏ ngỏ công tác kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện có nguy cơ lây nhiễm xâm nhập vào địa bàn.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp kiểm tra địa bàn, kịp thời chấn chỉnh tình trạng người dân ra đường không có lý do; đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; linh hoạt, tạo điều kiện hết sức có thể để người dân thông chốt nếu có đủ điều kiện, không cứng nhắc, máy móc nhưng cũng không buông lỏng quản lý. Các chốt chặn không được "vị nể" mà bỏ lọt người có nguy cơ cao, mang mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn. Chốt nào làm không nghiêm, không tốt nhiệm vụ được giao sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Yến HoàngTính đến cuối năm 2024, Việt Nam có 73.788 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023, cùng với gần 1,26 triệu lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.