Chỉ còn hơn 774 nghìn liều vaccine trong khi cần hơn 6 triệu liều để đạt bao phủ mũi 2 toàn dân, TP.HCM sẽ giải quyết thế nào?
Theo kế hoạch, TP.HCM đang tổ chức chiến dịch tiêm chủng cao điểm vaccine COVID-19, nhưng để hoàn thành mục tiêu bao phủ mũi 2 cho toàn dân, TP.HCM còn thiếu hơn 6 triệu liều. Vậy nguồn vaccine thiếu sẽ lấy từ đâu?
Tính đến hết ngày 19/9/2021, Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố đã tiêm 8.773.840 liều vaccine, trong đó có 6.736.823 mũi 1, đạt 93,5% dân số từ 18 tuổi trở lên, và 2.037.017 mũi 2, đạt 28,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Ngay trong sáng ngày 19/9, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), thành phố đã nhận được 54.700 liều vaccine AstraZeneca do Bộ Y tế cấp.
Tuy nhiên, HCDC cho rằng, gần 55.000 liều vaccine AstraZeneca này không nhiều so với tốc độ tiêm của thành phố tại các quận, huyện trong 1 ngày. Tuy nhiên, các địa phương sẽ cân đối để tổ chức tiêm vaccine cho người dân.
Ngoài ra, Viện Pasteur TP.HCM đã thông tin thêm, lô vaccine 500.000 liều Vero Cell nhập từ 18/9, dự kiến sẽ mất 2 ngày kiểm định, sau đó, sẽ được chuyển cho HCDC để triển khai tiêm chủng.
Hiện nay, theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết ngày 19/9, thành phố chỉ còn 774.272 liều vaccine, cụ thể AstraZeneca là 108.894 liều, Pfizer 125.800 liều, Vero Cell 539.578 liều.
Nhưng để hoàn tất mục tiêu bao phủ 2 mũi vaccine cho 7.208.800 người dân thành phố (theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tính đến ngày 30/6/2021), căn cứ quy định của Bộ Y tế về tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19 và số lượng vaccine còn lại, thành phố dự kiến cần 6.031.000 liều vaccine từ ngày 20/9 đến ngày 31/10.
Cụ thể, số lượng vaccine để tiêm mũi 1 khoảng 472.000 liều, và tiêm mũi 2 khoảng 5.559.000 liều. Trong đó, để tiêm mũi 2, thành phố cần 4.935.000 liều AstraZeneca, hoặc Pfizer để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca đủ 8-12 tuần, 624.000 liều Vero Cell để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 Vero Cell đủ 3 tuần.
Trên Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, khu vực đã hoàn thành 100% mũi 1 cho người trên 18 tuổi bao gồm: TP. Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, quận 1, quận 5, quận 8, quận 11, Phú Nhuận.
Trong khi đó, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 cho người dân. Trong đó, quận 11 đang là khu vực có tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi cao nhất thành phố với 42,7%. Tiếp đến là quận 5, quận 10,… Các khu vực có tỷ lệ tiêm mũi 2 thấp nhất là Tân Bình (22,3%), quận 6 (22,8%), Bình Thạnh (23,4%)…
Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về nhu cầu vaccine ngừa COVID-19 từ nay đến hết 31/10/2021, để xem xét phân bổ vaccine kịp thời cho thành phố triển khai tiêm ngừa cho kịp tiến độ.
Trước đó, trong phiên họp về bảo quản, phân bổ, tiếp nhận vaccine và vật tư phục vụ tiêm vaccine COVID-19, Bộ Y tế đã đưa ra thông báo từ ý kiến của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên – phó trưởng Ban Chỉ đạo tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc như sau:
Từ nay đến cuối tháng 9, Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm khoảng 3 – 4 đợt vaccine và sẽ được phân bổ ngay. Sang tháng 10, lượng vaccine sẽ về nhiều hơn, trong đó, có tới 10 triệu liều vaccine Pfizer (trong 2 lô gồm tổng số 51 triệu liều mà Việt Nam đặt mua), AstraZeneca từ hợp đồng Bộ Y tế mua thông qua Công ty VNVC… đều sẽ được phân bổ ngay.
Bộ Y tế cho biết thêm, đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 50 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn khác nhau như AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sputnik V.
Trong đó, cả nước đã tiêm tổng cộng 34.553.590 liều vaccine phòng COVID-19. Với mũi 1 là 27.913.529 liều, mũi 2 là 6.640.061 liều.
Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 45 đợt vaccine cho cả nước, với tổng là 38.009.776 liều. Trong đó, đợt phân bổ gần nhất là 8 triệu liều Vero Cell trong ngày 19/9.
TP.HCM đang là tỉnh thành nhận được lượng vaccine nhiều nhất cả nước, với hơn 8,8 triệu liều. Theo dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, hiện TP.HCM đạt tỷ lệ tiêm là 99,73% (tính theo số mũi tiêm/số vaccine phân bổ theo quy định). Con số này giúp TP.HCM nằm trong top 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm cao nhất cả nước.
Hồng NhuậnGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.