Chân dung nữ hoàng đế duy nhất của Trung Quốc: Độc bá triều cương, cải cách đất nước cứng rắn mà hiệu quả và là một nhà lãnh đạo quân sự tài tình
Bắt đầu từ năm 660 sau công nguyên (SCN), Võ Mị Nương thực sự là hoàng đế của Trung Quốc. Bà đã không nắm giữ ngôi vị đó nhưng lại là người nắm quyền triều chính đằng sau tất cả ngay cả khi đang mang thai con gái Thái Bình vào năm 665 SCN. Bà đã dẫn một nhóm phụ nữ lên núi Thái Sơn vào năm 666 SCN để tiến hành các nghi lễ mà theo truyền thống, chỉ có nam giới mới được làm.
Nam nữ bình quyền, không gì là không thể
Vốn được cha nuôi dạy để tin rằng bản thân mình bình đẳng với nam giới, Võ Mị Nương không thấy có lý do gì khiến phụ nữ không thể thực hiện các tập tục giống đàn ông và giữ các vị trí mà đàn ông có thể nắm giữ. Bà không xin phép bất kỳ nam nhân nào để dẫn những người phụ nữ này lên núi Thái Sơn. Bà cảm thấy mình biết điều gì là tốt nhất và làm điều đó. Bà cũng đã tổ chức cuộc chiến đánh Triều Tiên vào năm 668 SCN thành công đến mức khiến Triều Tiên phải tự hạ địa vị và trở thành một nước chư hầu.
Hoàng đế Đường Cao Tông không liên quan gì đến một trong hai sự kiện này, mặc dù tên của ông đã được gắn liền với các cuộc chiến với Triều Tiên. Vị hoàng đế này đã mắc một căn bệnh ảnh hưởng đến mắt của ông (có thể là đột quỵ) và cần phải có người đọc tấu chương cho ông nghe. Võ hậu nói cho ông nghe bất cứ điều gì bà cảm thấy thích rồi đưa ra quyết định của riêng mình, hoặc đọc cho ông những tấu chương thật sự nhưng sau đó vẫn tự mình hành động, hoàng đế Cao Tông lấy hiệu là Thiên hoàng, Võ hậu cũng trở thành Thiên hậu. Họ cùng nhau trị vì đất nước cho đến khi Thiên hoàng qua đời vào năm 683.
Võ Mị Nương để con trai đầu lòng của mình lên ngai vàng, lấy vương hiệu là Trung Tông nhưng lại phế truất ông với tội tạo phản và phán đi lưu đày. Bà thay thế Trung Tông bằng con trai thứ hai của mình, người đã trở thành Hoàng đế Đường Duệ Tông. Bà giam lỏng Duệ Tông và nắm trong tay toàn bộ quyền lực trong triều. Với bà, Đường Duệ Tông cũng là một nỗi thất vọng nên bà cũng đã buộc ông phải thoái vị vào năm 690.
Võ Mị Nương tự xưng là Võ Tắc Thiên, trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất ngồi lên ngai vàng và trị vì đất nước bằng chính tên và quyền lực của mình. Bà ghép họ Võ của mình vốn có nghĩa là ‘vũ khí, lực lượng quân sự’ với "Tắc Thiên", nghĩa là ‘người cai trị của trời’. Bà muốn thiên hạ hiểu rằng người thống trị mới đã lên ngôi trị vì đất nước và một trật tự mới cũng đã đến.
Sử dụng thông tin tình báo sớm
Việc đầu tiên bà làm khi lên ngôi là đổi quốc hiệu từ Đường thành Chu (thực chất là Thiên Châu). Đây là một việc cần thực hiện theo thông lệ để thiết lập lại lịch sử khi một triều đại thay đổi. Mỗi triều đại được coi là một sự khởi đầu mới và khi Võ hoàng đế đổi tên từ Đường sang Chu, bà cũng đã theo truyền thống này nhưng không chỉ dừng ở đó, bà muốn là người bắt đầu một kỷ nguyên hoàn toàn mới bằng cách gọi triều đại của mình là Thiên Châu (do trời ban). Để đảm bảo sự vững vàng cho triều đại mới của mình, bà bắt giam tất cả thành viên hoàng tộc nhà Đường (bao gồm của hoàng đế Huyền Tông trong tương lai).
Nguồn: Phim "Võ Tắc Thiên truyền kỳ"
Ngay từ năm 660, Võ Mị Nương đã tạo dựng một lực lượng quân và gián điệp trong triều đình và khắp đất nước. Bà đã thiết lập một chính sách để những người cung cấp thông tin có thể được trả tiền để đi lại bằng phương tiện công cộng và trình báo những điều mình biết lên công đường. Hệ thống gián điệp này đã phục vụ bà rất tốt trong việc đưa ra cảnh báo sớm về bất kỳ âm mưu nào đang được thực hiện và cho phép bà xử lý các mối đe dọa đối với triều đại của mình từ khi những âm mưu đó còn chưa kịp đi đến đâu.
Vị nữ hoàng đế này đã sử dụng thông tin tình báo mà bà thu thập được để gây áp lực buộc một số quan đại thần có thành tích không tốt phải từ quan; một số người sẽ bị bà lưu đày hoặc xử tử. Bà đã cải tổ cơ cấu của triều đình và loại bỏ bất kỳ ai mà bà cảm thấy không thực hiện được chức trách của họ, do đó, giảm chi tiêu của triều định mà lại tăng hiệu quả công việc. Đối với các chức quan còn trống đó, bà bổ nhiệm những trí thức và những quan lại có tài mà không quan tâm đến địa vị hay các mối quan hệ liên quan đến gia thế của họ.
Cải cách cứng rắn, lắng nghe dân chúng
Để tách biệt hơn nữa thời nhà Chu của mình với nhà Đường, bà đã tạo ra các ký tự mới cho hệ thống chữ viết của Trung Quốc mà ngày nay được gọi là các ký tự Trung Quốc của Võ Hoàng hậu hoặc Ký tự Tắc Thiên. Những ký tự này được cho là sẽ thay thế từ 10 đến 30 ký tự cũ hơn và là nỗ lực của Võ Tắc Thiên để thay đổi cách suy nghĩ và cách viết của dân chúng. Mặc dù những ký tự này đã bị loại bỏ sau thời trị vì của bà, chúng vẫn tồn tại như một phương ngữ Trung Quốc dưới dạng chữ viết. Chúng được các nhà sử học coi là quan trọng vì chúng cho thấy hoàng đế họ Võ đã đi xa như thế nào trong việc cố gắng tạo ra một thế giới mới ở Trung Quốc dưới thời trị vì của bà. Bà thậm chí còn muốn thay đổi những từ ngữ mà họ sử dụng.
Không có khu vực nào của cuộc sống Trung Quốc mà Võ Tắc Thiên không chạm đến. Những cải cách của bà đã trở nên phổ biến vì đó là những cải cách đến từ nguyện vọng của người dân. Dưới các chế độ cũ, một đề xuất hoặc khiếu nại phải được chuyển qua một số văn phòng khác nhau trước khi nó đến được với bất kỳ ai có chức trách quyết định được việc có hành động hay không. Võ Tắc Thiên loại bỏ tất cả các bộ máy quan liêu bằng cách thiết lập một đường dây liên lạc trực tiếp giữa bà và người dân. Nhà sử học Kelly Carlton viết:
"Hoàng đế họ Võ đã làm một hộp đơn kiến nghị, ban đầu có bốn chỗ: một chỗ dành cho nam giới tự tiến cử mình làm quan; một chỗ mà công dân có thể chỉ trích công khai và ẩn danh về các quyết định của công đường; một để báo cáo những điềm báo siêu nhiên, kỳ lạ và những âm mưu bí mật, và một để gửi những lời buộc tội và bất bình".
Bà đã cải thiện hệ thống giáo dục công bằng cách thuê những người thầy tận tâm và tổ chức lại bộ máy hành chính và phương pháp giảng dạy. Bà cũng cải tổ bộ phận nông nghiệp và hệ thống thuế bằng cách thưởng cho những quan lại sản xuất ra nhiều cây trồng nhất và đánh thuế người dân ít nhất. Bà ra lệnh viết và phân phát sổ tay hướng dẫn nông nghiệp. Bà đã tổ chức các đội đi khảo sát đất đai và xây dựng mương thủy lợi để giúp trồng trọt và chia lại ruộng đất để mọi người đều có phần bình đẳng để làm ruộng. Sản xuất nông nghiệp dưới triều đại của Võ Tắc Thiên đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.
Võ Tắc Thiên cũng cải tổ quân đội bằng cách bắt buộc các kỳ thi quân sự dành cho các chỉ huy để thể hiện năng lực, vốn đã được mô phỏng trong các kỳ thi khoa cử của bà dành cho quan văn. Các kỳ thi quân sự nhằm mục đích đo lường trí thông minh và khả năng ra quyết định của các ứng viên. Họ được thi vấn đáp cá nhân thay vì chỉ được bổ nhiệm bởi vì gia thế của họ.
Thành công của bà trong các cuộc chiến đánh Triều Tiên đã khiến các tướng lĩnh mang niềm tin vững chắc vào bà. Không ai dám thách thức các quyết định của nữ hoàng đế này về phòng thủ quân sự hoặc các cuộc viễn chinh. Mạng lưới gián điệp và quân bí mật của bà đã ngăn chặn các cuộc nổi dậy trước khi chúng có cơ hội bắt đầu và các chiến dịch quân sự mà bà thực hiện đã mở rộng và đảm bảo an toàn bờ cõi của đất nước.
Bà cũng đã mở lại được Con đường Tơ lụa, con đường đã bị đóng cửa vì bệnh dịch năm 682 và các cuộc đột kích sau đó của những người du mục. Võ Tắc Thiên cũng đã lấy lại các vùng đất đã bị người Đột Quyết xâm chiếm dưới thời trị vì của Đường Thái Tông và phân chia chúng để không phải tất cả đều do hoàng tộc nắm giữ.
Minh PhươngVới 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.