Chân dung tân Chủ tịch Eximbank Lương Thị Cẩm Tú: Là cựu CEO Nam A Bank, đang nắm trong tay số cổ phiếu EIB trị giá 500 tỷ đồng
Bà Lương Thị Cẩm Tú có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trải qua nhiều ngân hàng như Sacombank, MHB, Nam A Bank và Eximbank.
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa ra Nghị quyết về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên Hội đồng Quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.
Bà Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980 tại Khánh Hòa, có học hàm học vị là cử nhân chuyên ngành Quản lý kinh doanh (ĐH Văn Lang); thạc sỹ Quản trị kinh doanh (Griggs University). Hiện bà Tú đã có 18 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng các ngân hàng như: Trợ lý giám đốc, Phó giám đốc rồi Giám đốc Sacombank chi nhánh Khánh Hòa; Giám đốc khu vực kiêm Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của Ngân hàng MHB (nay đã sáp nhập vào BIDV); Thành viên HĐQT Công ty Đường Ninh Hòa; Thành viên HĐQT Công ty Du lịch Thắng Lợi.
Ngoài ra, bà từng là một trong những lãnh đạo ngân hàng trẻ tuổi nhất hệ thống khi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) vào năm 2015, sau đó từ nhiệm đầu tháng 3/2018. Ngoài tên tuổi gắn với ngân hàng, bà Lương Thị Cẩm Tú còn từng là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, được nhận giải thưởng Doanh nhân ASEAN tiêu biểu năm 2015.
Tháng 4/2018, bà Lương Thị Cẩm Tú trúng cử vào HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên của ngân hàng này. Bà cũng là người duy nhất trong số 4 ứng viên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank thời điểm đó.
Ngày 22/3/2019, tại Nghị quyết HĐQT số 112, bà Tú được bầu làm Chủ tịch Eximbank, thay ông Lê Minh Quốc.
Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau, đến ngày 27/3/2019, Eximbank nhận được quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT của Tòa án nhân dân TPHCM về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại điều 127 của Bộ luật Tố tụng Dân Sự: Buộc các đồng bị đơn (bao gồm: Ông Đặng Anh Mai, ông Lê Văn Quyết, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân ninh, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Yasuhiro Saitoh, ông Yutaka Moriwaki, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Eximbank) phải tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết số 112 cho đến khi giải quyết xong vụ án (nguyên đơn: Ông Lê Minh Quốc).
Đến tháng 5/2019, Eximbank mới thay được Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhưng người thay ông Lê Minh Quốc là ông Cao Xuân Ninh, chứ không phải bà Lương Thị Cẩm Tú.
Bà Lương Thị Cẩm Tú hiện nắm 13,8 triệu cổ phiếu Eximbank, tương đương giá trị khoảng 500 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.