Chênh lệch thu nhập giữa Hà Nội và TPHCM đang ở mức nào?
Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo về tình hình lao động việc làm quý 4/2021 và chỉ số phát triển con người Việt Nam 2016-2021. Báo cáo cho biết, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 4/2021 là 5,3 triệu đồng, giảm 624 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Thu nhập của nam hay nữ cao hơn?
Trong đó, thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị gấp 1,3 lần khu vực nông thôn. Nếu xét theo lĩnh vực kinh tế, trong quý 4/2021, thu nhập của người lao động bước đầu được cải thiện. Theo đó, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế so với quý trước.
Cụ thể, người lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân tăng cao nhất, với mức thu nhập là 5,9 triệu đồng, tăng 130 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,2% so với quý trước.
Lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức thu nhập bình quân là 3,4 triệu đồng, tăng 72 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,1%. Lao động khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 6,3 triệu đồng, tăng 108 nghìn đồng, tương ứng tăng 1,7%.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế, quý 3, quý 4 các năm 2020-2021. Nguồn: GSO.
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,4 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ. Cụ thể, thu nhập của lao động nam trong quý 4/2021 ở mức 6,2 triệu đồng, trong khi đó, thu nhập của lao động nữ chỉ ở mức 4,4 triệu đồng.
Báo cáo nhận định, mặc dù thu nhập so với quý trước có xu hướng cải thiện, nhưng đời sống của người lao động vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. So với cùng kỳ năm 2020, mức thu nhập của người lao động hiện nay vẫn thấp hơn 624 nghìn đồng/người/tháng, tương ứng giảm khoảng 10,5%.
Đáng chú ý, tình trạng giảm thu nhập của nữ giới diễn ra nghiêm trọng hơn so với của nam giới. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của lao động nữ quý 4/2021 giảm 14,6%; thu nhập bình quân của lao động nam giảm 7,5%.
Tình trạng giảm thu nhập có khác biệt giữa hai giới được ghi nhận ở các quý do bùng phát của đại dịch trong vòng 2 năm qua, thể hiện rõ hơn trong quý 3/2021 và còn tiếp diễn nghiêm trọng hơn trong quý 4.
Chênh lệch thu nhập giữa Hà Nội và TPHCM đang ở mức nào?
Nếu xét trong 6 vùng kinh tế - xã hội, Đông Nam Bộ là vùng có nhiều khởi sắc nhất. Thu nhập bình quân của lao động làm việc quý 4/2021 ở vùng này 6,1 triệu đồng, tăng 450 nghìn đồng, tương ứng 8,0% so với quý trước.
Trong đó, lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến thể Delta trong quý 3/2021, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực với mức thu nhập bình quân của lao động trong quý 4 đạt 6,5 triệu đồng, tăng 730 nghìn đồng, tương ứng tăng 12,7% so với quý trước.
Ngược lại, lao động tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động phức tạp và lan rộng của đại dịch. Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động tại vùng này là 4,4 triệu đồng, so với quý trước giảm 113 nghìn đồng, tương ứng giảm 2,5%.
Còn ở Hà Nội, dịch bệnh diễn biến phức tạp trong những tuần cuối quý 4/2021 nên thu nhập của người lao động tăng chậm lại. Theo đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động tại Hà Nội là 7,2 triệu đồng, chỉ tăng 201 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,9% so với quý trước. So với Thành phố Hồ Chí Minh, lao động ở Hà Nội có tốc độ tăng thu nhập bình quân thấp hơn 4,4 lần (2,9% so với 12,7%).
Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.