"Chạy nước rút" giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Vẫn còn khoảng 50% vốn đầu từ công cần giải ngân trong niên hạn năm 2024. Đây là một số vốn rất lớn, tuy nhiên đã có sự chuyển biến tích cực về tiến độ giải ngân đầu tư công trong 2 tháng vừa qua và có nhiều tín hiệu tích cực những tháng còn lại của năm.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến ngày 30/9/2024, ước tính giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tỉ lệ giải ngân này không đạt được như kỳ vọng. Trong đó, TP Hồ Chí Minh được giao hơn 79.263 tỷ đồng, nhưng tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt 21,29% kế hoạch. Còn Hà Nội được giao hơn 81.033 tỷ đồng, nhưng tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt 38,88% kế hoạch.
Hết 9 tháng, có 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước. Một trong những điểm nghẽn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương này chính là công tác giải phòng mặt bằng, đặc biệt tại các dự án trọng điểm.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024, tổng số vốn là 8.446,866 tỷ đồng.
Trong đó bao gồm 7.313,5 tỷ đồng vốn trong nước điều chỉnh giảm của 20 bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung tương ứng cho 12 bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Đối với vốn nước ngoài thì điều chỉnh giảm 1.133,313 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của 3 bộ và 1 địa phương để điều chỉnh, bổ sung tương ứng cho Bộ Y tế cùng 13 địa phương.
Đây là số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhưng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ do dự án chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định và số vốn đã phân bổ chi tiết nhưng các bộ, cơ quan, địa phương không có nhu cầu sử dụng trong năm 2024 và đề xuất “trả lại vốn”. Số vốn điều chỉnh giảm được bổ sung cho cơ quan trung ương chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn năm 2024 đang có nhu cầu và có khả năng giải ngân ngay.
Tại TP Hồ Chí Minh, số vốn 600 tỷ đồng từ dự án nút giao An Phú, sẽ được điều chuyển cho các dự án dở dang khác tại các quận, huyện có phương án giải ngân khả thi hơn. Điều tiết, điều chuyển vốn cũng là một trong những cách thức để chính quyền TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ tổng số 57 dự án đầu tư công gặp vướng mắc về thủ tục. TP cũng đã nỗ lực giải phóng mặt bằng trên 99% cho dự án trọng điểm quốc gia là đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp để cải thiện tỷ lệ giải ngân trong giai đoạn cuối năm.
Hiện các địa phương khác đang chủ động rà soát, đánh giá giải ngân của từng dự án, điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao, đăng ký bổ sung kế hoạch vốn đối với các dự án có nhu cầu.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu... Đối với các dự án lớn, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc.
Như vậy, vẫn còn khoảng 50% vốn đầu từ công cần giải ngân trong niên hạn năm 2024. Đây là một số vốn rất lớn, tuy nhiên đã có sự chuyển biến tích cực về tiến độ giải ngân đầu tư công trong 2 tháng vừa qua.
Theo Bộ KH&ĐT, đặc thù của nhiều năm nay là tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, nhưng xu hướng tăng nhanh ở những tháng cuối năm do các chủ đầu tư thường dồn khối lượng hoàn thành, đến cuối năm mới làm thủ tục giải ngân để giảm số lần phải làm thủ tục thanh toán. Chính quyền các địa phương cũng tiếp tục ứng dụng công nghệ vào quản trị dự án, cắt giảm thời gian thực hiện để đạt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giải ngân đầu tư công.
Với các giải pháp đặt ra để thực hiện từ nay đến cuối năm, các địa phương đang kỳ vọng vào những tháng cuối năm sẽ cải thiện được tiến độ giải ngân để đạt kết quả cao nhất khi kết thúc năm ngân sách.
Minh An (t/h)Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, các địa phương động lực dự báo tăng trưởng cao trong quý IV, dẫn dắt tăng trưởng cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%.