Chân dung doanh nhân tuổi Nhâm Dần Đỗ Quang Hiển: Bỏ nghiệp khoa học đi làm kinh doanh thành chủ tịch nghìn tỷ, ông bầu bóng đá nổi tiếng
Ông Đỗ Quang Hiển hiện là người nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T.
Logo của tập đoàn T&T gây ấn tượng bởi hình ảnh một chú hổ dũng mãnh. Hổ cũng là năm tuổi của Nhà sáng lập tập đoàn này: doanh nhân Đỗ Quang Hiển.
BẦU HIỂN LÀ AI?
Bầu Hiển là chủ tịch HĐQT tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển. Ông Đỗ Quang Hiển hiện là người nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T. Vị chủ năm nay tròn lục giáp hiện cũng là Chủ tịch của hàng loạt doanh nghiệp khác như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF); Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS); Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land); Tổng Công ty Bảo hiểm BSH; CTCP Khai thác chế biến khoáng sản T&T Hà Giang.
Ông Hiển sinh năm 1962, tốt nghiệp ngành vật lý vô tuyến, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1984-1987, ông làm việc tại Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình, Đài Phát thanh Hà Nội. Sau đó ông Hiển chuyển sang làm kỹ sư tại Công ty điện tử Hà Nội rồi gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia.
Trong quá trình nghiên cứu, ông có cơ hội được tiếp cận những nhà kinh tế, các doanh nghiệp lớn trên thế giới. "Từ đây, tôi nhận thức được rằng đất nước mình sẽ phải hình thành và phát triển tầng lớp doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Xu thế quốc tế đang diễn ra thì chắc chắn Việt Nam mình sẽ như vậy", ông Hiển từng chia sẻ trên VnExpress.
Năm 1993, Đỗ Quang Hiển nghỉ nhà nước và thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (Technology & Trade). Đây là một công ty TNHH nhỏ có trụ sở trên phố Hai Bà Trưng, chuyên cung cấp hàng điện tử.
Đến năm 1998, ông Hiển và T&T đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe máy, động cơ và phụ tùng xe máy có quy mô lớn nhất Việt Nam với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. Vị doanh nhân này cũng đầu tư nhà máy lắp ráp hàng điện lạnh gia dụng có tổng mức đầu tư lớn nhất miền Bắc tại thời điểm này.
Năm 2005 là bước ngoặt với ông Đỗ Quang Hiển và T&T khi đầu tư vào lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái. Tập đoàn tư nhân này tham gia lập chiến lược quản trị và điều hành tại ngân hàng và chuyển đổi thành công mô hình hoạt động thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
Năm 2007, Công ty TNHH T&T được chuyển đổi thành Công ty Cổ Phần Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T Group). T&T đầu tư sáng lập và trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Công ty bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cũng như tham gia vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư phát triển các dự án tại Hà Nội, Vinh (Nghệ An), TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố lớn trên cả nước.
Giai đoạn 2011-2016, T&T tham gia hoạt động cổ phần hóa các Doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn, tham gia quản trị tại nhiều Tổng công ty, Công ty trong các lĩnh vực: Tài chính & Đầu tư, Bất động sản, Nông nghiệp, Lâm nghiệp & Thủy sản, Thương mại tiêu dùng & Thương mại Xuất nhập khẩu tổng hợp, Hạ tầng giao thông, Cảng biển, Năng lượng & Môi trường, Y tế & Giáo dục. Tập đoàn của ông Hiển cũng được Chính phủ cấp phép đầu tư ra nước ngoài và thành lập Công ty T&T tại Đức, T&T tại Mỹ, T&T tại Nga hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản.
Tính đến ngày 27/1/2022, vốn hóa giá trị tài sản của chủ tịch Đỗ Quang Hiển trên sàn chứng khoán ở mức 1.528 tỷ đồng.
VỊ DOANH NHÂN THAM VIỆC
“Nếu mà nói về giờ giấc làm việc, giờ giấc sinh hoạt thì tôi tự nhận thấy tôi là người lộn xộn nhất, không khoa học trong thời gian biểu của mình. Có lúc thì về sớm, có lúc đi làm sớm, có lúc đi họp sớm, có lúc đi làm muộn. Nhiều lúc tôi cũng suy nghĩ sắp xếp thời gian cho khoa học để vừa cho công việc chủ động, thứ hai là giữ sức khỏe”, chủ tịch T&T cho biết.
Những nhân viên cấp dưới gần gũi với ông Hiển đều ấn tượng nhận xét ông là vị sếp "ham mê công việc", "tham việc nhất Việt Nam". Là người đứng đầu Tập đoàn với nhiều công ty thành viên, ông tham gia quản trị sâu vào từng lĩnh vực, nên bận rộn là không thể tránh khỏi. Ông Hiển thường xuyên ăn trưa lúc 3, 4h chiều, và ăn tối khi đã một, hai giờ sáng. Tài xế riêng hiểu rõ lịch trình của vị Chủ tịch, cho biết ông thường xuyên là người về muộn nhất công ty có khi tới 2, 3h sáng.
Thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi của vị chủ tịch Tuổi Nhâm Dần là vào buổi sáng Chủ nhật không phải đi công tác. Ông từng chia sẻ mình thường dành thời gian ăn sáng cùng gia đình, cafe cùng bạn thân. Nhưng cũng có những buổi ăn sáng hay cafe kéo dài đến 4, 5h chiều bởi trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, ông luôn được các doanh nhân trẻ tìm đến học hỏi kinh nghiệm quản trị cũng như cơ hội kinh doanh.
"Nhưng tôi không hề thấy phiền bởi với tôi, đây chính là cách thư giãn cho bản thân, vừa gặp gỡ, vừa trao đổi kiến thức với họ", ông cho biết.
Tuy vậy ông Hiển vẫn biết rằng sẽ đến một lúc mình sẽ phải lùi lại cho thế hệ thứ hai tiếp bước. Dần dần, ông dự định sẽ đến ít công ty ít hơn. Mỗi tuần một lần, rồi hai tuần một lần, tiến tới là mỗi tháng một lần, để cho anh em quản trị điều hành. Mới đây con trai cả Đỗ Quang Vinh được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc ngân hàng SHB.
“Ở ngoài thương trường, bố tôi có thể là một người mạnh mẽ và quyết đoán, đôi khi mọi người cũng khá sợ. Tuy nhiên trong gia đình, bố rất gần gũi, luôn chia sẻ với tôi và em trai những câu chuyện từ cuộc sống đến công việc, làm sao để chúng tôi thấy thoải mái nhất.
Ông luôn nhắc nhở tôi rằng sống thì phải biết mình ở đâu, rằng luôn luôn phải để chân chạm đất. Vì với vị trí, môi trường hiện tại của tôi thì chắc chắn thường được nghe không ít lời có cánh dành cho mình. Với những lời khen như vậy thì chúng ta còn tỉnh táo để đứng vững hay không, đó là điều ông luôn nhắc nhở. Vì thế khi bước ra đời, tôi luôn tự nhủ rằng mình còn quá nhỏ bé, mình chưa thực hiện được điều gì to tát cả”, Đỗ Quang Vinh từng chia sẻ về người cha trên Trí thức trẻ mới đây.
Ông Hiển cũng chính là thần tượng trong lòng của Phó Tổng giám đốc SHB Đỗ Quang Vinh.
ÔNG BẦU BÓNG ĐÁ ĐÌNH ĐÁM
“Con người sinh ra bên cạnh làm việc cống hiến thì cũng có những niềm vui, niềm đam mê. Tôi cũng có một niềm đam mê, yêu bóng đá. Nồng độ bóng đá trong máu của tôi còn cao hơn các cầu thủ. Bóng đá cũng giống như trong kinh doanh doanh nghiệp chúng ta phải đưa ra mục tiêu chinh phục những đỉnh cao”, chủ tịch Đỗ Quang Hiển hào hứng chia sẻ về đam mê của mình.
Năm 2006, ông Hiển sáng lập thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội, tiền thân của Câu lạc bộ Hà Nội hiện nay.
Năm 2015, ông Hiển một tay đưa nhà vô địch Ngoại hạng Anh, Manchester City sang Việt Nam, thương vụ khiến ông bầu phải chi hàng chục tỷ đồng nhưng đã giúp hình ảnh SHB đẩy lên rất cao.
Vài năm trở lại đây, "bầu Hiển" dần trở thành cái tên nổi tiếng với mọi người dân Việt Nam yêu bóng đá, kể từ khi đội tuyển U23 lên ngôi Á quân tại AFC Cup. Những đóng góp của ông bầu này cho nền bóng đá Việt trong suốt hàng chục năm qua được đào xới lại và tôn vinh. Nhiều người nói không có ông Hiển, bóng đá Việt Nam sẽ không có Quang Hải hay Văn Hậu. Gần cuối năm 2021, có tin đồn cho rằng Bầu Hiển chi 1 triệu USD để giữ chân Quang Hải ở lại CLB Hà Nội.
Tại cuộc họp cổ đông của ngân hàng SHB hồi cuối tháng 4/2016, bầu Hiển cho biết, đầu tư vào bóng đá đã đem lại “tiền tươi thóc thật”, chứ không phải chỉ là những lợi ích chung chung. Ví dụ như việc SHB sở hữu sổ đỏ 5 ha đất dưới chân cầu Tiên Sơn (Đà Nẵng), 14 ha ở Liên Chiểu, và sắp xây thêm trụ sở ở đường Nguyễn Văn Linh, trung tâm thành phố Đà Nẵng. Theo ông Hiển, việc đầu tư vào bóng đá đem về giá trị tài sản rất lớn, có thể tính toán, định giá được.
Thảo NguyênTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.