Chân dung nữ 'đại gia' người Việt đứng sau dự án Chân Mây LNG 6 tỷ USD
Cổ đông của Chân Mây LNG ngoài các cổ đông nước ngoài còn có sự xuất hiện của một pháp nhân trong nước là CTCP Tập đoàn Wealth Power Việt Nam do một nữ "đại gia" sinh năm 1975 làm người đại diện theo pháp luật.
Dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Chân Mây có tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD Mỹ với tổng công suất thiết kế 4.000 MW dự kiến được đặt tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, sẽ chính thức khởi công xây dựng vào 2021 và vận hành thương mại giai đoạn 1 vào năm 2024. Khi đi vào hoạt động, dự tính hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24-25 tỷ kWh.
Theo VietTimes, Chân Mây LNG được thành lập vào tháng 12/2019, với vốn điều lệ ban đầu đạt 23 tỷ đồng, gồm 2 cổ đông sáng lập là Pacific Rim Investment and Management Inc (nắm giữ 51% VĐL) và ông Trần Sĩ Chương (quốc tịch Mỹ, nắm giữ 20% VĐL). Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Hương Hà (SN 1975).
Ngày 7/5/2020, cơ cấu cổ đông của Chân Mây LNG có sự xuất hiện của một pháp nhân trong nước là CTCP Tập đoàn Wealth Power Việt Nam (Wealth Power Group Vietnam) với tỷ lệ sở hữu 29% vốn điều lệ. Được biết, Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay của Wealth Power Group Vietnam cũng do bà Trần Thị Hương Hà đảm nhiệm.
Bà Trần Thị Hương Hà là một nhà đầu tư và nhà phát triển có kinh nghiệm thực hiện 3 dự án năng lượng mặt trời ở miền Trung Việt Nam. Đồng thời bà có kinh nghiệm dồi dào trong việc khởi tạo và hoàn thành các dự án năng lượng ở cấp địa phương và quốc gia. Bà Hà có hơn 20 năm kinh nghiệm làm kế toán trưởng Tập đoàn VNPT và tốt nghiệp Đại học Bưu chính Viễn thông.
Mặt khác, dự án Nhà máy điện khí Chân Mây LNG được đầu tư theo hình thức đầu tư tư nhân với vốn sở hữu 60% Mỹ và 40% Việt Nam. Do đó, không loại trừ khả năng phần vốn còn lại (11%) của Chân Mây LNG sẽ thuộc sở hữu bởi các cá nhân/pháp nhân có liên quan đến nữ "đại gia" Trần Thị Hương Hà.
Theo VietTimes, Wealth Power Group Vietnam được thành lập vào tháng 12/2018, với vốn điều lệ ban đầu 23 tỷ đồng. Trong đó, bà Trần Thị Hương Hà góp 8,05 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 35% vốn. Phần còn lại được nắm giữ bởi 2 cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Văn Quý Ngọc (nắm giữ 35% vốn điều lệ) và ông Chotianan Phutpornchanan (quốc tịch Thái Lan, nắm giữ 30% vốn điều lệ).
Tiềm lực từ các cổ đông sáng lập phần nào là cơ sở cho sự lớn mạnh của Wealth Power Group Vietnam. Nhờ đó, dù tuổi đời còn khá non trẻ, nhưng tập đoàn này cùng các công ty thành viên đã sở hữu hàng loạt dự án năng lượng tái tạo có quy mô và vốn đầu tư lớn.
Ngoài Chân Mây LNG, Wealth Power Group Vietnam hiện còn sở hữu một số công ty thành viên khác như: CTCP Năng Lượng BS Việt Nam, CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thủy, CTCP Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam, CTCP Thương mại Du lịch Thanh Toàn Paragon, CTCP Tập Đoàn Đa Biên hay CTCP Đầu tư Bất động sản Wealth Land…
Đáng chú ý, nữ "đại gia" Trần Thị Hương Hà đều xuất hiện hầu hết trong cơ cấu cổ đông của các pháp nhân kể trên.
Bên cạnh lĩnh vực năng lượng tái tạo, Wealth Power Group Vietnam của nữ "đại gia" Trần Thị Hương Hà cũng quan tâm đến bất động sản khi sở hữu CTCP Đầu tư Bất động sản Wealth Land.
Ngoài ra, bà Trần Thị Hương Hà còn đứng tên tại một số pháp nhân khác như CTCP Thương mại và Xây dựng Đoàn Sơn Thủy, CTCP Năng lượng Hà Linh Gia Lai.
X. Bách (t/h)Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” ngày 3/1, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có sức bật mạnh mẽ. Năm 2025, sẽ vượt qua thách thức toàn cầu, triển vọng về một nền kinh tế vững mạnh và bền vững trong tương lai.