Chế biến, chế tạo tăng trưởng 3,5% trong tháng 8
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế trong tháng 8 với mức tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu nửa đầu năm nay, ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 0,37% thì riêng tháng 8 đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng dẫn đầu về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD trong 8 tháng, tăng gần 15% so với cùng kỳ.
Một số ngành đóng vai trò là động lực cho xuất khẩu đều có những tín hiệu tích cực như dệt, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại, kim loại đúc sẵn và giường, tủ, bàn, ghế...
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là trên 25%. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao lên tới trên 95%. Vì vậy, sự phục hồi trong tháng 8 và 8 tháng vừa qua cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Với các ngành hàng chế biến, chế tạo, bài toán đau đầu nhất là giảm tỷ lệ phế phẩm và tăng tỷ lệ thành phẩm, nghĩa là giảm được các chi phí tái chế, tái sản xuất, cũng như giảm tỷ lệ lãng phí trong quá trình sản xuất. Giải quyết được vấn đề này, các doanh nghiệp sẽ nâng cao được năng lực và hiệu quả sản xuất.
Theo Tổng cục Thống kê, trong thời gian tới, đặc biệt trong những tháng cuối năm, để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi và là động lực tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất như sau:
Chính phủ, các cấp, các ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân nhanh các gói cứu trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả; cần có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngành điện cần đảm bảo nguồn điện cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ cá thể và nhu cầu tiêu dùng của dân cư trong mùa cao điểm của nắng nóng.
Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu,…
Chính sách hỗ trợ cho người lao động cần rõ ràng, giảm bớt thủ tục, hướng dẫn cụ thể, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động đối với doanh nghiệp gặp khó khăn;
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập của người lao động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả trong ngăn chặn hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác trong các doanh nghiệp; tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu thụ trong nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.